Khi con trẻ tập tành… kiếm tiền

Sau hơn 1 tuần con đi làm, tôi để ý thấy tình hình có tiến triển theo chiều hướng tích cực, con dần có ý thức hơn trước với các vấn đề trong cuộc sống…

Hôm vừa rồi ngồi cà phê sáng với mấy ông anh chơi chung, tình cờ nghe được những trăn trở của… phận làm cha. Trong đó, có hai ông anh có con trai năm nay thi THPT quốc gia, nên tám đủ thứ chuyện học hành, thi cử và… con đòi đi làm để kiếm tiền xài.

Ông anh làm ngành xây dựng thì bảo con, đi đâu làm cho cực, sáng dậy ra công trình phụ cha trông coi thợ làm, mỗi ngày được “trả” công 200.000 đồng. Mấy ngày đầu, con trai của anh cũng phấn khởi ra công trường, rồi sau đó ít lâu cứ thưa dần vì mê chơi đá banh với bạn bè.

Anh cười bảo: “Thôi kệ, con còn nhỏ, với lại mới thi cử xong, để cho con chơi đá banh thỏa thích ít ngày rồi lại đi học tiếp. Chứ mấy ngày đầu con đi làm về, chiều tối nghe con nói “chạy tới chạy lui nhiều, con mỏi chân ghê luôn”, cũng thấy xót lòng…”.

Ông anh khác tiếp lời: “Chứ con tôi, công việc nhà quá nhiều, vậy mà không chịu ở nhà làm, mấy ngày nay lại xin theo bạn bè đi làm nhân viên một cửa hàng kinh doanh bên ngoài. Lúc đầu tôi cũng hơi đắn đo, nhưng rồi nghe con òn ỉ, nên cũng đồng ý cho ra ngoài làm để vừa biết kiếm tiền gian khổ thế nào, vừa học hỏi kinh nghiệm sống luôn thể. Sau hơn 1 tuần con đi làm, tôi để ý thấy tình hình có tiến triển theo chiều hướng tích cực, con dần có ý thức hơn trước với các vấn đề trong cuộc sống… Nói thiệt, bước đầu thấy con như vậy, vợ chồng tôi mừng lắm!”.

Khi nghe hai ông anh nói chuyện như vậy, tôi chợt nhớ đến cô con gái ở nhà của mình dạo này cũng tập tành kiếm tiền để dành. Nói dạo này, chứ thật ra bé bắt đầu biết kiếm tiền để dành mua quà sinh nhật bạn bè từ khi còn học lớp 8. Hồi lúc đó, dù không ai hướng dẫn, nhưng bé tự tìm hiểu trên Internet, đặt mua son môi về bán lại cho bạn bè ở trường. Đến cuối năm học, bé để dành đâu cũng được gần 1 triệu đồng tiền “thu nhập” từ chuyện mua bán son trang điểm.

Thấy bé thích tập tành “kinh doanh” kiếm tiền sớm, vợ chồng tôi hơi lo cho việc học hành. Nhưng con bé bảo: “Thời gian rảnh con mới mua bán son để vừa thư giãn, vừa có thêm chút tiền, chứ đâu có gì đâu mà ba mẹ lo ảnh hưởng việc học. Ba mẹ yên tâm, con biết việc học là chính mà!”. Nghe con gái nói vậy, vợ chồng tôi cũng đỡ lo hơn…

Thoáng qua mấy năm, giờ đây con bé chuẩn bị vào học lớp 11 rồi. Khi con lớn hơn, lại không thích bán son trang điểm như trước nữa. Bỗng dưng một ngày, con lại đặt mua trên mạng, người giao hàng đưa đến tận nhà lũ khủ bánh tráng trộn đóng gói sẵn.

“Cái gì nữa đây?”, tôi hỏi con gái.

Con cười đáp: “Có gì đâu ba, đồ của con đó. Con đặt hàng để bán lại kiếm tiền để dành đó!”. Nói xong, con gái ngồi xuống phân chia ra thành từng phần và dùng bút ghi bên ngoài bao bì tên khách hàng, địa chỉ rất cụ thể, rành rẻ.

Thấy vậy, tôi ngồi xuống trò chuyện cùng con. “Mỗi bịch như vầy, sau khi bán lại, con được lời bao nhiêu?”, tôi hỏi.

“Con bán đúng giá công ty, lời được 3.000 đồng/bịch”, con gái tiết lộ.

Tôi nói vui: “Vậy bán được 10 bịch, con mới có được 1 suất tiền ăn sáng mà ba cho con hàng ngày hả?”.

Con gái cười hì hì: “Thì phải góp gió mới thành bão chớ ba!...”.

Vừa lúc đó, điện thoại của con có tin nhắn. Con nhanh nhẹn lấy điện thoại, thao tác vài cái, rồi cười tươi, nói: “Tụi bạn con đặt thêm hàng nữa rồi đó. Nếu con bán hết mớ hàng này, thì tiền lời cũng được gần 100.000 đồng đó”. Con gái nói bằng giọng có vẻ rất thích thú…

Trong lúc hai cha con đang ngồi trò chuyện, bỗng có tiếng xe gắn máy dừng ngay trước nhà, kêu cửa. Tưởng đâu người quen tìm mình, ai ngờ khi nhìn ra cửa chẳng thấy người quen đâu, mà chỉ có một anh chạy xe Grab. Tôi chưa kịp hỏi anh chàng chạy xe Grab tìm ai, thì con gái đã chạy ra hỏi ngay: “Chú lấy bánh tráng giao cho khách, đúng không?”… Sau vài câu trao đổi qua lại, con bé chạy vô nhà lấy ngay 2 bịch bánh tráng trộn để nhờ tài xế chạy Grab giao cho bạn đã đặt hàng. Đúng là thời buổi công nghệ có khác.

Thấy con còn nhỏ mà đã tập tành “kinh doanh” kiếm tiền để dành để khi cần chi tiêu cho việc riêng hoặc mua quà tặng sinh nhật bạn, không phải xin tiền ba mẹ, tôi cũng thầm mừng. Bởi tôi nghĩ, khi con biết tự tay làm kiếm tiền sẽ biết quý trọng đồng tiền mà mình làm ra, không tiêu xài phung phí.

Mà quả tình như vậy thật. Hôm vừa rồi, sau một bữa chiều, bé đi dự sinh nhật bạn bè về, tự thán rằng: “Ôi, để dành đã đời mới được gần 500.000 đồng, vậy mà chỉ cần đi dự sinh nhật bạn thân, ăn uống đã hết 300.000 đồng. Hic hic. Giờ lại phải “cày” tiếp rồi…”.

Tuy con trẻ tự biết kiếm tiền sớm, tự lo chi phí “vui vẻ” với bạn bè, ba mẹ cũng đỡ lo chút ít, nhưng tôi luôn căn dặn con: “Việc học là trên hết!”. Có lẽ, nhờ vậy mà những năm qua, con bé luôn đạt thành tích học tập tốt.

Chẳng biết rồi mai này, khi lớn lên những đứa trẻ kể trên sẽ làm gì, nhưng rõ ràng trong thời buổi hiện nay - ngày càng nhiều trẻ mê chơi game, mà có được những “cô, cậu” biết suy nghĩ, thể hiện như vậy, cũng thật đáng trân trọng và động viên!

ĐỖ THANH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/khi-con-tre-tap-tanh-kiem-tien-532683.html