Khi giấc mơ đổi đời của người Trung Quốc thành ác mộng

Từng là những nền tảng hứa hẹn sinh lời từ tiền nhàn rỗi, những sàn cho vay trực tuyến sụp đổ đã khiến nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc tan giấc mộng làm giàu.

Zhang Xue, một bà mẹ đơn thân 47 tuổi đã đầu tư vào một sàn cho vay trực tuyến bằng số tiền mà chồng bà để lại khi ông qua đời sau một cơn đau tim, chia sẻ với truyền thông Trung Quốc rằng bà đã mất toàn bộ khoản tiết kiệm cả đời trị giá 3,8 triệu Tệ (555.000 USD).

"Tôi sống hơn 40 năm rồi mà chưa từng hối hận hay tự trách bản thân như bây giờ. Tôi thấy chỉ vì ham lãi cao mà tôi đã đẩy con tôi vào đường cùng", Bà Zhang, người giờ không còn đủ tiền cho con đi học, chia sẻ.

Bà là một trong số 400 nạn nhân của sàn Touzhijia, một sàn cho vay trực tuyến đã phá sản vào tháng 7/2018 với khoảng nợ 26 triệu Tệ (3 triệu USD). Touzhijia là một trong 221 sàn cho vay trực tuyến tan vỡ trong tháng 7, so với số lượng 217 sàn tương tự trong cả năm 2017 theo số liệu từ Wangdaizhijia.

Kiếm tiền dễ, được chính quyền đảm bảo?

Trong những năm gần đây, rất nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc đổ tiền tiết kiệm của họ vào các nền tảng cho vay ngang hàng trực tuyến với những lời hứa hẹn về mức lãi suất cao. Trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro cho kinh tế Trung Quốc, các nhà chức trách tài chính nước này đã siết quản lý với những nền tảng cho vay trên, và rất nhiều sàn trong số đó sụp đổ vì không thể hoàn trả đủ tiền cho nhà đầu tư.

Nhiều sàn cho vay trực tuyến đã phải đóng cửa khiến hàng triệu nhà đầu tư Trung Quốc mất trắng. Ảnh: Reuters.

Nhiều sàn cho vay trực tuyến đã phải đóng cửa khiến hàng triệu nhà đầu tư Trung Quốc mất trắng. Ảnh: Reuters.

Theo SCMP, trong trường hợp của Li, một cổ đông lớn của Yonglibao, một sàn cho vay ngang hàng mà anh đã đổ tiền vào, sàn này đã bất ngờ biến mất vào giữa tháng 7/2018. Khoảng thời gian mà những người sáng lập sàn này bỏ lại văn phòng, sàn có khối lượng giao dịch lên tới 7,6 tỷ Tệ (khoảng 1,1 tỷ USD).

Người còn lại chia sẻ với Quartz rằng anh ta mất lượng tiền trị giá khoảng 50.000 USD vào một sàn có tên iqianjin.com

Cả hai người hi vọng một cuộc biểu tình tại Bắc Kinh sẽ khiến chính quyền để tâm và giúp đỡ họ thu hồi lại số tiền đã mất tại hàng chục sàn cho vay trực tuyến hiện đã bị đóng băng tài khoản từ tháng 7/2018.

Những sàn cho vay trực tuyến giờ có vẻ trông giống một hình thức lừa đảo, tuy nhiên trước đó chúng được quảng cáo như những công cụ tài chính đột phá bởi các quan chức lẫn các tập đoàn lớn của Trung Quốc. Bị thuyết phục, rất nhiều người, trong đó có cả những bà nội trợ hay những người trẻ đang cố gắng kiếm tiền để mua nhà, đã đổ tiền vào các sàn cho vay trực tuyến.

Trở lại thời điểm năm 2015, nhiều quan chức Trung Quốc công khai ủng hộ hình thức vay trực tuyến như một cách để phát triển tài chính Internet và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Bạn nên đặt dấu hỏi khi lãi suất ở mức trên 6%, trên 8% là dấu hiệu nguy hiểm và hãy chuẩn bị để mất toàn bộ tiền đầu tư nếu lãi suất trên 10%".

So sánh với vay ngân hàng truyền thống, các sàn cho vay trực tuyến có thể nhận các khoảng đầu tư nhỏ hơn từ người cho vay, trong khi lại cho người vay vay tiền dễ dàng hơn mà không quan tâm nhiều tới lịch sử tín dụng của họ.

Cộng hưởng với sự ủng hộ trên là hiệu ứng truyền miệng đã giúp các sàn cho vay trực tuyến thu hút hàng triệu người cho vay nhỏ lẻ và giúp Trung Quốc trở thành thị trường cho vay ngang hàng lớn nhất thế giới với tổng giá trị các khoản vay toàn thị trường đạt 1.200 tỷ Tệ (khoảng 175 tỷ USD) vào năm 2017.

Lượng các công ty hoạt động trong lĩnh vực vay trực tuyến tăng từ con số 10 vào năm 2010 lên hơn 3.000 công ty vào năm 2015 theo số liệu từ DBS. Tuy nhiên khi càng nhiều người chơi tham gia thị trường, đã xuất hiện những đơn vị đưa ra lãi suất cao vượt trội để cạnh tranh.

So sánh với mức lãi suất dưới 2% mà các ngân hàng Trung Quốc áp dụng, nhiều sàn cho vay trực tuyến hứa hẹn về mức lãi suất 10%. Các sàn này cũng khẳng định nếu nhà đầu tư kéo được thêm nhiều người vào hệ thống, lãi suất mà họ nhận được sẽ còn hấp dẫn hơn.

