Khi điện mặt trời mái nhà bán 0 đồng, ai đầu tư?

Trong khi nhiều quốc gia cho người dân vay tiền, bán tấm pin mặt trời giá rẻ, mua lại điện dư thừa để khuyến khích họ lắp hệ thống điện mặt trời mái nhà, thì ở nước ta yêu cầu tự sản, tự tiêu; nếu nói với điện lưới quốc gia thì bán với giá 0 đồng. Ngoài ra, cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà ở các khu công nghiệp, nhà máy cũng chưa hoàn chỉnh...

Tư duy độc quyền

Bộ Công thương vừa đưa ra dự thảo Nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) lấy ý kiến, vẫn giữ đề xuất loại hình này lắp tại nhà ở, cơ quan công sở để tự dùng và nối lưới quốc gia sẽ không được bán hoặc bán giá 0 đồng.

Theo dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất nếu loại hình này không nối lưới sẽ được phát triển không giới hạn. Trường hợp nối lưới, người dân được quyền phát hoặc không phát sản lượng dư vào hệ thống nhưng thanh toán 0 đồng. Tổng công suất theo hình thức này không vượt quá công suất được phân bổ trong kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII (2.600 MW).

Tại hội thảo chiều 24/4, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, đây là giải pháp "chống phát ngược" năng lượng lên lưới điện quốc gia nhằm bảo đảm ngăn chặn hiện tượng trục lợi chính sách. Quy định này cũng phù hợp với điều kiện của hệ thống truyền tải, phân phối hiện nay. Bởi việc phát triển các nguồn điện phải hài hòa, theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã được phê duyệt từng giai đoạn.

Dự án điện mặt trời mái nhà. Ảnh: Nguyễn Phong

Phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công thương gây phản ứng của dư luận khi đặt câu hỏi: Người dân làm sao trục lợi chính sách điện lực? Giải thích vấn đề này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng trục lợi ở đây là cảnh giác với những trường hợp đấu nối ĐMTMN tự sản tự tiêu vào các hệ thống đã lắp đặt trước ngày 31/12/2020 đang được hưởng giá FIT (giá ưu đãi - đây cũng là thời điểm Bộ Công thương cho phép ĐMTMN được nối với điện lưới quốc gia từ ngày 31/12/1919 và dừng tiếp nhận, đấu nối, ký hợp đồng mua bán điện với các hệ thống ĐMTMN phát triển sau ngày 31/12/2020 cho đến nay).

Tư duy mua ĐMTMN "với giá 0 đồng là phù hợp, bảo đảm việc ngăn chặn hiện tượng trục lợi chính sách" là tư duy độc quyền, với cái cớ "chống phát ngược" làm quá tải hệ thống truyền tải. Bộ Công thương là cơ quan ban hành các chính sách và vận hành nền kinh tế của quốc gia, nhưng ở đây lại có tư duy chính sách cửa quyền và là sản phẩm của độc quyền.

Nhiệm vụ của Bộ Công thương và EVN không có quyền từ chối mua điện từ bất cứ nguồn nào, tất nhiên phải dựa nhu cầu tiêu thụ điện và khả năng cho phép của hệ thống truyền tải. Ngay cả việc "chống phát ngược" cũng là trách nhiệm của EVN, khi các biện pháp kỹ thuật hiện đại đã có nhưng lại không đầu tư đủ và đúng, kịp thời, để thiếu điện?

Tại hội thảo tham vấn kỹ thuật Nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển ĐMTMN tự sản tự tiêu do Bộ Công thương tổ chức ngày 04/5, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã xin lỗi các chuyên gia vì trong dự thảo ban hành lần đầu đã đưa ra một số khái niệm không phù hợp, giữa tên gọi và chính sách, cơ chế bên trong. Đây chính là điểm mâu thuẫn và ban soạn thảo sẽ có điều chỉnh.

