Khi giới siêu giàu sẵn sàng chi bộn tiền để tránh dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều quốc gia vẫn tiếp tục hạn chế đi lại và du lịch. Tuy nhiên, điều này lại không phải là vấn đề của giới siêu giàu khi nhiều người vẫn sẵn sàng chi bộn tiền để có thể 'vượt rào'.

Việc sở hữu "thị thực vàng" là mục tiêu của nhiều người thuộc giới siêu giàu. (Nguồn: Reuters)

Đây cũng là xu hướng mới của giới thượng lưu – khi mà việc xin cấp thị thực không còn dựa trên quốc tịch hay quyền công dân mà dựa trên sự giàu có, độ “chịu chi” của khách hàng.

Ngành công nghiệp hái ra tiền

Trước Covid-19, các chương trình mua quyền công dân qua kênh đầu tư (CIPS) – hay còn gọi là “thị thực vàng” đang là ngành công nghiệp “hái ra tiền” tại nhiều quốc gia.

Thông qua việc sở hữu thị thực vàng, giới siêu giàu không chỉ đa dạng hóa hạng mục đầu tư bằng cách chuyển tiền tới một quốc gia khác, mà còn nhận được nhiều lợi ích của quyền công dân, bao gồm cả việc được cấp hộ chiếu mới.

Khoảng 5-10 năm trở lại đây, động lực chính thúc đẩy các cá nhân (những người có tài sản ròng từ 2 đến 50 triệu USD) tìm đến các dịch vụ CIP nhiều hơn phần lớn đến từ những ưu đãi hấp dẫn như quyền tự do đi lại, lợi ích về thuế, nền dân chủ cũng như các yếu tố liên quan đến chất lượng cuộc sống.

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát vào năm 2020 khiến cuộc sống của người dân thế giới thay đổi một cách sâu sắc, giới siêu giàu còn cân nhắc đến cả các yếu tố khác như chăm sóc y tế, năng lực phản ứng với dịch bệnh và nơi trú ẩn an toàn để đảm bảo kế hoạch dự phòng cho tương lai.

Kế hoạch B

“Giới siêu giàu luôn quan tâm đến những chính sách đảm bảo cho quyền công dân thứ hai, cho phép họ luôn có kế hoạch dự phòng. Bên cạnh đó, họ cũng quan tâm tới vấn đề chăm sóc y tế và sự chuẩn bị trước dịch bệnh”. Kênh CNN dẫn lời ông Dominic Volek, Giám đốc khu vực châu Á của Hãng tư vấn về quyền công dân và lưu trú toàn cầu Henley & Partners.

Theo ông Dominic Volek, giới siêu giàu không bao giờ chỉ lên kế hoạch cho 5 hay 10 năm mà “họ thường lên kế hoạch làm giàu và hưởng thụ cuộc sống cho 100 năm”.

Hãng Henley & Partners nhận định, hiện tượng ngày càng nhiều người quan tâm tới dịch vụ CIPS có thể xuất phát từ những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, vấn đề y tế, và thậm chí là những “dự đoán về ngày tận thế”.

Hãng này đã ghi nhận lượng yêu cầu mua dịch vụ CIP đã tăng kỷ lục 49% trong nửa đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái.

Điểm đến yêu thích

Montenegro & Cyprus là 2 cái tên quen thuộc nhất khi nhắc đến chương trình quyền công dân đặc biệt, với lượng người xin cấp quốc tịch tăng lần lượt 142% và 75% trong quý I/2020 so với quý IV/2019. Trong khi đó Malta vẫn duy trì là điểm đến được nhiều người quan tâm.

Nhiều người trong giới siêu giàu quan tâm tới Cyprus và Malta vì hai quốc gia này cho phép người xin nhập quốc tịch và gia đình họ quyền tự do đi lại trong EU. Không chỉ được tự do đi lại trong EU, việc là công dân của 2 quốc gia này còn cho phép họ hưởng một nền giáo dục và y tế chuẩn châu Âu.

Các chương trình cư trú tại Australia và New Zealand cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt do đã có những “xử lý tốt khủng hoảng trong đại dịch Covid-19”.

“New Zealand là quốc gia đã xử lý khủng hoảng dịch Covid-19 rất tốt so với một số điểm đến được ưa chuộng trước kia như Anh và Mỹ”, ông Dominic Volek chia sẻ.