Một sàn cho vay trực tuyến thậm chí còn hứa hẹn về mức lãi suất 60% trước khi nhà sáng lập sàn này bỏ trốn vào tháng 6/2018 do sàn không thể chi trả khoản tiền 200 triệu tệ (29 triệu USD) cho các nhà đầu tư.

Một nhà đầu tư của sàn PaiPaiPai tại nhà riêng ở Thượng Hải. Ảnh: Reuters.

Cũng trong tháng đó, Chủ tịch Ủy ban điều tiết ngân hàng và bảo hiểm Trung Quốc đưa ra cảnh báo: "bạn nên đặt dấu hỏi khi lãi suất ở mức trên 6%, trên 8% là dấu hiệu nguy hiểm và hãy chuẩn bị để mất toàn bộ tiền đầu tư nếu lãi suất trên 10%".

Theo báo cáo của DBS, đây là những khoản cho vay mạo hiểm, những người vay tiền thường ở độ tuổi 20-39 tuổi, thu nhập khoảng 300-1.200 USD một tháng và gần như không có lịch sử tín dụng.

Sự thiếu minh bạch của các sàn này còn thể hiện qua việc người đầu tư không nắm được tiền của mình sẽ được sử dụng như thế nào. Các nhà đầu tư không rõ mô hình này sẽ hoạt động ra sao và việc Internet tại Trung Quốc bị kiểm soát quá chặt đóng một phần vai trò.

"Một công dân Trung Quốc điển hình đang phải đưa ra các quyết định mà khi thiếu thông tin, điều đó dẫn tới nhiều hành vi rất mạo hiểm", ông Jehan Chu, nhà sáng lập hãng đầu tư Kenetic Capital, chia sẻ. "Vì Internet tại Trung Quốc quá khép kín, nó có quá ít thông tin, đây không phải là nhận xét mà là sự thật", ông nói thêm.

Mắc kẹt

Theo số liệu của Wangdaizhija, trong năm 2017, có tới 217 sàn giao dịch cho vay trực tuyến đổ vỡ, trong khi chỉ riêng tháng 7 năm nay, con số sụp đổ lên tới 221 sàn.

Gian hàng quảng bá của Ezubao, từng là một trong những sàn cho vay trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, tại một hội chợ thương mại. Năm 2016, chính quyền Trung Quốc đóng cửa sàn này vì mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng, chiếm đoạt 7,5 tỷ USD của các nhà đầu tư. Ảnh: Reuters.

Con số tăng sốc trên bắt nguồn từ việc các nhà chức trách Trung Quốc siết quản lý với các sàn cho vay trực tuyến vào tháng 8/2016 để giảm thiểu rủi ro cho hệ thống tài chính. Những động thái này bao gồm kiềm chế dòng vốn đầu tư bất hợp lý ra nước ngoài của các tập đoàn Trung Quốc, cấm giao dịch tiền thuật toán và giảm nợ tại các doanh nghiệp công làm ăn thiếu hiệu quả.

"Giới chức Trung Quốc từ tháng 7 đã ban hành hàng loạt các quy định tài chính mới, và nhiều khả năng sẽ còn ban hành thêm trong thời gian tới", Yuanxin Liao, nhà phân tích từ Control Risks cho hay. "Sự lo lắng của những người biểu tình cũng như những nhà đầu tư đang gánh chịu rủi ro tương tự nhiều khả năng là yếu tố chính sẽ được ân nhắc khi soạn thảo luật".

Khi tin dữ lan rộng, các nhà đầu tư bắt đầu rút tiền về một cách hoảng loạn, tạo ra một vòng luẩn quẩn. Lấy ví dụ, theo Bloomberg, khi sàn Qian88.com ngừng cung cấp dịch vụ vào tháng 7, rất đông nhà đầu tư đã tới trụ sở của sàn tại Thẩm Quyến để đòi rút tiền và cảnh sát đã được điều động để giữ trật tự.

"Chúng tôi không thể không đặt câu hỏi, tại sao các sàn cho vay trực tuyến có nguồn gốc từ châu Âu và Mỹ, nhưng chỉ tại Trung Quốc chúng mới trở nên tồi tệ như vậy?"

Nhiều sàn cho vay trực tuyến khác cũng đang bị cảnh sát điều tra. Theo báo cáo của DBS, đợt "thanh tẩy" này có thể ghi nhận con số các sàn cho vay trực tuyến giảm từ 1.800 xuống tại thời điểm hiện tại xuống còn 300 sàn.

Trong sự tuyệt vọng, người Trung Quốc từ khắp nơi đã lén lút tập hợp để đến Bắc Kinh biểu tình. Những người này đối mặt với nguy cơ bị bắt giữ và bị liệt vào danh sách chịu giám sát trong tương lai dù họ có tổ chức biểu tình thành công hay không.

"Chúng tôi không thể không đặt câu hỏi, tại sao các sàn cho vay trực tuyến có nguồn gốc từ châu Âu và Mỹ, nhưng chỉ tại Trung Quốc chúng mới trở nên tồi tệ như vậy? Thật đáng xấu hổ, một chính sách từng được chính quyền ủng hộ lại trở thành thảm họa tài chính cho 10 triệu gia đình" - một nhà đầu tư viết trong lá thư ngỏ.

Ngô Minh
(Theo Quartz)

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khi-giac-mo-doi-doi-cua-nguoi-trung-quoc-thanh-ac-mong-post880431.html