Khi dư luận lên tiếng!

Sự giám sát của xã hội thông qua các phương tiện truyền thông đã góp một phần lớn để đưa sự thật ra ánh sáng và pháp luật được thực thi.

Vụ xe khách gây tai nạn nghiêm trọng tại thị xã Thủ Dầu Một (Bình Dương) xảy ra từ tháng 2/2017 mà đến nay Công an Bình Dương mới đề nghị truy tìm, sau rất nhiều lần báo chí phản ảnh những bức xúc của dư luận xã hội về vụ việc này.

Hình minh họa

Chiếc xe khách mất lái đâm hỏng 2 chiếc xe ô tô 5 chỗ, cuốn đi 4 xe máy đang chờ đèn đỏ, làm chết 2 chị em 10 tuổi và 2 tuổi, 2 phụ nữ bị thương tích trên 50%. Nghiêm trọng là vậy nhưng Công an Thủ Dầu Một không khởi tố vụ án vì nguyên nhân tai nạn là “khách quan” (xe mất phanh) và tài xế dù không có bằng lái xe tương ứng với loại xe khách chỉ cần xử lý hành chính(?!).

Viện kiểm sát cùng cấp ban đầu cũng đồng ý với nhận định này nhưng sau đó thì đề nghị phải khởi tố vụ án. Người mẹ có 2 con nhỏ chết, bản thân bị tương tích 53%, cầu cứu khắp nơi, lên cả mạng xã hội cầu xin sự giúp đỡ để vụ án được khởi tố. Công an tỉnh Bình Dương đã vào cuộc và đến nay mới hoàn tất điều tra, đề nghị truy tố bị can là tài xế xe khách với 2 tội danh: Vi phạm an toàn giao thông và sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả. Nếu không có sức ép từ dư luận xã hội thì hẳn vụ án nghiêm trọng này đã “chìm xuồng” và đã bỏ lọt tội phạm, gây oan ức cho những người dân lương thiện và tất nhiên công bằng xã hội bị xâm hại cùng với sự nghiêm minh pháp luật.

Cũng tại Bình Dương, vào 19h30 ngày 20/9 vừa qua, một Đại úy CSGT huyện Dầu Tiếng lái xe tông chết 2 người trên 60 tuổi đi xe máy cùng chiều. Mưa ướt, đường trơn, trời tối mà cú tông mạnh khiến 2 người đi xe máy bật tung lên nắp capo ô tô, chiếc xe văng xa, biến dạng, chứng tỏ tốc độ xe gây tai nạn rất cao. Không biết tài xế có được kiểm tra nồng độ cồn ngay lúc gây tai nạn không và dư luận đang chờ kết luận từ cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương. Nếu người gây tai nạn là một thường dân không phải là sỹ quan CSGT thì dư luận không quan tâm đến mức nhiều như thế.

Tuy không đo nồng độ cồn, nhưng một người đàn ông ở Tuyên Hóa (Quảng Bình) lái xe đã được cho là say rượu xông thẳng vào trụ sở Hạt Kiểm lâm, đánh ông Hạt trưởng, gây thương tích phải cấp cứu vào ngày 5/9 vừa qua. Giới truyền thông vào cuộc phản ánh ngay và phỏng vấn nhà chức trách sở tại về vụ này và được trả lời là đang cho xem xét, chờ báo cáo.

Đáng lưu ý là người đàn ông đánh Hạt trưởng tại trụ sở trong giờ hành chính này từng say rượu, dùng hung khí gồm kiếm và đá tấn công trụ sở Đội Kiểm lâm cơ động trước đây hơn 1 năm và bị phạt hành chính hơn 8 triệu đồng. Đến ngày 28/9, Công an Tuyên Hóa cho biết đã khởi tố vụ án và bị can. Hơi chậm, song vụ việc đã không bị bỏ qua hoặc chỉ “phạt hành chính” một hành vi phạm tội rõ ràng.

Có nhiều vụ việc tương tự, rất nghiêm trọng nhưng sau đó lại chìm vào im lặng đáng sợ. Tuy nhiên, sự giám sát của xã hội thông qua các phương tiện truyền thông đã góp một phần lớn để đưa sự thật ra ánh sáng và pháp luật được thực thi, đảm bảo sự công bằng xã hội.

Nhị Ngọc

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/khi-du-luan-len-tieng-d78853.html