Khí hậu là một 'sòng bạc', vì sao?

Viện Hàn lâm Khoa học hoàng gia Thụy Điển đã trao giải Nobel Kinh tế 2018 cho hai nhà khoa học người Mỹ. Một trong hai người là William Nordhaus, Giáo sư kinh tế tại Đại học danh tiếng Yale, tác giả của cuốn sách có cái tên vô cùng nhức nhối, đề cập đến một vấn đề nghiêm trọng của loài người: Sòng bạc khí hậu!

Cha đẻ của kinh tế học về khí hậu

Nordhaus bắt đầu nghiên cứu tác động kinh tế của biến đổi khí hậu vào năm 1975 một cách hết sức tình cờ. Khi đó các nhà khoa học khí hậu mới đưa ra những cảnh báo sơ khai về sự nóng lên của trái đất do phát thải khí nhà kính.

Trong một lần đi công tác ở Vienna (Áo), Nordhaus ngồi cùng phòng làm việc với chuyên gia khí hậu Allan H. Murphy. Lần đầu tiên một vấn đề liên ngành hết sức phức tạp đã thu hút được sự quan tâm của một nhà kinh tế.

Nordhaus đã dành hơn 15 năm sau đó để phát triển mô hình định lượng đánh giá sự tương tác giữa kinh tế và khí hậu, tích hợp cả các lý thuyết và kết quả thực nghiệm từ vật lý, hóa học và kinh tế.

Các mô hình DICE và RICE của Nordhaus được cộng đồng khoa học toàn thế giới áp dụng rộng rãi để xác định chi phí và lợi ích của việc giảm khí nhà kính.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Tổng thống Pháp và các nhà lãnh đạo chào mừng việc đàm phán thành công Thỏa thuận Paris (2015).

Từ đó các phương án chính sách được đề xuất. Nordaus đã tiên phong đưa ra khung nghiên cứu kết hợp khoa học khí hậu, công nghệ và kinh tế để trả lời câu hỏi quan trọng: thế giới có thể làm gì để hạn chế biến đổi khí hậu?

Nghiên cứu của Nordhaus đã tạo cơ sở để xác định phí tốn xã hội của carbon. Theo Nordhaus, biến đổi khí hậu được coi là một loại “hàng hóa công cộng toàn cầu”. Ô nhiễm từ nhiên liệu hóa thạch được coi là tác động ngoại biên tiêu cực (negative externality), dẫn tới thất bại thị trường.

Thuế carbon áp dụng thống nhất toàn thế giới sẽ là một công cụ để làm nhiên liệu hóa thạch đắt đỏ hơn, do đó làm giảm việc sử dụng chúng cũng như ô nhiễm kèm theo.

Trong cuốn sách Sòng bạc khí hậu xuất bản năm 2013, Nordhaus viết “Khí hậu là một sòng bạc/ casino khi chúng ta đang đặt cược trái đất và chính loài người vào những rủi ro nghiêm trọng”. Tuy nhiên, ông viết tiếp: “Chúng ta không cần bước chân vào casino đó, và có thể bắt đầu hành động để giảm thiểu rủi ro”.

Các công trình nghiên cứu của Nordhaus đã thuyết phục được hầu hết các chuyên gia trong cộng đồng khoa học quốc tế. Sự thừa nhận lớn nhất đến từ việc ông được trao giải Nobel kinh tế năm 2018. Tuy nhiên Nordhaus buồn bã nói rằng ông không thuyết phục được chính phủ của chính nước mình.

“Các chính sách hiện tại là vô cùng lạc hậu, đi sau khoa học và yêu cầu thực tế rất xa”, Nordhaus phát biểu sau khi biết mình được giải Nobel. “Rất khó để lạc quan. Nước Mỹ còn đang đi thụt lùi với các chính sách thảm họa của Tổng thống Trump”.

Công trình bị chính quyền xóa sổ

Sau khi ông Trump nhậm chức tổng thống vào đầu năm 2017, công trình nghiên cứu của Nordhaus đã bị xóa khỏi trang web của Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), thay bằng một dòng thông báo “trang web đang được cập nhật”.

Bộ trưởng chủ nhiệm đầu tiên của EPA, Scott Pruit từng tuyên bố “biến đổi khí hậu không phải là do con người gây ra”. Khi còn làm tổng chưởng lý bang Oklahoma, Pruit từng kiện chính quyền ông Obama 13 lần nhằm ngăn cản các chương trình năng lượng sạch và các quy định chặt chẽ hơn về môi trường.

Bìa sách “Kinh tế học” đầu tiên được xuất bản sau đổi mới.

Sau khi được ông Trump bổ nhiệm làm Bộ trưởng Môi trường, Pruit đã cho xóa và sửa hơn 2.000 trang thông tin về biến đổi khí hậu trên trang web của EPA, bao gồm công trình của Nordhaus.

Các nhân vật cao cấp khác trong nội các của ông Trump đều có liên quan tới các ngành sử dụng nhiên liệu hóa thạch là than đá, dầu lửa và khí đốt. Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry từ lâu đã phủ nhận việc con người gây ra biến đổi khí hậu, và yêu cầu nghiên cứu tăng cường vai trò của nhiệt điện than trong hệ thống năng lượng quốc gia.

Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên Rex Tillerson từng là CEO của Tập đoàn Dầu khí ExxonMobil. Người thay thế ông ta hiện nay là cựu Giám đốc CIA Mike Pompeo, khi còn là hạ nghị sỹ, đã bỏ phiếu chống việc Mỹ tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Bản thân ông Trump từng tuyên bố vào năm 2012 “biến đổi khí hậu là một trò bịp của Trung Quốc, nhằm tấn công ngành sản xuất Hoa Kỳ”.

