Khi con trẻ cầu cạnh niềm tin từ cha mẹ: Vết thương có thể lành nhưng sẹo thì không!

Niềm tin là thứ dường như buộc phải có trong mỗi gia đình nhưng gần đây, bục dũng khí của chương trình Thiếu Niên Nói lại liên tục vang lên câu hỏi: 'Vì sao ba mẹ không tin con?'.

Xã hội ngày càng hiện đại, con người cũng tất bật với vòng quay cuộc sống, công việc. Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền và sự nghiệp đôi khi khiến người ta không kịp dừng lại để vun đắp những mối quan hệ xung quanh mình, kể cả khi đó là con cái.

Người với người ngày càng xa nhau, những cuộc trò chuyện cũng thưa dần, chỉ có khúc mắc, hiểu lầm và sự hoài nghi ngày càng sinh sôi, dày đặc. Không ít lần, trong những bữa cơm gia đình, thay vì tâm sự và lắng nghe, cha mẹ lại liên tục đặt câu hỏi cho con cái. Bởi lẽ, khi không có thời gian, họ chỉ hỏi những gì họ muốn biết, còn những gì con cái muốn nói, đôi khi họ lại không cần nghe.

Niềm tin cứ thế mất dần trong gia đình, từ ngày này sang tháng nọ. Có lẽ mà vì vậy mà gần đây, câu hỏi “Vì sao ba mẹ không tin con?” cứ lần lượt vang lên trên bục dũng khí của chương trình Thiếu Niên Nói 2020.

Ngay từ tập đầu tiên, giữa những câu chuyện vui nhộn, hài hước về bạn bè, trường lớp, khán giả bỗng chạnh lòng trước lời kể của Vân Tâm - học sinh trường THCS Hồng Bàng.

Vì một lần lỡ lấy tiền của bố mẹ, kể từ đó, Vân Tâm không còn được tin tưởng nữa. Về sau, cô bé liên tục bị bố mẹ quản lý, mỗi khi mất tiền, người đầu tiên bị nghi ngờ cũng là Vân Tâm.

Vân Tâm - học sinh trường THCS Hồng Bàng

Vân Tâm - học sinh trường THCS Hồng Bàng

Bố Vân Tâm cũng đã giải thích một cách thuyết phục rằng: “Ba mẹ không phải lo mình bị mất tiền, mất tài sản, ba chỉ lo con mình mất đi một đức tính tốt. Ba mẹ luôn sợ con phạm phải một sai lầm gì đó đi quá mức có thể chấp nhận được”. Dù vậy, những tổn thương đã qua vẫn mãi hằn trong lòng con trẻ.

Hay trong tập 3, Trương Trí Thịnh - học sinh lớp 11 Trường THPT Hùng Vương TP HCM đã khiến nhiều khán giả xúc động trước câu chuyện về tình bạn giữa mình và một bạn nữ cùng lớp. Vì gia đình bạn nữ không tin tưởng vào Thịnh nên đã cấm cản cả hai chơi với nhau, thậm chí, người mẹ còn dọa sẽ cho con gái nghỉ học nếu tình bạn này không dừng lại.

Trương Trí Thịnh - học sinh lớp 11 Trường THPT Hùng Vương TP HCM

Đến giờ, em vẫn không hiểu sao họ lại gay gắt đến vậy. Dường như ba mẹ bạn ấy không có một chút gì tin tưởng em cả. Em với bạn cũng chỉ là bạn bè, bọn em quý nhau hơn bình thường một chút thôi”, cậu bạn bộc bạch.

Tình bạn giữa Trí Thịnh và bạn nữ đã dừng lại vì niềm tin của những phụ huynh kia chưa bao giờ đặt vào cậu bạn này. Trí Thịnh đã hứa sẽ cố gắng học tập để chứng minh với gia đình bạn nữ rằng mình không phải người xấu. Có thể đó là động lực tốt nhưng suy cho cùng, cái gốc của nó vẫn là sự tổn thương.

Gần đây nhất, bục dũng khí của Thiếu Niên Nói 2020 lại chứng kiến giọt nước mắt của cô bạn Thanh Hà - lớp 8A6, trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội. Bị lưu ban vào năm lớp 8, Thanh Hà nhìn thấy được sự thất vọng trong đôi mắt mẹ mình: “Khi họp phụ huynh về, nhìn ánh mắt mẹ, em đã biết kết quả học tập của mình tệ đến mức nào”.

Biết bố mẹ mất dần niềm tin vào mình, cô bé bày tỏ: “Xin bố mẹ hãy tin tưởng con một lần nữa, đừng quá thất vọng về con. Xin hãy cho con thêm một cơ hội để chứng minh bản thân đã thật sự cố gắng”.

Thanh Hà - lớp 8A6, trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội.

Với Thanh Hà, bố mẹ cô bé đã không sai, gặp phải những điều trên, không thất vọng, hụt hẫng đều là nói dối. Chỉ mong rằng, sau câu chuyện này, phụ huynh của Thanh Hà hãy lắng nghe con mình, chứng minh rằng họ vẫn tin tưởng vào con gái để cô bé không lặp lại sai lầm cũ.

Thanh Hà, Vân Tâm, Trí Thịnh là ba đại diện cho những dạng mất niềm tin khác nhau của người lớn với con trẻ. Trường hợp của Thanh Hà, niềm tin mai một đều có nguyên nhân hợp lý, bố mẹ cũng không gây thêm tổn thương cho con cái bởi sự thất vọng chỉ dừng lại ở điểm sai của cô bé. Tương tự, bố mẹ Vân Tâm cũng có nguyên nhân, nhưng từ một sự việc, họ lại mang sự hoài nghi áp đặt lên mọi hành động của con gái, dù có những việc, Vân Tâm không hề có lỗi.

Riêng Trí Thịnh, việc mất niềm tin của người lớn gần như không có nguyên do. Nếu chỉ vì đó là tình bạn khác giới, lại hoàn toàn không thuyết phục. Và trường hợp này, hậu quả khá “nặng nề” khi tình bạn của con trẻ đã bị chính người lớn “bóp chết”.

Những nhân vật trên chỉ là ba trong hàng triệu câu chuyện con cái bị tổn thương vì không được bố mẹ tin tưởng. Dù đúng, dù sai, người lớn cũng nên ngồi lại để lắng nghe con mình, đừng phủi bỏ những lời tâm sự mà con trẻ đang cố gắng giãi bày. Bục dũng khí của Thiếu Niên Nói 2020 chỉ là một phương tiện để các em bày tỏ, thổ lộ, còn việc gỡ bỏ những khúc mắc, chữa lành những tổn thương là thứ chỉ có bố mẹ các em mới có thể làm được.

Xuân Tuyền

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/doi-song/thieu-nien-noi-dung-de-con-tre-cau-canh-niem-tin-tu-cha-me-7181629.html