Khi đảng viên đến nhà đồng bào dân tộc

Trung tá Đỗ Ngọc Chiến, Đồn Biên phòng cửa khẩu Xín Mần (BĐBP Hà Giang) đưa chúng tôi đến thăm hộ gia đình mà anh được phân công giúp đỡ. Đến cửa nhà, anh giới thiệu luôn mô hình 'nhà sạch - vườn đẹp', chuồng trại di chuyển ra xa, hàng rào hoa nở bao quanh khoảnh sân láng xi măng sạch sẽ. Từ ngày anh tạo mối quan hệ 'đảng viên – hộ gia đình', căn nhà này thân thiết với anh như ruột thịt.

Cán bộ BĐBP Hà Giang và người dân tộc Mông ở xã Tả Ván, huyện Quản Bạ. Ảnh: TTH

Mừng bộ đội xuống bản

Chủ nhà Củ Seo Dế, người dân tộc Mông, năm nay 37 tuổi, thôn Hậu Cấu, xã Xín Mần, huyện Xín Mần cũng là một đảng viên lâu năm và là chủ hộ đăng ký bảo vệ đường biên, cột mốc theo Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới. Có rất nhiều điểm tương đồng giữa anh Củ Seo Dế và đảng viên Biên phòng Đỗ Ngọc Chiến, nên họ gắn bó với nhau như anh em một nhà. Việc khác biệt về văn hóa giữa 2 dân tộc, 2 nếp sống dường như không phải là trở ngại.

Mỗi năm, gia đình anh Củ Seo Dế tổ chức cúng bái, lễ lạt, theo tục lệ của người Mông đều mời anh Chiến đến nhà ăn cơm. Sống lâu với nếp sống đồng bào dân tộc, anh Chiến hiểu rất rõ phong tục tập quán của những hộ gia đình như nhà anh Dế. Điều đó cũng giúp anh tiếp cận với đồng bào dễ dàng hơn trong mỗi cuộc trao đổi về thực hiện chủ trương, chính sách, phương cách làm giàu, nâng cao thu nhập và có nếp sống văn minh, sạch sẽ hơn.

Trước đây, khu vực xã Xín Mần heo hút trên vùng núi cao phía Tây tỉnh Hà Giang, quanh năm mây mù và vắng người qua lại. Các bản người dân tộc thiểu số ở đây cũng thưa vắng, người mỗi nhà từ sáng sớm tới tối mịt đều đi làm nương. Các chuồng trại gia súc vì thế luôn được xây dựng sát bên hông nhà. Thậm chí, rất nhiều nhà nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn, mùa đông đưa cả gia súc vào cạnh phòng ngủ để tránh rét. Cũng vì người dân sợ đêm tối hoang vu, kẻ gian dắt mất trâu thì coi như “sạt cả nghiệp làm nông”.

Anh Đỗ Ngọc Chiến giãi bày, qua công tác tìm hiểu, nắm tình hình, ở với bà con lâu năm, anh hiểu, bà con rất quý vật nuôi. Với người Mông, con trâu không chỉ là đầu cơ nghiệp, phụ trợ việc đồng áng, cày cấy, mà còn là một tài sản có giá trị. Bản làng hoang vu, thưa vắng, bà con rất sợ mất trâu bò nên giữ rịt chúng ở gần người. Anh Chiến nói: “Để thuyết phục đồng bào đưa chuồng trại gia súc ra xa nhà ở thì chỉ còn cách phải giữ vững an ninh trật tự địa bàn. Mà việc đó đương nhiên trách nhiệm thuộc về BĐBP đóng quân ở khu vực biên giới. Bản làng yên ấm, an toàn, không sợ mất trâu bò thì mới có thể vận động nhân dân thay đổi nếp sống, nếp nghĩ. Có như thế, phong trào “nhà sạch – vườn đẹp” mà các cấp hội đoàn thể và địa phương đề xướng mới thực hiện được.

Chìa khóa mở ra niềm tin

Đối với người dân tộc Mông, giữ nơi mình ở sạch sẽ, trồng cây và hoa trang trí, nhà cửa thoáng khí, tránh bệnh truyền nhiễm, hay đơn giản là trồng rau ăn không phải là thói quen của họ. Nhu cầu của các gia đình miền núi là rau rừng, nước suối, thực phẩm chủ yếu cũng thu nhặt từ rừng. Vì vậy, việc tạo dựng được thói quen trồng rau ăn, chủ động nguồn thực phẩm và dành dụm lương thực từ vụ mùa thu hoạch cho những lúc đói giáp hạt trong năm cũng là một bước tiến trong xây dựng đời sống văn hóa mới của đồng bào.

Thường thì cán bộ Biên phòng có uy tín với các hộ gia đình, chỉ cần phân tích, minh chứng bằng thực tiễn sinh động, cụ thể là đồng bào nghe theo ngay. Thỉnh thoảng, bộ đội đến nhà lại mang theo nắm hạt rau để tặng cho gia chủ. Nghe nói có cây giống gì trồng có năng suất, có thể bán được thành hàng hóa, các anh đều để dành, lúc nào xuống bản thì tặng cho mấy gia đình chăm chỉ, có sẵn vườn, sẵn đất mà chưa biết trồng cây gì.

Trung tá Đỗ Ngọc Chiến đến nhà “cầm tay, chỉ việc” giúp anh Củ Seo Dế lao động sản xuất. Ảnh: TTH

Vừa trò chuyện cùng chúng tôi, anh Đỗ Ngọc Chiến vừa nhanh nhẹn lấy xẻng ra cùng chủ nhà khơi thông rãnh nước đọng từ cơn mưa to đêm trước. Miệng nói, tay làm – dần dà, người dân cũng ảnh hưởng từ tác phong của cán bộ Biên phòng, họ dần thay đổi nếp nghĩ cố hữu. Cho nên, các ngôi nhà trên núi giờ cũng đẹp hơn, bộ mặt nông thôn thay đổi, làng bản văn hóa có lối sống mới. Nếu như chỉ chục năm trước, đến đây, hiếm khi nhìn thấy những ngôi nhà có hoa nở, có vườn rau và cây ăn trái quanh nhà. Giờ thì, mỗi bản làng, mỗi gia đình đều đẹp thêm, có bản khởi xướng phong trào làm du lịch cộng đồng, trồng cả hoa trái bán cho khách đến tham quan, du lịch, tìm hiểu nếp sống người dân tộc thiểu số.

Ở một địa bàn khác, phía xã Tả Ván, huyện Quản Bạ, Hà Giang, chúng tôi trên đường đi tuần tra đường biên, cột mốc đã ghé lại ăn bữa cơm thân mật trong một gia đình người Mông sinh sống ở bản giáp biên. Nhìn thấy chúng tôi vào, chủ nhà và cô con gái lanh lẹ rót nước mời, còn người vợ thì nhanh thoăn thoắt ra vườn hái rau nấu cơm. Tôi thấy mấy anh bộ đội đi cùng dù đã rất mệt sau chuyến lội rừng tuần tra vẫn vào bếp nấu ăn, giúp chủ nhà làm bữa cơm trưa. Không phải bỗng nhiên, tình cảm của bộ đội và người dân trở thành anh em ruột thịt, mà phải được vun đắp từ đời thường như thế.

Thêm nữa, việc bước vào một ngôi nhà riêng của người dân tộc thiểu số, thái độ tôn trọng tín ngưỡng và tôn giáo của gia đình là yếu tố căn bản để mối quan hệ giữa 2 bên tồn tại lâu dài. Khi gặp gỡ phải có cách xua tan đi những e ngại của khác biệt văn hóa thì mối quan hệ mới thân tình được. Những cán bộ đồn làm công tác trinh sát, kiểm soát, phòng chống tội phạm, vận động quần chúng chia sẻ, muốn bà con là cánh tay nối dài của BĐBP trong bảo vệ biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, trước hết, họ phải là những người “nói được – làm được”, tránh hứa suông, cường điệu hóa mà hiệu quả công việc lại thấp. Bà con quan sát thái độ và việc làm của cán bộ để đánh giá mức độ chân thành và hiệu quả của công việc. Thấu hiểu được đặc tính dân tộc, lối sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới là người cán bộ đã có thể thành công bước đầu.

Khi bộ đội đến nhà dân, con đường để chinh phục lòng dân, đến với người dân một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất chính là hiểu biết về đời sống văn hóa của nhân dân, từ đó, tìm ra “chìa khóa” giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo bền vững.

Thúy Hằng

www.bienphong.com.vn

Thúy Hằng

Nguồn Thời Đại: https://thoidai.com.vn/khi-dang-vien-den-nha-dong-bao-dan-toc-112791.html