Ngay sau khi nhậm chức vài tháng, Trump tuyên bố Hoa Kỳ rút khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, khiến nước này trở thành nước duy nhất trong số 197 quốc gia đã ký kết năm 2015 nhưng không phê duyệt thỏa thuận này.

Các chương trình và kế hoạch môi trường triển khai từ thời ông Obama như Kế hoạch năng lượng sạch của Cục Bảo vệ môi trường, Hệ thống theo dõi Carbon của Cơ quan hàng không vũ trụ NASA… cũng bị ông Trump hủy bỏ.

Ngân sách năm 2018 cho Văn phòng năng lượng tái tạo bị cắt 72%. Kế hoạch năng lượng “America First” không nhắc tới năng lượng tái tạo mà chỉ đề cập tới năng lượng hóa thạch.

Năm 2012, chính quyền ông Obama đã đưa ra kế hoạch tăng tiêu chuẩn khí thải và tiêu thụ nhiên liệu cho xe hơi. Tuy nhiên năm 2018, Cục Bảo vệ môi trường tuyên bố các tiêu chuẩn này là không phù hợp và sẽ bị thay đổi.

Vẫn tiếp tục làm việc hết mình

Chỉ vài giờ trước khi Nordhaus được giải Nobel, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc công bố một báo cáo. Liên Hiệp Quốc khuyến nghị thế giới phải hành động khẩn cấp trước khi quá muộn.

Loài người còn 12 năm nữa để ngăn ngừa thảm họa lớn do biến đổi khí hậu gây ra. Chúng ta phải nhanh chóng chuyển đổi kinh tế thế giới để tránh làm cho trái đất nóng lên, làm tăng mực nước biển và gây ra các thiên tai như các trận lụt, các đợt nóng và các cơn bão với mức độ phá hoại ngày càng lớn.

Kết quả nghiên cứu của Giáo sư Nordhaus được sử dụng nhiều trong báo cáo này.

Giáo sư Nordhaus.

Vào đầu năm 2018, ở tuổi 77, Giáo sư Nordhaus công bố một nghiên cứu khoa học mới nhất về khối băng đảo Greenland. Đây là hòn đảo lớn nhất thế giới tồn tại dưới hình thức một khối băng khổng lồ với diện tích 1,76 triệu km² (gần gấp 6 lần diện tích Việt Nam) và độ dày 1.667m. Nếu toàn bộ 2,85 triệu km³ này tan chảy, mực nước biển sẽ tăng 7m và làm ngập lụt nhiều vùng đất con người đang sinh sống.

Hiện nay, mỗi năm băng đảo Greenland mất 280km³, làm nước biển tăng 0,8mm. Nordhaus cho rằng, việc làm giảm sự nóng lên của trái đất giúp khối băng tái tạo rất chậm, chỉ bằng 1 phần 10 tốc độ tan chảy trong thời gian vừa qua.

Từ góc độ chính sách và kinh tế, việc khối băng tan chảy dần là một quá trình gần như không thể đảo ngược vào thời điểm này. Thế giới cần những chính sách và hành động mạnh mẽ để ngăn chặn sự tan chảy mang tính thảm họa của băng đảo Greenland.

Các nước lớn cần bỏ qua lợi ích ngắn hạn

Việt Nam là một quốc gia tích cực và có trách nhiệm trong việc chuẩn bị và ký kết Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Từ cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định về việc ban hành kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Kế hoạch bao gồm 68 nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ban ngành để triển khai từ nay đến 2030.

Nhờ các chính sách cụ thể của Chính phủ, Việt Nam đang là một thị trường hấp dẫn cho đầu tư điện mặt trời và điện gió, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Chúng ta không có lựa chọn nào khác, vì Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước chịu tác động nhiều nhất của biến đổi khí hậu.

Theo một số nghiên cứu, từ nay đến cuối thế kỷ 21, việc nước biển dâng do trái đất nóng lên có thể gây ngập 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng, trực tiếp tác động đến 20-30 triệu người dân.

Việt Nam hy vọng cộng đồng quốc tế sẽ tiếp tục các nỗ lực nghiên cứu về ứng phó biến đổi khí hậu một cách nghiêm túc. Các nước lớn cần bỏ qua các lợi ích ngắn hạn để hành xử có trách nhiệm với tương lai của nhân loại, như Giáo sư Nordhaus đã khuyến nghị.

Nhiều lãnh đạo Việt Nam đọc sách của Nordhaus

Giáo sư Nordhaus là tác giả của hơn 20 đầu sách. Ông là đồng tác giả, cùng với nhà kinh tế lỗi lạc Paul Samuelson của cuốn sách kinh điển “Kinh tế học”. Đó là quyển sách giáo khoa được sử dụng rộng rãi nhất trong lịch sử giáo dục đại học Mỹ, được dịch ra 17 thứ tiếng khác nhau.

Năm 1989, Bộ trưởng Ngoại giao lúc đó là ông Nguyễn Cơ Thạch đã mang sách này về Việt Nam, giao cho một nhóm nghiên cứu dịch sang tiếng Việt. Đây là sách kinh tế học hiện đại đầu tiên được xuất bản sau đổi mới, từng được các lãnh đạo cao nhất thời kỳ đầu những năm 1990 như Đỗ Mười và Võ Văn Kiệt đọc kỹ.

Phạm Ngọc Thắng

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/khi-hau-la-mot-song-bac-vi-sao-518629/