Khi dạy thêm, học thêm trở thành nhu cầu

Dù Sở GD-ĐT đã có văn bản đề nghị không tổ chức hoạt động dạy thêm trong và ngoài trường học nhưng thực tế hoạt động này vẫn diễn ra với nhiều hình thức khác nhau.

Một lớp ôn thi được mở tại trung tâm ở P.Tam Hòa (TP.Biên Hòa). Ảnh: C.NGHĨA

Chị Nguyễn Thị Kim Anh, có con học tại Trường tiểu học Tân Phong 2 (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Tôi cho con đi học thêm vì nhận thấy con mình học chưa chắc so với nhiều học sinh khác trong lớp, chứ không phải vì sợ giáo viên “đì” vì không chịu đi học thêm. Ngay cả khi đề nghị với giáo viên cho con mình theo học thêm tại nhà, tôi cũng phải “năn nỉ” thì giáo viên mới nhận, chứ không phải dễ”.

Khó cấm triệt để

Năm học này, con chị Kim Anh bước vào lớp 3 nhưng chị luôn lo lắng vì con tiếp thu kiến thức không nhanh như những học sinh khác trong lớp. Chị lo lắng nếu kiến thức ở những lớp dưới không chắc, càng học lên cao con càng “đuối”. Chị cho rằng: “Nếu chỉ học ở lớp không thôi thì khó có thể nắm vững kiến thức được, vì thời gian trên lớp có hạn, mỗi lớp lại có quá đông học sinh, giáo viên sẽ khó bao quát hết. Khi học thêm, giáo viên vừa có phương pháp, vừa có thời gian để kèm cặp cho con học được sâu hơn”.

Trong khi đó, anh Giang Văn Bài (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, anh có 3 con đang tuổi đi học và cả 3 đều đi học thêm. Giáo viên dạy thêm không phải dạy ở trường con anh học mà là giáo viên của trường khác. Theo anh Bài, nếu chỉ học ở trường thôi thì không ổn lắm, vì học nhiều môn, thời gian học 1 buổi/ngày khó lòng nắm vững hết kiến thức. Hơn nữa, cha mẹ không thể dạy kèm cho con tại nhà, vì kiến thức bây giờ rộng và khác với sách giáo khoa ngày xưa.

Đại biểu Quốc hội, Phó giám đốc Sở GD-ĐT ĐỖ HUY KHÁNH:

Tránh lạm dụng học thêm ảnh hưởng đến uy tín nhà giáo

Việc dạy thêm và học thêm nếu xuất phát từ nhu cầu tự nguyện của phụ huynh học sinh là nhu cầu thực tế. Vấn đề là cần, nhưng làm sao để việc này diễn ra thực sự tự nguyện, tránh việc lạm dụng học thêm ở nhà thầy cô mà coi nhẹ việc dạy và học ở trường. Bên cạnh đó, còn đảm bảo công bằng giữa học sinh có và không có điều kiện học thêm.

Chị NGUYỄN THỊ MINH LOAN (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa):

Để phụ huynh được chọn giáo viên dạy thêm cho con

Nếu thầy cô dạy tốt, có uy tín thì nên để phụ huynh được quyền đăng ký cho con em mình đến học thêm. Bởi, hiện nay nhiều thầy cô dù muốn dạy thêm để tăng thu nhập nhưng lại từ chối hoặc hạn chế nhu cầu của phụ huynh vì sợ bị kiểm tra, kiểm điểm. Bên cạnh đó, có thể quy định rõ thời gian học thêm, giám sát hoạt động này ra sao để tránh biến tướng.

Anh Nguyễn Thanh Phong (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết, con anh năm nay học lớp 9 tại Trường THCS Trần Hưng Đạo. Trước đây, anh có cho con đi học thêm ở nhà một số giáo viên trong trường, nhưng năm nay anh quyết định cho con đi học thêm ở trung tâm bồi dưỡng văn hóa mở ngay trước ký túc xá Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh.

“Học thêm là nguyện vọng của con và cha mẹ chỉ khuyến khích bằng cách hỗ trợ tối đa học phí cho con đi học và chỉ có con mới biết con cần học những gì” - anh Phong chia sẻ.