Malta - điểm đến yêu thích của giới siêu giàu. (Nguồn: CNN)

Nuri Katz, người sáng lập hãng tư vấn tài chính quốc tế Apex Capital Partners cho biết, nhiều quốc đảo nhỏ ở vùng Caribe như Dominica, Antigua, Barbuda hay St Kitts cũng là những địa điểm được ưa thích do ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và kiểm soát dịch bệnh tốt hơn những quốc gia như Mỹ, Brazil, Ấn Độ… Mặt khác, các quốc đảo nhỏ này lại cung cấp các dịch vụ CIP không quá đắt đỏ và người đầu tư được tự do đi lại nhiều hơn.

“Nếu bạn có tài sản ròng từ 1-10 tỷ USD, các quốc gia ở khu vực Caribe sẽ là lựa chọn hàng đầu. Nếu bạn đầu tư hơn 100.000 USD tại Antigua và Barbuda, gia đình 4 người của bạn sẽ có cuốn hộ chiếu thứ hai trong vòng 4-6 tháng”, ông Dominic Volek dẫn chứng.

Do có rất nhiều ưu đãi, giá của dịch vụ CIP vì thế không hề “dễ chịu” khi giá của chương trình xin cư trú ở Australia tốn từ 1-3,5 triệu USD, trong khi để trở thành công dân của New Zealand, các nhà đầu tư sẽ phải “dốc túi” từ 1,9 – 6,5 triệu USD.

Trong gần 8 tháng qua, các khách hàng tới từ Ấn Độ, Nigeria, Lebanon đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là từ Mỹ. Số lượng nhà đầu tư Mỹ đã tăng 700% trong quý I/2020 so với quý IV/2019.

Theo CNN, một số người thuộc giới siêu giàu tìm đến dịch vụ CIP chỉ đơn giản là muốn tìm một nơi hẻo lánh và an toàn – nơi họ có thể cùng gia đình trú ẩn phòng khi một đại dịch khác bùng phát.

Lách luật cấm

Ông Nuri Katz cũng lưu ý về một trào lưu mới gần đây của giới siêu giàu: đầu tư mua quyền công dân để tăng khả năng đi lại trong tương lai. Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, một số quốc gia vẫn mở cửa nhưng chỉ cho phép công dân của một số nước được nhập cảnh. Phần lớn người châu Âu không thể bay qua Mỹ, hoặc ngược lại trong thời điểm này.

“Dù đây chỉ là tình trạng tạm thời, làm sao để điều chỉnh được những bất tiện này? Vậy là những người muốn có quyền tự do đi lại ở châu Âu bắt đầu nghĩ tới việc có thêm những quốc tịch khác”, ông Nuri Katz cho biết.

Năm 2017, ông Nuri Katz ước tính, có khoảng 5.000 người có nhu cầu mua quyền công dân ở nước ngoài qua dịch vụ CIP. Năm 2020, con số này ước tính gần 25.000 người.

Dù vậy, để có được “thị thực vàng”, quy trình thẩm định cũng rất khắt khe. Thông thường, những người xin quốc tịch sẽ phải trải qua quá trình đánh gia tài chính và lịch sử tư pháp để chắc chắn rằng tiền của họ là hợp pháp trước khi được duyệt cấp quyền công dân hoặc quyền cư trú. “Đơn cử như Malta, quốc gia này yêu cầu một quy trình thẩm định vô cùng nghiêm ngặt gồm 4 bước, bắt đầu bằng việc đánh giá của hãng Henley & Partners”, ông Dominic Volek thông tin.

Những người đề xướng dịch vụ CIP khẳng định, đây là chương trình “đôi bên cùng có lợi” khi những nhà đầu tư rót tiền vào các nước đang phát triển giúp bù lại những tổn thất do thiên tai, dịch bệnh hoặc đơn giản là giúp khởi động một số lĩnh vực của nền kinh tế.

Tuy nhiên, một số cho rằng, nhiều chương trình chưa thực sự minh bạch, rõ ràng. Năm 2018, tổ chức Minh bạch quốc Tế và Liên minh chống tham nhũng toàn cầu đã lên tiếng chỉ trích những chương trình đầu tư mua quyền công dân của Malta, Cyprus, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha khi cho rằng những chương trình này đang “bán quyền tự do đi lại trong khối Schengen, thậm chí là quyền công dân EU cho các nhà đầu tư nước ngoài mà thiếu sự kiểm tra, minh bạch và thẩm định kỹ lưỡng”.

(theo CNN)

Thu Hằng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khi-gioi-sieu-giau-san-sang-chi-bon-tien-de-tranh-dich-covid-19-121465.html