"Đã nói ĐMTMN tự sản tự tiêu thì không có hoạt động mua bán và đã không có hoạt động mua bán thì không có đề cập chuyện giá rổ ở đây, còn kỹ thuật xây dựng văn bản thế nào để giải quyết những vấn đề thực tiễn, Bộ Công thương tiếp tục trưng cầu ý kiến chuyên gia pháp luật, chuyên gia năng lượng để hoàn thiện dự thảo", Bộ trưởng Diên nói.

Ông Diên cho rằng, việc xây dựng và ban hành nghị định này là cần thiết để bổ sung nguồn điện cho hệ thống điện quốc gia, đáp ứng nhu cầu sử dụng tăng nhanh cũng như phần thiếu hụt do các quy hoạch điện trước đây và quy hoạch hiện nay khó có khả năng đáp ứng kịp. Chính sách này hướng đến khuyến khích đầu tư ĐMTMN phục vụ nhu cầu sử dụng tại chỗ, giảm mua điện và giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia; huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển nguồn điện.

Theo dự thảo nghị định, Bộ Công thương đề xuất 3 cơ chế khuyến khích đầu tư đặc biệt phát triển ĐMTMN tự sản tự tiêu: không phụ thuộc vào Quy hoạch điện VIII, không cần tuân thủ quy định về quy hoạch đất đai năng lượng, không cần giấy phép hoạt động điện lực, đơn giản các thủ tục triển khai...

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vẫn giữ quan điểm cho rằng, nếu cho phép mua bán ĐMTMN tự sản, tự tiêu trong giai đoạn hiện nay sẽ dẫn tới phát triển ồ ạt, khó kiểm soát công suất nguồn, đặc biệt dẫn tới mất cân đối cơ cấu nguồn điện, gây áp lực lên hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Quan điểm, cách làm chính sách như vậy đã đẩy khó về cho dân, trong khi ngành điện chậm chạp trong đầu tư, hiện đại hóa hệ thống truyền tải đã được cảnh báo từ nhiều năm qua bởi các chuyên gia quốc tế. Trong khi đó không có bất cứ chính sách nào, kể cả cho vay lãi suất thấp như nhiều quốc gia đã làm để khuyến khích người dân làm ĐMTMN, thì "cơ chế khuyến khích đầu tư đặc biệt" như Bộ Công thương đề xuất có ý nghĩa gì?

Đi ngược nguyên tắc thị trường

Các chuyên gia bày tỏ băn khoăn với quan điểm mua điện 0 đồng nhằm ngăn chặn trục lợi chính sách của Bộ Công thương. Nhìn lại Quy hoạch điện 7 (2018-2020) gần như "phá sản", không theo kịp nhu cầu nguồn điện cho quốc gia, một số nhà máy nhiệt điện không được đưa vào vận hành kịp, thiếu điện trầm trọng nên cần đến điện gió và điện mặt trời. Từ đó mới có chính sách giá FIT - tức mua giá cao hơn so với bình thường nhằm khuyến khích nhà đầu tư năng lượng tái tạo (NLTT) điện gió, mặt trời.

Tuy vậy, đến hết năm 2020, chính sách giá FIT không được áp dụng nữa, nhiều dự án NLTT không kịp hưởng giá FIT. Hiện nay, giá FIT không còn nên cũng không thể gọi là trục lợi chính sách. Bởi sản lượng phát triển ĐMT thời gian qua đã được đưa vào Quy hoạch điện 8. Ngay cả ĐMTMN tự sản tự tiêu được khống chế trong quy hoạch đến năm 2030 là 2.600 MW cũng đã đủ, nên con số đặt ra trong quy hoạch là không có ý nghĩa lắm.

"Chúng ta đang từng bước xây dựng thị trường mua bán điện. Trong mua bán phải có trả tiền. Thà không cho đấu lưới, không nhận nguồn của nhà đầu tư thì thôi. Còn nhận nguồn, mang đi bán, sao trả cho nhà đầu tư 0 đồng?", TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công thương) nêu quan điểm.

