Khi doanh nghiệp bất động sản ngại... ra mặt

Có một thực tế là dù gặp bất lợi, nhưng doanh nghiệp thường ngại ra mặt nói về cái khó của mình, bởi việc 'điểm mặt, chỉ tên' đôi khi lợi bất cập hại…

Việc tiếp cận thông tin xác thực từ các doanh nghiệp là không dễ dàng.

1. Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in lời than vãn của lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản cách đây không lâu khi chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư kinh doanh: “Làm doanh nghiệp bất động sản lúc này khổ quá, tiến không được, lùi cũng không xong”.

Có thể nói, chưa lúc nào doanh nghiệp địa ốc đối mặt với nhiều thách thức như bây giờ khi chi phí đầu vào tăng cao, nguồn vốn phát triển dự án bị siết chặt, hành lang pháp lý dự án chậm tháo gỡ vướng mắc…

Hầu hết lãnh đạo doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản mà phóng viên có dịp trao đổi đều chia sẻ rằng, trong hơn 2 năm xảy ra dịch bệnh, sở dĩ họ còn cầm cự được là nhờ vào nguồn vốn tích lũy những năm trước đó và biết “liệu cơm gắp mắm”. Đến thời điểm hiện tại, nguồn lực nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt, nếu tình hình khó khăn còn kéo dài thì sẽ khó trụ lại trên thị trường.

Theo các lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản, mối lo lớn nhất hiện nay không hẳn là nguồn vốn tín dụng ngân hàng đang bị “siết” quá đà, mà là “làm sao để có nguồn cung đưa ra thị trường?”, bởi nếu ví dòng tiền là mạch máu thì sản phẩm bất động sản chính là thức ăn nuôi dưỡng mạch máu đó.

Vậy mà nhiều năm nay, nguồn cung dự án nhà ở mới sụt giảm rất mạnh, đặc biệt là phân khúc nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội.

Nguồn cung khan hiếm vì nhiều lý do và hầu hết ngoài tầm với của doanh nghiệp, chẳng hạn như những điểm nghẽn pháp lý về đất công xen cài, về dự án phải có nguồn gốc đất ở, về những cuộc thanh kiểm tra kéo dài, thậm chí là cả tâm lý sợ chịu trách nhiệm của một số cán bộ các sở, ngành liên quan khiến họ dùng dằng không trình ký hoặc ký duyệt dự án.

Thực tế cũng cho thấy, “ma trận” thủ tục pháp lý dự án vẫn luôn “làm khổ” các chủ đầu tư, bởi chỉ xét riêng thủ tục hành chính thì một dự án phải cần vài chục con dấu mới hoàn thành, đó là chưa kể những vấn đề liên quan đến hậu kiểm, hồi tố…

2. Khó khăn là thế, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng “hào phóng” chia sẻ câu chuyện của mình ra công chúng. Thường trong những cuộc họp đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp, hội thảo do các cơ quan báo chí hay hiệp hội chuyên môn tổ chức, doanh nghiệp mới chia sẻ được nhiều, nhưng “nhiều” chưa hẳn là “đủ”.

Bởi vậy, sau đó, phóng viên thường liên hệ lại với doanh nghiệp để tìm hiểu tiến độ tháo gỡ vướng mắc ra sao và câu trả lời đầu tiên nhận được thường là “vẫn cứ thế, chưa có động tĩnh gì”. Bản thân các doanh nghiệp cũng hiểu rõ nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc tháo gỡ dứt điểm những vướng mắc, nhưng “không hiểu sao hồ sơ ra đến cơ quan chuyên môn thì dự án lại tắc”.

Diễn biến này lặp đi lặp lại khiến cả các chủ đầu tư dày dạn kinh nghiệm thương trường cũng rơi vào trạng thái “nhiễu loạn”, lúc thì khấp khởi mừng thầm vì dự án của mình với những vướng mắc cụ thể đã được lãnh đạo chính quyền “chỉ mặt đặt tên”, lúc hồi hộp chờ đợi khi hồ sơ mới được trình lên các cơ quan chuyên môn, rồi những bức xúc bộc phát khi nhiều lần phải bổ sung hồ sơ cho những vướng mắc cũ...