Em T.V.N., học sinh lớp 9 Trường THCS Trần Hưng Đạo (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho hay, năm tới em dự định thi vào lớp chuyên Lý của Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh nên ngay từ năm học trước em đã đi học thêm ở nhà một giáo viên; năm học này còn học thêm nhiều hơn nhưng là ở một trung tâm luyện thi mà giáo viên được giới thiệu là có kinh nghiệm của các trường THPT hàng đầu tại Biên Hòa.

Theo em T.V.N.: “Ở trường, trong các buổi học chính khóa, giáo viên chủ yếu dạy kiến thức cơ bản, thời gian làm các bài tập nâng cao không nhiều. Ngược lại, ở trung tâm, giáo viên hướng dẫn các bài tập nâng cao, nhất là những dạng câu hỏi khó, có tính phân loại”.

Nhiều cách dạy thêm

Thực tế, sau khi Sở GD-ĐT có văn bản đề nghị tạm dừng việc tổ chức dạy thêm, học thêm ở trong và ngoài trường học, các cơ sở giáo dục đều quán triệt cho giáo viên. Có phòng GD-ĐT địa phương còn tổ chức phối hợp với UBND phường, xã đi kiểm tra xem có tình trạng giáo viên tổ chức dạy thêm tại nhà trái quy định hay không.

Phụ huynh theo dõi lịch dạy thêm của giáo viên tại một trung tâm thuộc P.Tam Hòa (TP.Biên Hòa)

Hiệu trưởng Trường THCS Võ Nguyên Giáp (H.Trảng Bom) Trịnh Thị Thoa cho hay: “Trường đã quán triệt cho toàn thể giáo viên về văn bản của Sở và Phòng GD-ĐT huyện về việc giáo viên không được tổ chức dạy thêm tại nhà. Đến nay, theo báo cáo của giáo viên, không có giáo viên tổ chức dạy thêm. Tuy nhiên, đó là báo cáo của giáo viên, còn thực tế thì rất khó quản, vì giáo viên có thể không dạy ở nhà mình mà có thể được phụ huynh mời đến nhà dạy kèm cho con của họ. Đó cũng là nhu cầu chính đáng và tự nguyện giữa giáo viên và phụ huynh”.

Theo tìm hiểu, để tránh vi phạm các quy định của ngành và của nhà trường liên quan đến hoạt động dạy thêm và học thêm, một số giáo viên đã “lách” bằng cách hợp đồng với các trung tâm bồi dưỡng văn hóa và giới thiệu học sinh đến các trung tâm này để học vào các buổi tối hoặc ngày nghỉ. Có giáo viên dạy thêm theo từng nhóm bằng hình thức học trực tuyến, có giáo viên được một nhóm phụ huynh mời đến tận nhà để dạy kèm và học phí trả theo tháng…

Một giáo viên đang công tác tại Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Khi mình có tiếng dạy tốt thì học sinh tự khắc tìm đến học thêm. Những em đến học không hẳn là học sinh của trường mình, mà đến từ nhiều trường khác nhau. Có em ở tận H.Trảng Bom nhưng cuối tuần cha mẹ vẫn chở lên để được học thêm. Giáo viên đi dạy thêm cũng áp lực, cũng lo ngại xã hội sẽ nghĩ thầy cô “thương mại hóa kiến thức”. Nhưng nếu có kiến thức, có kinh nghiệm mà chỉ dạy ở trường rồi về nhà ngồi không thì lãng phí. Hơn nữa, chuyện dạy và học thêm hoàn toàn là tự nguyện, chứ không ép buộc”.

Trả lời trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12 mới đây, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã khẳng định, việc dạy thêm học thêm không thể cấm được, bởi không có văn bản nào cấm. Nhiều vấn đề đặt ra được dư luận, phụ huynh học sinh quan tâm. Con mình học ở đâu, thế nào, học phí ra sao? Do đó, việc đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết để bộ, ngành, địa phương quản lý, đảm bảo chất lượng, quyền lợi của người học, cũng như đảm bảo quyền lợi của giáo viên.

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202312/khi-day-them-hoc-them-tro-thanh-nhu-cau-0095e04/