Tại sao Nhà nước kêu gọi xã hội hóa ngành điện, xây dựng thị trường mua bán điện, nhưng lại từ chối ĐMTMN? Đây là nguồn năng lượng có thể khai thác vốn từ nhân dân rất tốt và cần thiết. Buộc một cơ chế ĐMTMN phải tự sản, tự tiêu; thậm chí không cho bán sang hàng xóm, không phát lên lưới, nếu cho phát lên lưới phải chấp nhận không có tiền, có tính phi thị trường. Chủ trương này sẽ triệt phá nguồn đầu tư ĐMTMN trong dân, các khu công nghiệp (KCN), nhà máy, công sở...

Từ trước năm 2021, phong trào lắp hệ thống ĐMTMN ở nước ta tăng trưởng rất nhanh sau Quyết định 13 của Thủ tướng Chính phủ, khuyến khích hộ dân lắp đặt hệ thống ĐMTMN, được bán cho EVN với giá FIT trong 20 năm. Trong giai đoạn này, TPHCM phát triển 14.092 dự án ĐMTMN của hộ dân, tổng công suất hơn 354,4 MW sau 2020. Lượng điện dư thừa phát lên lưới đến nay gần 901 triệu kWh, gấp 3 lần sản lượng khách hàng tự sử dụng.

Nhưng kể từ ngày 01/01/2021, Quyết định số 13 hết hiệu lực, EVN không ký hợp đồng mua bán điện từ nguồn ĐMTMN có ngày vận hành, phát điện sau ngày 31/12/2020. Ngay lập tức, phong trào ĐMTMN đi xuống rất nhanh. Và nay với cơ chế mới, cho phép hộ dân lắp hệ thống ĐMTMN, có thể đấu nối với lưới diện quốc gia nhưng sản lượng dư thừa được tính 0 đồng, chắc chắn càng triệt tiêu động lực để người dân lắp đặt hệ thống ĐMTMN, gây lãng phí rất lớn.

Điều lạ nữa là, trong dự thảo cơ chế phát triển ĐMTMN được Bộ Công Thương xây dựng, cũng không ưu tiên phát triển ĐMTMN ở các KCN, nhà xưởng, bệnh viện, trường học... và cũng không bán được cho EVN. Trong khi đó, chính khu vực này có diện tích mái nhà rất lớn, cho sản lượng ĐMTMN rất cao. Hơn nữa, khi các DN chủ động sử dụng nguồn cung ĐMT tại chỗ cũng góp phần giảm áp lực cho hệ thống điện khu vực.

Theo Bộ Công thương, các nhà máy, KCN sản xuất công nghiệp, nhất là các DN công nghệ cao... cần nguồn điện chất lượng ổn định, liên tục; chắc chắn họ không thể dùng ĐMT để sản xuất. Lý giải như vậy chưa thỏa đáng, bởi các nhà máy lớn, hoàn toàn có thể sử dụng ĐMN để sản xuất, vấn đề là vốn đầu tư khá lớn cho pin điện để lưu trữ và điều tiết lượng điện.

Qua nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia về vấn đề này, ban soạn thảo dự thảo ghi nhận để trình Chính phủ tiếp tục thảo luận, xem xét. Rõ ràng chúng ta đi chậm, như Bộ Công nghiệp Thái Lan đã bỏ điều kiện phải xin phép trước khi lắp đặt hệ thống ĐMT trên mái nhà có công suất vượt quá 1.000 KW hoặc 1 MW.

Tăng cường điện mặt trời, ĐMTMN, NLTT như một "mũi tên trúng nhiều đích", trong bối cảnh các thị trường lớn đang tăng cường áp dụng các cơ chế, chính sách về giảm phát thải, như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của EU, Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Mỹ... đòi hỏi việc tăng tỷ lệ sử dụng NLTT trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của nhiều DN.

Không có cơ chế, thiếu cơ chế, NLTT, ĐMT, ĐMTMN sẽ bị kiềm hãm không thể phát triển, ảnh hưởng rất lớn trong thực hiện cam kết trung hòa carbon vào năm 2050 như cam kết của Việt Nam tại COP26.

XUÂN NHÂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/khi-dien-mat-troi-mai-nha-ban-0-dong-ai-dau-tu_162161.html