'Khi gần thì mất, xa xôi lại còn'

Đó là câu thơ của Nguyễn Duy mà nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vỹ đọc trong 'Đêm quan họ Nguyễn Đức Sôi' để tôn vinh người thầy giáo đầu tiên của dân ca quan họ. Đã 23 năm kể từ ngày thầy Sôi rời xa trần thế nhưng càng xa thì những học trò và người yêu quan họ lại thấy ông 'còn', 'còn' một cách rực sáng.

Cùng với việc truyền dạy cho lứa diễn viên đầu tiên của Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc (nay là Nhà hát Dân ca quan họ Bắc Ninh) thì ông còn là tác giả của 3 ca khúc quan họ và hơn 30 bài hát quan họ lời đối mà đến nay nhiều người vẫn nghĩ là quan họ cổ.

Cống hiến không ngừng nghỉ

Nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi sinh năm 1912 tại làng Ngang Nội (nay thuộc xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), một trong 49 làng quan họ cổ của vùng quê Kinh Bắc, bởi vậy quan họ đã ngấm vào cậu bé Sôi như hơi thở, như máu thịt từ lúc nào không hay.

Nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi.

Nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi.

Thế nhưng, chính ông cũng không thể ngờ rằng cuộc đời lại giao cho mình một trọng trách, một nghề mà trong lịch sử giáo dục nước nhà thời điểm ấy chưa từng có, đó là người thầy dạy quan họ. Và cũng lạ thay, “ông giáo” Sôi đến với nghề vào đúng “ngày tổ” của nghề - ngày 20-11 cách đây 51 năm về trước. Đó cũng là lý do mà những học trò của ông và những người yêu mến dân ca quan họ đã tổ chức một đêm nhạc ấm cúng, thấm đẫm trữ tình để tri ân ông trong những ngày tháng 11 đầy ý nghĩa.

Theo Nghệ sĩ ưu tú Xuân Mùi (nguyên Phó trưởng Đoàn Dân ca quan họ Bắc Ninh), một trong những diễn viên đầu tiên của Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc, thì nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi là một trong 3 nhân tố mà ông gọi là “cỗ xe tam mã” chở quan họ từ gốc đa, mái đình làng ra với công chúng trong nước và quốc tế bằng chính tâm huyết, mồ hôi, nỗ lực của mình.

3 nhân tố đó là ông Lê Hồng Dương (nguyên Trưởng Ty Văn hóa Hà Bắc), người quyết định xây dựng Đoàn Dân ca quan họ; cụ Nguyễn Đức Siêu, Trưởng Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc đầu tiên, người đã trực tiếp tuyển chọn các diễn viên khi xây dựng Đoàn và cụ Sôi với vai trò nghệ nhân truyền dạy, người sáng tác và người truyền cảm hứng quan họ tới các học trò.

Nhạc sĩ Nguyễn Trung, Chi hội trưởng Chi hội âm nhạc Bắc Ninh với tư cách là phó ban tổ chức, là đạo diễn của “Đêm nhạc Nguyễn Đức Sôi” đã khẳng định rằng, đêm nhạc như một sự tri ân về một người thầy có đủ cả Tâm - Tài - Đức.

Thầy không màng danh lợi, không chút riêng tư, suốt ngày ê a dạy quan họ cho lớp trẻ, tối lại chong đèn căng mắt sáng tác lời đối quan họ và cho đến tận lúc ra đi, những bản thảo vẫn còn dang dở. Có thể nói, cuộc đời của nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi là sự cống hiến không ngừng nghỉ cho dòng chảy dân ca quan họ quê nhà để nó trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hôm nay.

Lan truyền tình yêu quan họ

Cuộc đời 85 mùa xuân với 50 năm tuổi Đảng, nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi chưa hề nhận bất cứ một danh hiệu cao quý nào nhưng những học trò do ông ngày đêm dạy dỗ, đào tạo thì đã thành danh, là những tên tuổi nghệ sĩ lớn trong làng quan họ, như: Nghệ sĩ nhân dân Thúy Cải và các Nghệ sĩ ưu tú Quý Tráng, Tự Lẫm, Xuân Mùi và đặc biệt là người con gái của cụ - Nghệ sĩ ưu tú Lệ Ngải.

Lúc cuối đời Nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi vẫn miệt mài truyền dạy quan họ cho các em nhỏ.

