Khi du lịch cộng đồng 'nở rộ' nơi miền Tây xứ Thanh (Bài 1): Những dấu ấn mang bản sắc địa phương

Nếu đã từng rong ruổi qua các khu, điểm du lịch cộng đồng miền Tây xứ Thanh, hẳn điều mà du khách cảm nhận trong mỗi cuộc hành trình là điểm đến xanh, thiên nhiên trong lành, người dân thân thiện. Và điều đặc biệt khiến cho du lịch cộng đồng nơi đây ngày càng trở thành sản phẩm thu hút đông đảo du khách chính là những nét đẹp hoang sơ, kỳ thú, bản sắc văn hóa rất riêng ở mỗi điểm đến.

Cầu treo bắc qua dòng sông Chu - điểm nhấn trong bức tranh phong cảnh hữu tình của du lịch cộng đồng bản Mạ (Thường Xuân). Ảnh: Hoài Anh

Khu vực miền núi phía Tây Thanh Hóa là một dải núi rừng trùng điệp, bao gồm 11 huyện, với 7 dân tộc anh em: Mường, Thái, Thổ, Dao, Mông, Khơ Mú, Kinh. Khu vực này có các di chỉ khảo cổ lịch sử quan trọng và hàng trăm lễ hội, trò diễn dân gian đặc sắc; là nơi lưu giữ nhiều không gian văn hóa làng, bản với các nếp nhà sàn truyền thống; nhiều nét tập tục sinh hoạt, văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của các dân tộc thiểu số... Nhờ thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên và văn hóa bản địa, cho đến nay loại hình du lịch phát triển nhất ở khu vực này là du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng.

Nhắc đến du lịch sinh thái cộng đồng, hẳn du khách sẽ nghĩ ngay tới Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (Bá Thước). Nơi đây được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn vô cùng phong phú, giàu giá trị. Đó là cảnh quan sông núi và hệ sinh thái đa dạng, với nhiều di tích lịch sử có giá trị như đồn Cổ Lũng, sân bay Pù Luông và những nếp nhà sàn truyền thống trong không gian văn hóa vùng núi; là lối ẩm thực riêng và hấp dẫn với xôi hấp gà Kho Mường, vịt thác Hiêu (Cổ Lũng)...

Nhằm tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và người dân Bá Thước đã từng bước khôi phục nhiều giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể truyền thống của các dân tộc Thái, Mường như: nhà sàn truyền thống, nghề dệt thổ cẩm, thành lập đội văn nghệ dân gian, các sản phẩm nông sản bản địa... Chính nhờ điểm nhấn không gian thiên nhiên trong lành, mát mẻ; truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc, nhiều năm qua, Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông không chỉ hấp dẫn khách du lịch, mà còn là điểm đến của nhiều nhà đầu tư.

Nói đến sự hiện diện của nhà đầu tư trên mảnh đất miền Tây xứ Thanh, trước hết phải nhắc đến Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Dấu Chân và Công ty THHH Thương mại và Du lịch Tam Kỳ là những nhà đầu tư đầu tiên từ tỉnh ngoài đến với huyện Bá Thước. Khu Du lịch nghỉ dưỡng Puluong Retreat do liên danh 2 công ty làm chủ đầu tư nằm trên diện tích 5.000m2, thuộc địa phận bản Đôn (xã Thành Lâm) được xây dựng theo lối kiến trúc nhà sàn, các bungalow gần gũi với thiên nhiên, bể bơi vô cực. Đây là một trong những điểm check in tuyệt đẹp, từng gây sốt trên mạng xã hội. Puluong Retreat không chỉ tạo nên điểm nhấn cho sự phát triển du lịch cộng đồng của huyện Bá Thước, mà còn đem lại thành công cho các nhà đầu tư, khi khu du lịch nghỉ dưỡng này ngày càng thu hút được đông đảo du khách trong tỉnh, trong nước và khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Tổng Quản lý Puluong Retreat Lê Sỹ Dũng cho biết: “Trong quá trình đầu tư chúng tôi nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền địa phương. Với quan điểm của địa phương trong việc bảo vệ, giữ gìn cảnh quan môi trường cũng như tính chất phát triển của hoạt động du lịch cộng đồng, do vậy tất cả kiến trúc, thiết kế tại đây đều hướng đến một không gian du lịch xanh, không lạm dụng những trang thiết bị hiện đại, thân thiện với môi trường cũng như nét văn hóa truyền thống bản địa”.

