Khi dân chưa mặn mà

Sự hài lòng của người dân là động lực phát triển của mỗi ngành, mỗi địa phương. Tuy nhiên câu chuyện đánh giá tỷ lệ hài lòng về thái độ phục vụ của công chức, viên chức chỉ dựa trên ý kiến của 1 người tại Kỳ họp thứ 15 HĐND TP Đà Nẵng khóa IX nhiệm kỳ 2016 – 2021 (diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/7), đặt dư luận trước câu hỏi lớn: Phải chăng người dân vì lý nào đó không mặn mà trong góp ý xây dựng chính quyền cơ sở?

Đô thị Tây Bắc Đà Nẵng. Ảnh Thanh Tùng.

Đô thị Tây Bắc Đà Nẵng. Ảnh Thanh Tùng.

Trước quan tâm của dư luận về vấn đề khá nhạy cảm và hy hữu; chiều 7/7, Tổ công tác thông tin báo chí của TP Đà Nẵng gửi văn bản của Sở Công thương TP đến các cơ quan báo chí trên địa bàn. Văn bản khẳng định, tỷ lệ 100% người dân không hài lòng về thái độ phục vụ của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) sở Công thương được đề cập trong báo cáo của Ban Pháp chế HĐND TP tại kỳ họp là chưa chính xác!

Theo văn bản (số 1202/SCT – VP ngày 7/7/2020 do ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng ký) thì Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng đã sử dụng kết quả tại phần mềm khảo sát trực tuyến www.cchc.danang.gov.vn từ ngày 1/1/2020 đến 25/6/2020 nhưng trong giai đoạn này Sở Công thương chỉ có 1 công dân tiến hành đánh giá mức độ hài lòng vào ngày 3/3/2020 với đánh giá kết quả là “chưa hài lòng”.

Việc chỉ căn cứ vào 1 đánh giá của công dân trên phần mềm khảo sát để xác định tỷ lệ 100% người dân không hài lòng về thái độ phục vụ của CBCCVC được người đứng đầu Sở Công thương nhìn nhận là chưa khoa học và chưa khách quan! Có thể nói rằng nội dung được đề cập trong văn bản của Sở Công thương Đà Nẵng, đã khiến bất cứ ai quan tâm đến công tác cải cách hành chính (CCHC) phải ngỡ ngàng vì tiện ích công nghệ thông tin được xây dựng nhằm mục đích thu nhận ý kiến đóng góp của mọi người dân và mọi giới tầng xã hội nhưng 6 tháng trời, sở quan trọng bậc nhất của TP chỉ duy nhất có 1 người đăng nhập vào góp ý là “chưa hài lòng!”.

Ngày 12/12/2011, UBND TP Đà Nẵng ban hành Chương trình CCHC Nhà nước giai đoạn 2011- 2020. Mục tiêu đặt ra là trong năm 2020 này, Đà Nẵng sẽ xây dựng được bộ máy hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, đảm bảo quản lý thống nhất, thông suốt, có hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Trọng tâm CCHC của Đà Nẵng trong giai đoạn 2011 - 2020 hướng đến việc nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ CBCCVC trong đó quan trọng nhất là hoàn thiện hệ thống quản lý công vụ, công chức theo hướng khoa học, thực tài; cải thiện chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả; hình thành chính quyền điện tử và đảm bảo cung ứng ngày càng tốt hơn các dịch vụ công phục vụ nhân dân.

Giai đoạn đầu của Chương trình CCHC Nhà nước, TP năng động bậc nhất của duyên hải miền Trung gặt hái được thành công khá vang dội với 4 năm liên tiếp (2011 – 2015) được Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ xếp đứng đầu danh sách các địa phương có chỉ số CCHC cao. Đặc biệt, tại cuộc họp sơ kết công tác CCHC (họp vào ngày 17/8/2015) Ban chỉ đạo CCHC của Chính phủ công bố Đà Nẵng tiếp tục đứng đầu khối các địa phương với 93,31 điểm tăng gần 1 điểm so với năm 2014.

Ngày 19/5/2020, tại Hội nghị trực tuyến công bố chỉ số CCHC của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương (PAR INDEX) và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) năm 2019, Đà Nẵng được xếp ở vị trí thứ 6 PAR INDEX với 83.68% và là địa phương duy nhất có kết quả điểm đánh giá năm 2019 giảm.

Dù còn nằm trong danh sách 10 địa phương đạt chỉ số CCHC cao nhất nước nhưng sự “xuống hạng” nhường vị trí đứng đầu cho Quảng Ninh 3 năm liên tiếp; phần nào cho thấy công tác CCHC của TP Đà Nẵng đang chững lại với nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó có nguyên nhân quan trọng là người dân chưa mặn mà trong việc đóng góp ý kiến xây dựng đội ngũ CBCCVC.

Khó có thể tìm lý do thuyết phục để bao biện cho thông tin được đưa ra là 6 tháng trời chỉ duy nhất 1 người dân góp ý xây dựng thái độ phục vụ của CBCCVC Sở Công thương Đà Nẵng bởi nhu cầu giao thương, buôn bán, đầu tư công nghiệp của Đà Nẵng vô cùng lớn. Mọi thành phần kinh tế, mọi người dân hàng ngày phải tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp (qua tiện ích công nghệ thông tin) với CBCCVC của sở Công thương cũng như các Sở, ngành quản lý khác của Đà Nẵng vì thế nên việc chưa hài lòng hoặc không hài lòng của người dân với chất lượng phục vụ hành chính công là điều khó tránh.

Dư luận đang thật sự trăn trở trước con số 100% người dân không hài lòng về thái độ phục vụ của CBCCVC một sở đóng vai trò hết sức to lớn trong sự phát triển của Đà Nẵng tại kỳ họp HĐND diễn ra trước thềm Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ TP (nhiệm kỳ 2020 -2025) nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Liệu đây có phải là con số phản ánh thực tế khách quan trên cơ sở ý kiến đóng góp xây dựng (trực tiếp và gián tiếp qua tiện ích công nghệ thông tin) của đông đảo cử tri đại diện các tầng lớp nhân dân Đà Nẵng?

Thanh Tùng

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/khi-dan-chua-man-ma-490532.html