Khi doanh nghiệp sợ thuế!

Cổng thông tin Chính phủ vừa phát đi thông tin về việc Nhà nước sẽ hoãn tăng các loại thuế phí trong năm 2017. Đây được xem là một thông tin mới khá tích cực nhưng nếu nhìn nhận ở một góc độ khác thì mức thuế hiện tại cũng đã làm cho các doanh nghiệp khốn khổ.

Đối với doanh nghiệp sản xuất, họ còn chịu thêm phí công đoàn 2% hay các chi phí hoạt động nội bộ. (Ảnh minh họa của Bkav).

Trong lần chia sẻ với phóng viên, ông L. (chủ của một doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Q.5, TP.HCM) liên tục “rên rỉ” về các loại chi phí mà doanh nghiệp của ông đang phải gồng gánh.

Theo ông L., doanh nghiệp của ông thường phải chịu các chi phí về hoạt động như lương, thưởng, chi phí mua tài sản, bảo trì thiết bị văn phòng… Bên cạnh các chi phí hoạt động nội bộ còn có các loại thuế phí như: Thuế môn bài, thuế thu nhập doanh nghiệp (20%), thuế giá trị gia tăng - VAT (0-10%), thuế xuất nhập khẩu…

Ông L. cho biết thêm: “Không chỉ riêng các loại thuế, các doanh nghiệp còn phải gồng gánh các khoản chi về bảo hiểm cho lao động lên 32%. Mặc dù doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm đóng 21,5% nhưng gần như 10,5% còn lại (do lao động phải đóng) chúng tôi cũng không thể bỏ qua và thậm chí là phải đóng vì nếu lao động phải đóng cao, kéo lương thấp xuống (dựa trên mức lương) thì họ sẽ có tâm lý chán nản, bỏ việc hoặc có xu hướng nhảy việc.

Cũng trong trường hợp tương tự, ông Thanh Nam, Trưởng phòng Tài chính của một doanh nghiệp sản xuất tại Khu công nghiệp VSIP, Bình Dương, cho hay: “Nhìn sơ qua, chúng tôi phải đóng hơn 20% trên thành phẩm sản xuất thu được bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT. Nhiều người thường nghĩ thuế VAT chỉ tính trên đầu người tiêu dùng nhưng doanh nghiệp chúng tôi chính là đối tượng phải gánh vác. Bởi nếu giá sản phẩm (sau khi cộng với VAT) quá cao thì sẽ không cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp khác”.

Doanh nghiệp thường gặp nhiều khó khăn về kinh phí khi đối diện với nhiều quy định của thuế. (Ảnh minh họa của Bkav).

Tính trung bình, các mức thuế mà doanh nghiệp phải đóng gồm 20% thuế thu nhập của doanh nghiệp, 10% thuế VAT giá sản phẩm và chi phí lao động doanh nghiệp có thể lên đến 34% (tính luôn phí công đoàn 2% đối với các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn). Riêng đối với các doanh nghiệp chuyên xuất/nhập khẩu linh kiện, thiết bị, mua sản phẩm ngoại nhập còn chịu thêm mức thuế xuất nhập khẩu.

Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ở TP.HCM hôm 13/9, phần lớn các doanh nghiệp cũng như các tổ chức, hiệp hội đều có khá nhiều ý kiến về những khó khăn khi đối diện với các khoản thuế phí. Trong đó, việc đối diện với các đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12% hay những mức thuế phí khác đang phần nào ảnh hưởng đến giá bán của sản phẩm.

Theo ông Cao Tiến Vị, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam, “việc tăng thuế phí sẽ kéo theo hệ lụy là tăng giá thành sản phẩm khiến người tiêu dùng đắn đo hơn, kéo theo doanh số giảm, làm doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất và cắt giảm lao động hàng loạt. Đó là chưa kể, việc đánh thuế quá cao sẽ xảy ra nhiều hệ lụy về tình trạng nhập lậu, hàng gian, hàng giả”.

Thuận Phong

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/khi-doanh-nghiep-so-thue-d61737.html