Theo thống kê của huyện Bá Thước, trong giai đoạn từ 2015-2019, huyện Bá Thước đã thu hút được hàng chục nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Các dự án chủ yếu tập trung tại các bản làng có tiềm năng du lịch nổi trội như: bản Đôn (Thành Lâm), bản Hiêu (Cổ Lũng), Son - Bá - Mười (Lũng Cao) và một số bản của xã Thành Sơn. Điển hình như Khu nghỉ dưỡng Puluong Eco Garden (xã Thành Sơn), Puluong Natura, Puluong Retreat, Puluong Treehouse (xã Thành Lâm)... Đặc biệt, trong khoảng thời gian 2 năm xảy ra dịch bệnh COVID-19, nhiều nhà đầu tư lớn đã triển khai xây dựng những khu nghỉ dưỡng quy mô lớn như: Puluong Casa Resort, The Palm Puluong, Puluong Bocbandi Retreat, Puluong Ebino,... với tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng. Ngoài ra, loại hình homestay do người dân địa phương tự đầu tư, hoặc doanh nghiệp liên kết với hộ dân địa phương đã, đang phát triển khá sôi động. Với gần 80 cơ sở lưu trú, song Pù Luông ghi điểm bởi chính những màu sắc của tự nhiên, những lối kiến trúc gần gũi với thiên nhiên và 100% homestay được xây dựng theo kiến trúc của đồng bào dân tộc Thái.

Cùng với Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông, nhiều địa phương khác khu vực miền núi cũng đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng để khai thác tối đa tiềm năng du lịch. Nhiều khu, điểm du lịch mới với cách làm sáng tạo của bà con dân tộc đã khiến du lịch Thanh Hóa khởi sắc. Đó là những khu du lịch ở vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên (Thường Xuân), dọc lưu vực sông Mã, sông Chu và một số huyện như Quan Hóa, Lang Chánh, Quan Sơn...

Trong đó, khu du lịch bản Mạ (nay là khu phố Thanh Xuân, huyện Thường Xuân) trong những năm gần đây nổi lên như một điển hình làm du lịch mới. Bản Mạ chính là một bản người Thái đặc trưng của huyện, với 100% người dân tộc Thái. Nơi đây, có sự quần cư của 56 hộ gia đình với trên 250 nhân khẩu. Bản Mạ trước đây bị “chia cắt” bởi dòng sông Chu khiến cho việc giao thương với bên ngoài gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ khi cây cầu treo bản Mạ được Nhà nước đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng, mọi thứ đã dần thay đổi. Không chỉ thuận tiện cho việc đi lại, cầu treo bản Mạ như một điểm nhấn đong đầy chất thơ tô vẽ thêm cho bức tranh phong cảnh của bản làng người Thái.

Trong quan niệm của người Thái nói chung, người Thái ở bản Mạ nói riêng luôn tin rằng “vạn vật hữu linh”. Hiểu điều đó, du khách sẽ không ngạc nhiên khi thấy người dân thờ “hòn đá”, mời con trâu, cái cày cùng ăn cỗ ngày tết... Mọi công việc quan trọng của bản làng đều phải “xin phép” thần linh. Ở bản Mạ, còn lưu giữ số lượng lớn nhà sàn truyền thống của đồng bào Thái. Trong không gian văn hóa truyền thống ấy, sau một ngày dài lao động, đêm xuống người dân lại tập trung bên bếp lửa để “khặp” cho nhau nghe lời hát, lời mời, lời chào từ thuở cha ông; rồi khua luống, đánh cồng chiêng trong dịp lễ, tết của bản làng... Cứ như vậy, bản làng người Thái bên bờ sông Chu ngày càng trở thành điểm đến du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách gần xa.

Không chỉ Khu Du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông hay bản Mạ, nếu du khách là người yêu thích khám phá, tìm hiểu sẽ tìm ra được những nét hấp dẫn riêng có của mỗi điểm đến, trong đó truyền thống bản địa chính là nét độc đáo làm nên giá trị điểm đến. Cũng chính nhờ có du lịch, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số đã, đang được khôi phục, phát huy một cách mạnh mẽ. Sự tác động qua lại giữa hai yếu tố này đã giúp cho đồng bào các dân tộc thiểu số xứ Thanh có cơ hội bảo tồn, quảng bá các giá trị văn hóa tốt đẹp của đất và người xứ Thanh đến với đông đảo du khách.

Hoài Anh

Bài 2: Đừng để lòng tham lôi cuốn.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/khi-du-lich-cong-dong-no-ro-noi-mien-tay-xu-thanh-bai-1-nhung-dau-an-mang-ban-sac-dia-phuong/184978.htm