Khi giới trẻ dùng tiếng nước ngoài

Mới đây, ca khúc mang tựa đề 'See tình' của Hoàng Thùy Linh 'dậy sóng' không chỉ trong nước mà lan tỏa trên mạng xã hội, thu hút giới trẻ nhiều nước. Chưa bàn tới nội dung, nhịp điệu hay vũ đạo…, gói gọn trong tiêu đề bài hát, đã thấy cách 'chơi' của giới trẻ trong xu hướng hội nhập. Chữ 'see' được dùng như một cách chơi chữ. 'See' (động từ), trong tiếng Anh, nghĩa là: nhìn thấy, quan sát, xem, tưởng tượng, hiểu rõ; khi phát âm /si:/ - giống 'si' (tính từ) trong tiếng Việt, nghĩa là: mê mẩn, ngây dại, thường vì say đắm. Vậy thì ai hiểu gì đó hiểu! Nhưng rõ ràng, xét về cấu trúc từ tiếng Việt, 'See tình' là cách ghép từ gượng ép, vô nghĩa.

Việc sử dụng tiếng nước ngoài cần được nhận thức và ý thức rõ ràng hơn; qua đó thể hiện sự tôn trọng tiếng mẹ đẻ và giữ gìn tiếng Việt “trong sáng, giàu và đẹp”. Trong ảnh: Cô trò Trường THCS Nguyễn Bá Phát (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) trong giờ học Ngữ văn. Ảnh: XUÂN SƠN

Đây không phải là cách thức mới trong sự ghép từ một cách gượng ép, mà đã xuất hiện lâu nay, gây nên sự bất bình vì làm giảm sút sự trong sáng của tiếng Việt. Đó là việc hình thành những từ ghép vô nghĩa khi sử dụng từ Hán và Việt như “cát tặc”, “đinh tặc”, hay Hán và Nôm như “góa phụ”, rồi đến tiếng Anh và Việt như “Girl xinh”. Những từ ghép vô nghĩa do cách dùng tùy tiện đó không chỉ xuất hiện trong ngôn ngữ của giới trẻ, mà nhan nhản trên các phương tiện truyền thông, bảng hiệu, quảng cáo…; từ đó trở thành xu hướng lệch lạc trong xã hội hiện nay.

Trong làn sóng hội nhập mạnh mẽ của “thế giới phẳng”, việc du nhập, sử dụng ngôn ngữ khác ngoài tiếng mẹ đẻ là một xu thế tất yếu. Nhưng việc sử dụng như thế nào là vấn đề cần được quan tâm thường xuyên để tìm ra giải pháp bảo vệ sự tồn vong, trong sáng của tiếng mẹ đẻ, từ đó góp phần làm nên sự đa dạng, phong phú hệ ngôn ngữ trên thế giới. Quan sát cách dùng từ của giới trẻ Việt hiện nay, có thể thấy sự du nhập của tiếng Anh dần lấn át việc sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hằng ngày. Những từ: ship, check-in, chill, combo, free, menu, order, sale, livestream… được sử dụng với tần suất cao.

Xu hướng đó lan dần trong xã hội và có sức áp đảo, tác động đến các phương tiện truyền thông, quảng cáo, tiếp thị... dẫu rằng tiếng Việt không thiếu từ có nghĩa để sử dụng cho những từ tiếng Anh trên. Liệu rằng dùng từ “giao hàng” - phát âm 2 âm tiết, so với “ship” - phát âm 1 âm tiết, hay “người giao hàng” - 3 âm tiết, với “shipper” - 2 âm tiết, có phải là lý do để giới trẻ dùng tiếng Anh hay không? Trong trường hợp “đặt/ gọi món”, “thực đơn” - 2 âm tiết, với “order”, “menu” - 2 âm tiết, thì sao? Liệu rằng, có phải để đỡ bị cho là “nhà quê”, “lúa”…, phần đông chọn cách sử dụng từ tiếng Anh như là sự xác lập “đẳng cấp”, để “hòa đồng” trong giao tiếp xã hội của mình?

Tuy nhiên, có thể thấy, những từ tiếng Anh mới mang tính kỹ thuật, nghiệp vụ… khi du nhập vào Việt Nam, chưa được dịch nghĩa một cách ngắn gọn và đủ/rõ nghĩa, nên phải sử dụng trong giao tiếp, văn bản…, lâu ngày thành quen. Khi tra trên hệ thống ngôn ngữ, sẽ thấy những từ này rất khó có thể dịch ngắn gọn và trọn nghĩa, nên bắt buộc sử dụng từ tiếng Anh để bảo đảm nghĩa đầy đủ.

Ví dụ, trong văn bản chính thống, được chuẩn bị một cách công phu, kỹ lưỡng và tôn trọng tiếng Việt như văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc, vẫn phải sử dụng từ tiếng Anh “logistics”: “Tập trung phát triển mạnh một số ngành dịch vụ như: du lịch, thương mại, viễn thông, công nghệ thông tin, vận tải, logistics, dịch vụ kỹ thuật, dịch vụ tư vấn pháp lý...” (Trích Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng).

Trong quá trình thực hiện những nhiệm vụ Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 27-12-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn thành phố… đề ra, thiết nghĩ, việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt cần được quan tâm, đề cao; cần tiếp tục xây dựng các giải pháp cụ thể và triển khai một cách quyết liệt, đồng bộ. Trong đó, việc cần làm là chuyển ngữ các từ mới - chủ yếu là tiếng Anh, sang tiếng Việt một cách nhanh chóng, ngắn gọn, rõ nghĩa, dễ dùng… để lan tỏa trong giao tiếp, văn bản nói riêng và đời sống nói chung.

Các cơ quan truyền thông đại chúng, đơn vị, doanh nghiệp… cần tôn trọng, khuyến khích sử dụng tiếng Việt đúng đắn trong thực hiện công tác thông tin, quảng bá, giao tiếp…; không chạy theo xu hướng đơn giản, tiện lợi dẫn đến lệch lạc về sử dụng ngôn ngữ trong xã hội. Cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý trong quá trình thực hiện các quy định về sử dụng tiếng Việt; cập nhật, tham mưu ban hành những quy định mới phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập… Hãy ngừng “giật” tiêu đề hoặc sử dụng những từ tiếng Anh trong các bài báo, tin tức, trên các bảng hiệu, quảng cáo, tờ rơi, thực đơn…, mà tiếng Việt có sẵn, ngắn gọn, đủ nghĩa, dễ hiểu; vận động những người nổi tiếng, nghệ sĩ có ảnh hưởng lớn… hạn chế sử dụng các từ tiếng Anh trên phương tiện truyền thông đại chúng, trong tác phẩm hoặc trong giao tiếp của mình…

Việt Nam có lịch sử hàng ngàn năm chịu sự đô hộ, xâm lược của Trung Quốc, Pháp và Mỹ..., nên có thời kỳ việc sử dụng tiếng nước ngoài như sự cưỡng bức. Trong xu thế hội nhập hiện nay, với vị thế một nước độc lập về chủ quyền và có bản sắc về văn hóa, việc sử dụng tiếng nước ngoài cần được nhận thức và ý thức rõ ràng hơn; qua đó thể hiện sự tôn trọng tiếng mẹ đẻ và giữ gìn tiếng Việt “trong sáng, giàu và đẹp”…

ANH QUÂN

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202302/khi-gioi-tre-dung-tieng-nuoc-ngoai-3938153/