Nhớ về người thầy đặc biệt của đời mình, Nghệ sĩ ưu tú Lệ Ngải tâm sự: “Cho đến lúc cuối đời, bố tôi vẫn đắm đuối với quan họ. Ông vẫn bảo anh chị em chúng tôi rằng, các con cố gắng mà gìn giữ những câu hát của cha ông. Quý lắm đấy. Mặc dù lúc đó, quan họ chưa được quan tâm nhiều như bây giờ, thế mà bố tôi vẫn bảo, rồi đây cả thế giới sẽ phải biết đến quan họ vì quan họ hay lắm, độc đáo lắm. Nghe lời khuyên của bố, tôi luôn nhắc nhớ trong tim rằng: “Hãy yêu quan họ, bảo tồn, giữ gìn, lan tỏa nó trong đời sống”.

Bản thân nghệ sĩ Lệ Ngải cũng đã sáng tác bài thơ “Thầy tôi” để tri ân người thầy - người cha của mình với những câu thơ đầy xúc cảm, ân tình: “Con nghe câu quan họ/ Từ lúc chưa chào đời/ Từ giọng cha mẹ bảo/ Lớn lên sẽ thành người/ Canh hát dài kết bạn/ Thức suốt ba ngày đêm/ Dùng dằng câu “Người ở...”/ Trăng vẫn sáng bên thềm/ Thầy say làn quan họ/ Như dòng chảy về xuôi/ Vẫn đam mê câu hát/ Cho “Nhớ mãi khôn nguôi”/ Con lớn lên từng ngày/ Thầy đưa đường dẫn lối/ Tiếng hát của ông cha/ Hồn thiêng, hồn dân tộc...”.

Dân ca quan họ Bắc Ninh hiện nay chỉ có 2 nghệ sĩ được phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, đó là nghệ sĩ Thúy Cải và Thúy Hường. So với “người đàn em” Thúy Hường thì Thúy Cải có phần may mắn hơn là được nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi trực tiếp truyền dạy.

Trong ký ức của nghệ sĩ Thúy Cải hôm nay thì hình ảnh “người thầy giáo già” không bao giờ nhạt phai. Hơn 50 năm trước, cô bé 16 tuổi Nguyễn Thị Cải (tên khai sinh của nghệ sĩ Thúy Cải) được thầy Siêu tuyển là thành viên thứ 9 của Đội ca hát quan họ, tiền thân của Đoàn Dân ca quan họ Hà Bắc. Tại đây, Thúy Cải được thầy Sôi truyền dạy từ những bài giọng vặt đơn giản đến những bài lề lối rất khó hát.

“Còn nhớ tôi và các học viên nhập cuộc với bài hát “La rằng” (bài lề lối): “Hôm nay tứ hải giao tình/ Tuy rằng bốn bể nhưng sinh một nhà/ Hôm nay họp mặt giao hòa/ Nguyện xin nguyệt lão giăng già xe duyên”. Lời có vậy mà cứ i a ư hự, học gần một tháng mà bẻ câu chưa thành. Thế nhưng, thầy Sôi vẫn kiên trì, tâm huyết, nhẫn nại truyền dạy cho chúng tôi. Ngày ấy, thầy trò chúng tôi dạy nhau không có giờ giấc, không có giải lao, không có ngày nghỉ, đó dường như một cuộc chạy đua với thời gian”, nghệ sĩ Thúy Cải kể lại.

Các nhạc sĩ, nhà nghiên cứu cùng ôn lại những kỷ niệm về nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi.

Thầy giáo Sôi trong ký ức nghệ sĩ Thúy Cải là người có bộ râu dài, khuôn mặt khắc khổ, dáng đi khoan thai và một tâm hồn đắm đuối với dân ca quan họ. Nghệ sĩ Thúy Cải cho biết kỷ niệm mà bà nhớ nhất về người thầy của mình là mùa lụt năm 1971, thầy Sôi đã chèo thuyền về quê bà ở Phật Tích đón cô học trò về Thị Cầu để học quan họ.

Nghệ sĩ Thúy Cải chia sẻ: “Thầy coi tôi như con cháu trong nhà, sau này mỗi lần gặp, thầy đều bảo: “Con cái Cải hát cho thầy nghe và bài mà thầy thích nghe tôi hát nhất là “Gọi đò”.

Có thể nói hình ảnh của thầy, những câu hát thầy dạy luôn khắc ghi trong trái tim tôi như dẫn đường chỉ lối cho tôi trên con đường bảo tồn, giữ gìn và lan tỏa dân ca quan họ quê nhà. Càng nghĩ về thầy, tôi lại càng thấy trách nhiệm, trọng trách của mình lớn lao biết bao và câu hỏi luôn thường trực trong tôi là làm thế nào để không phụ công truyền dạy của thầy Sôi cũng như các nghệ nhân ở 49 làng quan họ mà chúng tôi đã có thời gian từng ăn ở, sinh hoạt cùng họ”.

