Khi hổ dữ thành ông mối

Trần Quang Diệu (còn có tên khác là Trần Văn Đạt) sinh ra trong một gia đình khá giả ở vùng Tiên Phước (nay thuộc tỉnh Quảng Nam).

Là người thông minh, cơ biến, lại sớm có sức khỏe gấp nhiều lần người khác. Lên 10 tuổi, cậu bé Trần Quang Diệu đã làu thông kinh sử. Thấy vậy, thân sinh định cho cậu theo học một bậc đại nho, nhưng cậu từ chối:

- Thưa cha, thiên hạ ngày nay đang lúc nhiễu nhương, chúa ngày càng ngu tối, ăn chơi xa xỉ, Trương Phúc Loan lạm quyền, nhân dân bị bần cùng hóa không còn đường sống, đất nước sắp loạn. Con muốn theo học võ để chờ cơ hội cứu vớt dân lành...

Nghe những lời khảng khái của con, cha mẹ chàng rất đẹp lòng, cho con được tùy ý. Trần Quang Diệu khăn gói trên vai, đến bái một vị võ sư nổi tiếng trong vùng làm thày học.

Chẳng bao lâu, Trần Quang Diệu đã thành thạo mười tám thứ binh khí, lại tinh thông thao lược, thành thạo binh thư. Nghe tin ở đất Tây Sơn (Bình Định), 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đang âm thầm tập hợp lực lượng, tích trữ lương thảo, chờ thời cơ dựng cờ khởi nghĩa để cứu vớt nhân dân ra khỏi cơn nước lửa, Trần Quang Diệu từ biệt thày học, về quê lạy chào cha mẹ rồi đánh đường vào Tây Sơn tìm chủ, kiến công lập nghiệp.

Từ nhà vào Bình Định toàn là đường rừng, vô cùng hiểm trở, có hôm cả ngày không nhìn thấy ánh mặt trời. Nhưng bất chấp, chàng cứ băng rừng mà đi. Một hôm, đang đi, bất chợt trong bụi rậm có một tiếng gầm lớn, rồi một con hổ to như con bò mộng, toàn thân màu vàng có những vằn trắng nhẩy ra, nhằm thẳng đầu chàng chụp xuống.

Chàng vội lùi lại mấy bước, lấy thế, trụ vững hai chân, dùng tay không chiến đấu với dã thú. Người và vật quần nhau hồi lâu, tuy đã đấm được chúa sơn lâm nhiều quả vào đầu, nhưng con hổ đói quá hung dữ cũng đã cào được chàng mấy nhát. Móng vuốt của con hổ sắc như những lưỡi dao cạo đã khiến da thịt chàng bị rách, máu chẩy xối xả, sức chàng dần dần đuối.

Đang lúc nguy cấp, chợt nghe tiếng quát lớn, rồi một người con gái cầm một thanh kiếm nhẩy tới, đứng chắn trước mặt chàng. Tưởng có kẻ đến cướp mồi, chúa sơn lâm gầm lên một tiếng lớn, nhẩy vọt tới định ăn tươi nuốt sống cô gái. Nhưng chỉ sau hai nhát kiếm chí mạng, con hổ dữ đã gục chết. Khi chúa sơn lâm giẫy giụa những cái cuối cùng thì mắt chàng trai cũng hoa lên, chàng ngã xuống rồi không biết gì nữa.

Khi tỉnh lại, Trần Quang Diệu thấy mình đang nằm trên một cái chõng, những vết thương trên người chàng đã được rịt thuốc, băng bó. Nghe tiếng chàng cựa mình, một cô gái chạy lại. Chính là người con gái đã giết hổ, cứu chàng. Lúc này chàng mới có dịp nhìn kỹ, thấy cô gái chừng hai mươi tuổi, có khuôn mặt trái xoan, sáng sủa như trăng rằm và đôi mắt đen lay láy. Chàng hỏi:

- Đây là đâu? Sao tôi lại ở đây?

- Đây là nhà em. Chàng bị con thú dữ đánh bị thương nặng, ngất đi, hôm nay đã là ngày thứ ba rồi. Ơn trời, thế là chàng đã tỉnh lại. Chàng thấy trong người thế nào?

- Cảm ơn nàng đã cứu tôi. Nếu không có nàng, thì thân tôi đã táng trong bụng dã thú rồi.

- Có gì mà phải cám ơn. Giữa đường gặp người hoạn nạn, cứu giúp nhau là chuyện thường tình, xin hỏi chàng quê ở đâu ta? Tên họ là gì? Sao lại đến chỗ rừng thiêng nước độc thế.

Nghe chàng trai xưng tên, nói quê quán và lý do tìm đến Tây Sơn, nàng tỏ vẻ vui mừng:

- Em là Bùi Thị Xuân, cô em là vợ chú hai Hồ Thơm (tức Nguyễn Huệ), nên em gọi chú là chú. Chàng cứ ở đây điều dưỡng vài ngày cho khỏe hẳn, rồi em sẽ dẫn chàng đến chỗ chú hai.

Nghe tin người con trai được con gái mình cứu thoát khỏi nanh vuốt hổ dữ đã tỉnh, thân sinh nàng, ông Bùi Đắc Chi, vội vã đến thăm. Nhìn thấy chàng trai khôi ngô tuấn tú, có sức khỏe phi thường, ông rất hài lòng. Qua ông, Trần Quang Diệu biết chàng đang ở làng Xuân Hòa (nay là thôn Phú Xuân, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), rất gần với chỗ ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ. Và cũng qua ông, chàng được biết Bùi Thị Xuân là một cô gái giỏi cả văn lẫn võ, đặc biệt là giỏi ba môn là kiếm thuật, bắn cung và huấn luyện voi chiến. Những con voi rừng, dù hung dữ đến đâu, nhưng đã vào tay nàng, thì đều bị khuất phục. Vì rất giỏi kiếm thuật nên chỉ hai nhát kiếm, nàng đã hạ gục chúa sơn lâm. Và cũng vì ham mê võ nghệ nên tuy đã 20 tuổi, nàng vẫn chưa yên bề gia thất, trong khi con gái trong vùng chỉ mới mười bẩy, mười tám đã lấy chồng, thậm chí đã con bồng con mang. