Khi đạo đức kinh doanh 'tụt lùi'

Câu chuyện 'dính phốt' khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng xảy ra đã lâu nhưng hễ nhắc lại khiến chị Lê Huyền Linh (trú tại quận Thanh Xuân) không khỏi bức xúc. Theo chị Linh, cách đây chưa đầy một tháng, chị Linh tới một cửa hàng kinh doanh quần áo khá có tiếng để mua một chiếc áo sơ-mi có thương hiệu trong nước về tặng người thân. Sử dụng được một lần, đem ngâm giặt, chiếc áo bắt đầu phai mầu và loang lổ dần.

Chuyện thị trường

Do đã thỏa thuận trước, cho nên chị Linh mang chiếc áo quay lại cửa hàng để đổi lấy sản phẩm khác. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra chiếc áo, nhân viên bán hàng ở đây trả lời: Áo bị phai mầu là do người sử dụng, có thể do dùng thuốc tẩy. Cửa hàng chuyên bán các sản phẩm có chất lượng, chắc chắn không có hiện tượng gì xảy ra. Nếu nghi ngờ, khách hàng có thể phản ánh trực tiếp đến nhà sản xuất.

Bức xúc trước thái độ của nhân viên bán hàng, chị Linh đã liên lạc với bộ phận hướng dẫn khách hàng của nhà sản xuất để kiểm tra nguồn gốc cũng như chất lượng của chiếc áo. Nhưng thật bất ngờ, sau khi lật lên lật xuống nhiều lần, kiểm tra tem, ký hiệu riêng của sản phẩm cho kết quả không phải hàng chính hãng; thực chất đây là sản phẩm bị làm giả, làm nhái hàng chính hãng và được mua bán trôi nổi trên thị trường. Tiếp tục phản ánh tới chủ cửa hàng, câu trả lời chị Linh nhận được vẫn là lỗi do người sử dụng. Cửa hàng bán hàng chính hãng, có hợp đồng hẳn hoi chứ không làm ăn nhập nhèm như những cửa hàng khác. Trước thái độ bất hợp tác, chị Linh đành cầm sản phẩm "nhái" ra về, tự nhủ: "May chỉ là chiếc áo có giá trị nhỏ, chưa tới 600 nghìn đồng. Nếu là tài sản lớn hoặc sản phẩm có mức độ độc hại cao thì không biết bấu víu vào đâu, theo đuổi khiếu nại đến bao giờ"?!

Chuyện chị Linh gặp không phải là hiếm, bởi hằng ngày, hằng giờ vẫn có rất nhiều sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng vẫn được tuồn ra thị trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới quyền lợi người tiêu dùng. Ðơn cử, riêng thương hiệu may mặc Việt Tiến (Viettien) đang tràn ngập thị trường, trong đó có hơn 60% các cửa hàng, nhãn hiệu, biển hiệu làm giả, làm nhái thương hiệu Viettien khiến người tiêu dùng không biết đâu mà lần. Hay vì lợi nhuận mang lại, các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẵn sàng nhái, làm giả thương hiệu Petrolimex của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam đã được pháp luật bảo hộ. Ðiều đó đã gióng lên hồi chuông báo động về một số biểu hiện vi phạm đạo đức, văn hóa kinh doanh trong giai đoạn hiện nay.

Do đó, đã đến lúc các bộ, ngành liên quan cần tăng cường kiểm tra, bám sát thị trường; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; tăng nặng chế tài xử phạt. Các doanh nghiệp cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân biết cách phân biệt và lựa chọn sản phẩm đúng hãng, bảo đảm chất lượng. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm, làm nhái, làm giả sản phẩm của mình, cần công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý vi phạm. Mặt khác, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức cảnh giác, tìm mua những sản phẩm hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tẩy chay các cửa hàng, doanh nghiệp cố tình vi phạm, vì lợi nhuận mà phớt lờ quyền lợi của người dân.

Minh Ðức

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/39582002-khi-dao-duc-kinh-doanh-tut-lui.html