Điều đáng nói là, trong khi những vướng mắc mà doanh nghiệp nêu lên chưa được giải quyết thì cũng chính những thông tin đó lại “phản tố” lại họ. Một bên là “tình ngay” chia sẻ kiến nghị, một bên là “lý gian” sử dụng thông tin đó để thực hiện những bài viết chứa yếu tố nhạy cảm… và để đến bây giờ, “chán nản, chẳng muốn kêu ca thêm gì” là lời trần tình của lãnh đạo một doanh nghiệp khi được hỏi vì sao doanh nghiệp lại ngại ra mặt.

Một yếu tố khác khiến nhiều doanh nghiệp muốn “tránh mặt” truyền thông là lúc nào cũng phải thể hiện công ty đang duy trì sự bình thường nhằm “lấy điểm” với ngân hàng, đối tác, cổ đông và khách hàng. Cũng vì lý do tế nhị ấy mà lãnh đạo nhiều doanh nghiệp ngại chia sẻ, nếu có thì cũng là những câu trả lời lấy lệ, để rồi chốt lại: “Chia sẻ bên lề vậy thôi, em đừng đưa tên anh/chị vào nhé”.

Cách đây ít hôm, khi trao đổi với một nữ lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản xung quanh câu chuyện siết vốn vào thị trường bất động sản, chị chia sẻ quan điểm có phần trái ngược với lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khi phát ngôn trên truyền thông rằng không có chủ trương siết vốn vào bất động sản.

Doanh nghiệp này khá có tiếng trên thị trường, đầu tư nhiều dự án lớn nhưng ít vay ngân hàng. Nguồn vốn thực hiện dự án chủ yếu đến từ nguồn tiền tích lũy và tiền huy động từ khách hàng.

Tại một dự án nhà phố của doanh nghiệp, có một số khách hàng đã đóng trước 30% mua một căn để phục vụ việc kinh doanh, đến khi sắp nhận nhà thì ngân hàng bất ngờ thông báo không cho vay vì… hết room, đẩy khách hàng vào tình cảnh “dở khóc, dở cười”. Mà đâu chỉ khách hàng chịu trận, động thái hạn chế cho vay đầu tư, kinh doanh bất động của ngân hàng còn khiến nguồn tiền huy động từ người mua nhà cũng hẹp dần, khiến kế hoạch tái đầu tư của doanh nghiệp lỡ dở.

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi kéo dài hơn 1 tiếng đồng hồ và chủ yếu xoay quanh câu chuyện tín dụng bất động sản tưởng như khô khan mà thú vị đến không ngờ, nhưng trước khi chào tạm biệt không quên nhắc: “Chị chia sẻ để em nắm tình hình thị trường vậy thôi, em đừng đưa tên chị, đợt này nhạy cảm, chị không tiện xuất hiện trên báo chí”.

3. Là phóng viên, nhiệm vụ của chúng tôi là vừa phải khai thác được thông tin, vừa phải bảo vệ nguồn tin và đứng trước những lời đề nghị chính đáng ấy, chúng tôi khó có thể không làm theo. Khi đó, cánh phóng viên thường dùng thủ thuật viết “phiếm chỉ” để cố gắng không nhắc đến họ.

Nhưng ngặt nỗi, yêu cầu của tòa soạn cũng như tâm lý độc giả luôn muốn biết “người thực, việc thực”, nếu viết phiếm chỉ thì dễ tạo cảm giác câu chuyện không có thực, nên thường phải có tên nhân vật, dự án… cụ thể khi xuất hiện trên mặt báo.

Bởi vậy, trước khi đặt bút viết, tôi thường cân nhắc nhiều điều. “Làm thế nào để toàn vẹn đôi đường?”, câu trả lời phụ thuộc vào kỹ năng xử lý thông tin của mỗi phóng viên sao cho vừa hấp dẫn, đảm bảo tính thời sự, vừa bảo vệ được nguồn tin.

Làm thế nào để nguồn tin tiếp tục tin tưởng mình, chia sẻ những câu chuyện, góc khuất, tòa soạn và bạn đọc tin tưởng vào chất lượng thông tin khi bài báo được đăng tải… với mục đích chung là góp thêm tiếng nói của thị trường, đồng hành cùng doanh nghiệp để kiến tạo nên một môi trường đầu tư, kinh doanh ổn định, lành mạnh và bền vững luôn là câu chuyện nan giải với những người cầm bút viết về kinh tế, về các hoạt động đầu tư, kinh doanh đầy phức tạp, nhạy cảm hiện nay.

Trọng Tín

Nguồn ĐTCK: https://bds.tinnhanhchungkhoan.vn/bat-dong-san/khi-doanh-nghiep-bat-dong-san-ngai-ra-mat-300022.html