Người thầy đáng kính

Theo xu thế của thời đại, người dân vùng Kinh Bắc hôm nay không chỉ hát những bài quan họ lời cổ mà họ còn hát những bài quan họ lời mới, những ca khúc mang âm hưởng quan họ. Thực tế là những bài quan họ lời mới hay những ca khúc mang âm hưởng quan họ đã được các soạn giả, nhạc sĩ “nhào nặn” cái “chất” của quan họ cổ để cho ra những sản phẩm âm nhạc mang hơi thở thời đại.

Các nghệ sĩ hát bài quan họ của nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi trong đêm nhạc tri ân ông.

Trong số những người tiên phong ấy sẽ là thiếu sót nếu không kể đến nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi. Với 3 ca khúc quan họ “Ăn ở trong rừng”, “Nhớ mãi khôn nguôi”, “Con sông Vị Thủy” và hơn 30 bài hát quan họ lời đối, như: “Quả cau non”, “Cuốc gọi hè”, “Dệt gửi đêm xuân”, “Sao nỡ dứt tình”, “Con nhện giăng mùng”... nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi xứng đáng được phong là bậc thầy.

Với lời thơ trau chuốt, nhịp thơ có nhạc điệu, phát triển theo cung bậc tình cảm không gò bó, ý thơ mượn cảnh, mượn vật để nói cảnh, nói người, thể thơ kết hợp hài hòa giữa tự sự và trữ tình, bài “Ăn ở trong rừng” đã được nhà nghiên cứu quan họ Hồng Thao xếp vào một trong 174 làn điệu quan họ tiêu biểu.

Bài “Con sông Vị Thủy” được không ít người, không ít địa phương biết đến, nhiều lần giành được giải cao ở hội thi hát quan họ đầu xuân. Giai điệu của bài này đã đi vào bài bản quan họ một cách tự nhiên và có sức sống lâu bền cùng thời gian. Còn bài “Nhớ mãi khôn nguôi” được ông sáng tác với sự tiếp thu giai điệu từ các điệu lý miền Trung và Nam Bộ mang nặng tính chất trữ tình, tạo nên nét riêng, độc đáo.

Dễ dàng nhận thấy trong các bài hát của mình, nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi đã vận dụng nhiều câu ca dao, thơ trong “Truyện Kiều”, thơ Nôm khuyết danh... đưa vào bài hát một cách phù hợp, tuân thủ theo đúng đặc điểm của thơ ca quan họ về cả lời, ý, nhịp điệu, có sự tương đồng, hòa trộn với hàng trăm bài quan họ cổ từng được đánh giá có chất lượng nghệ thuật rất cao.

Sáng tác của ông được giới chuyên môn đánh giá là tuân thủ những thủ pháp nghệ thuật của dân ca quan họ cùng với trí tưởng tượng phong phú, tư tưởng triết lí sâu xa đã tạo nên những tác phẩm âm nhạc có giá trị, dễ đi vào lòng người và được truyền tụng rộng rãi trong dân gian.

Nghệ sĩ ưu tú Xuân Mùi đánh giá nghệ nhân Nguyễn Đức Sôi là một bậc kỳ tài của vùng quê Kinh Bắc quả thật không quá lời. Bởi với một người học hành bài bản cũng phải hàng chục năm tìm tòi, nghiên cứu mới có thể nắm vững các kiến thức âm nhạc chứ chưa nói đến việc có thể sáng tác các tác phẩm âm nhạc.

Vậy mà ông chẳng hề qua một trường lớp chính quy nào mà chỉ bằng tình yêu, sự đam mê quan họ, năng khiếu bẩm sinh cùng trách nhiệm với quê hương lại có thể sáng tác nhiều bài quan họ có giá trị cho muôn đời sau. Trong một đêm Kinh Bắc trăng sáng, khi mùa xuân, mùa của lễ hội quan họ đang cận kề, ngẫm về cuộc đời ông lại thấy thật đúng như câu thơ của nhà thơ “Tre Việt Nam” Nguyễn Duy từng viết: “Có gì lạ quá đi thôi/ Khi gần thì mất, xa xôi lại còn”.

Đăng Khoa

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/khi-gan-thi-mat-xa-xoi-lai-con-622973/