Khi đội bóng trở thành 'con tin' của xã hội hóa

Để bóng đá được công nhận là chuyên nghiệp theo yêu cầu của FIFA, bóng đá Việt đã có những bước chuyển mình. Trong đó có việc, các câu lạc bộ phải trở thành doanh nghiệp, không còn là đội bóng quốc doanh như trước đây.

Chính vì điều này, hàng loạt đội bóng đã chật vật, thậm chí “đi về nơi xa” khi trước nay vốn sống dựa vào kinh phí của địa phương. Chẳng khó để kể ra, hàng loạt đội mạnh như Bình Định, Nam Định, Tiền Giang… đã vật vã đến thế nào. Áp lực lớn đến độ, Bà Rịa - Vũng Tàu được thăng hạng ở mùa trước cũng đành bỏ giải, chấp nhận đá lại từ đầu vì không đủ kinh phí đầu tư.

Tất nhiên, cũng qua cuộc thanh lọc này, hàng loạt chiêu thức “xã hội hóa” đã được các địa phương tính đến để cứu đội bóng của mình mà không dùng trực tiếp ngân sách. Ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, đơn vị nhận nuôi đội bóng đều có phần trong việc khai thác khoáng sản ở địa phương. Đà Nẵng đổi hẳn đất để “xã hội hóa” với đội bóng.

CLB TP.HCM được coi là đội bóng chuyên nghiệp của thành phố nhưng sự chuyên nghiệp ấy không như người ta tưởng. Ảnh: Mỹ Trang

Riêng TP.HCM khi chuyển qua mô hình chuyên nghiệp, hàng loạt đội bóng tên tuổi đã không tìm được lối ra và đành giải thể. Đến giờ chắc người dân thành phố chắc vẫn chưa quên, Cảng Sài Gòn lừng danh sau đổi thành Thép Miền Nam - Cảng Sài Gòn rồi… xóa sổ. Sau đến lượt hàng loạt đội bóng cập bến Sài Gòn như: Sài Gòn Xuân Thành, Navibank Saigon. Sau một hồi đầu tư, các đội này cũng đã giải thể vì không chịu nổi áp lực, bóng đá chưa thể sinh lãi còn những lời hứa hỗ trợ về đất đai để làm sân, làm nơi ở cho đội bóng theo kiểu “xã hội hóa” chỉ vẫn là lời hứa.

Mọi chuyện ở TP.HCM bỗng dưng thay đổi khi đội bóng CLB TP.HCM được lên hạng chuyên nghiệp và lãnh đạo TP.HCM quyết định “trao” đội bóng cho Bình Minh Group.

Thoạt đầu, người hâm mộ ở thành phố mừng lắm, họ tưởng cuối cùng thành phố đầu tàu kinh tế cả nước đã có một đội bóng chuyên nghiệp thật sự. Họ tưởng, ít nhất cũng có một doanh nghiệp thật sự chọn con đường làm thể thao đúng nghĩa, thay vì khoác áo “xã hội hóa” chỉ cho thêm phần thi vị.

Nhưng, sự thật chẳng phải vậy.

Ngày 17.5.2018, mọi chuyện vỡ lỡ sau công văn của Công ty TNHH Đầu tư và phát triển bất động sản Bình Minh gửi cho UBND TP.HCM, ghi đích danh ông Chủ tịch Nguyễn Thành Phong và bà Phó chủ tịch Nguyễn Thị Thu cùng hàng loạt ban ngành. Công văn ấy nêu rõ sau chỉ định của UBND TP.HCM về việc bảo trợ cho đội bóng CLB TP.HCM, Công ty phải được nhận 145 trụ bảng quảng cáo trên địa bàn thành phố mỗi năm, vị trí đặt bảng quảng cáo do công ty quyết định.

Tuy nhiên, do vướng mắc với khu quản lý giao thông đô thị số 1, Công ty quản lý đường hầm sông Sài Gòn, UBND quận 4, 2, Bình Thạnh, Tân Bình, phía Bình Minh đã không thể đặt toàn bộ bảng quảng cáo theo ý mình, và họ tuyên bố sau 30 ngày không giải quyết được thì họ giải thể đội bóng.

Ôi trời, người ta chợt nhận ra CLB TP.HCM đang trở thành con tin của công cuộc xã hội hóa đội bóng!

CLB TP.HCM đang đứng trước nguy cơ bị giải thể nếu quyền lợi của nhà bảo trợ không được thỏa mãn. Ảnh: Mỹ Trang

Và ngay cả cái xã hội hóa ấy cũng chẳng đúng nghĩa cho lắm. Bởi theo bản chất của kinh tế, quyền lợi mà Bình Minh nhận được có thể quy thành tiền, thậm chí rất nhiều tiền. Và 145 bảng quảng cáo ấy hoàn toàn không thông qua đấu giá, không thông qua định giá cho đúng quy trình. 145 bảng quảng cáo ấy chính là tiền ngân sách, nói cách khác, nó chính là tiền của người dân thành phố!

Va chạm quyền lợi càng thể hiện rõ hơn khi ông Mai Bá Hùng - Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM cho hay: “Việc đặt bảng quảng cáo của Bình Minh có trục trặc khi phía công ty chọn các vị trí đắc địa, vốn đã được phía quận, huyện chọn trước để đem về nguồn thu cho họ. Thêm vào đó, việc đặt bảng quảng cáo còn vướng vào quy hoạch mới của thành phố”.

Từ văn bản số 444 do bà Phó Tổng giám đốc Trịnh Thị Kim Oanh ký ngày 17.5, nhiều người hâm mộ bóng đá TP.HCM giật mình tự hỏi: Vậy đội bóng này, thực chất là đội bóng chuyên nghiệp kiểu gì? Những khoản tiền được quy đổi không cần thẩm định kia thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Và tiền người dân, tiền ngân sách được duyệt dễ đến vậy sao?
Và còn nữa không, những lợi ích nào đó được giao về đội bóng mà người dân lẫn các cơ quan chuyên trách như HĐND không được biết?

Thảo Du

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/khi-doi-bong-tro-thanh-con-tin-cua-xa-hoi-hoa-13953.html