Khi giá dầu lên 100 USD/thùng: Danh sách những nước hứng chịu rủi ro lớn nhất

Khi OPEC+ bất ngờ thông báo cắt giảm sản lượng đã đẩy giá dầu tăng vọt. Nhiều chuyên gia dự báo giá dầu có thể chạm mốc 100 USD/thùng. Các quốc gia nhập khẩu dầu lớn được dự báo là những bên chịu thiệt hại nặng nề nhất nếu giá dầu tăng mạnh, nhưng không phải Mỹ.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Theo đó, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia sẽ cảm nhận được áp lực lớn nhất nếu giá dầu chạm mốc 100 USD/thùng.

Henning Gloystein, giám đốc của Eurasia Group cho biết: “Các khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc cắt giảm nguồn cung dầu và giá dầu thô tăng vọt là những khu vực có mức độ phụ thuộc vào nhập khẩu cao và sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch trong hệ thống năng lượng sơ cấp của họ”.

“Điều đó có nghĩa là những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là các ngành công nghiệp thị trường mới nổi phụ thuộc vào nhập khẩu, đặc biệt là ở Nam và Đông Nam Á, cũng như các ngành công nghiệp nặng siêu phụ thuộc vào nhập khẩu của Nhật Bản và Hàn Quốc”, ông Gloystein nói.

Pavel Molchanov, giám đốc điều hành của ngân hàng đầu tư tư nhân Raymond James cũng nhận định: "Mỹ không phải nước sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nếu giá dầu đạt mức 100 USD, mà là các quốc gia không có nguồn dầu mỏ trong nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Pháp,..."

Ấn Độ

Ấn Độ là nước tiêu thụ dầu lớn thứ 3 trên thế giới và đã mua dầu của Nga với giá chiết khấu cao kể từ khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt với Moscow. Theo dữ liệu của chính phủ, nhập khẩu dầu thô của Ấn Độ đã tăng 8,5% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Gloystein cho biết: “Mặc dù Ấn Độ vẫn đang kiếm được lợi nhuận từ việc giảm giá năng lượng của Nga nhưng họ đã bị thiệt hại do giá than và khí đốt tăng cao. Nếu giá dầu tiếp tục tăng, thậm chí dầu thô giảm giá của Nga cũng sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến tăng trưởng của Ấn Độ”.

Nhật Bản và Hàn Quốc

Dầu mỏ là nguồn năng lượng quan trọng nhất ở Nhật Bản và chiếm khoảng 40% tổng nguồn cung cấp năng lượng.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định: “Do việc sản xuất trong nước không đáng kể, Nhật Bản phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu dầu thô và nguồn dầu nhập khẩu dầu quan trọng của nước này đến từ Trung Đông, chiếm khoảng 80-90% tổng lượng nhập khẩu".

Tương tự đối với Hàn Quốc, dầu chiếm phần lớn nhu cầu năng lượng của nước này, với khoảng 75% lượng dầu được nhập khẩu từ nước ngoài.

Các thị trường mới nổi

Ông Pavel Molchanov cho biết một số thị trường mới nổi “không có khả năng ngoại tệ để hỗ trợ nhập khẩu nhiên liệu này” cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực bởi mức giá 100 USD. Ví dụ như Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Pakistan là những nền kinh tế tiềm năng sẽ bị ảnh hưởng.

Sri Lanka, quốc gia không sản xuất dầu trong nước và phụ thuộc 100% vào nhập khẩu, cũng rất dễ bị ảnh hưởng nặng nề, ông Pavel nói thêm.

Người sáng lập Energy Aspects, Amrita Sen, cho biết: “Các quốc gia có ít ngoại tệ nhất và phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ bị thiệt hại nhiều nhất vì dầu được định giá bằng đồng USD"

Theo giám đốc của Eurasia Group, ông Henning Gloystein, châu Âu và Trung Quốc cũng không thoát khỏi nguy cơ bị ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ thấp hơn một chút do ngành sản xuất dầu trong nước vẫn tương đối phát triển, còn châu Âu thì phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân, khí đốt tự nhiên hay than đá nhiều hơn các nhiên liệu như dầu mỏ.

Thủy Bình

Theo CNBC

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/khi-gia-dau-len-100-usdthung-danh-sach-nhung-nuoc-hung-chiu-rui-ro-lon-nhat-20180504224282874.htm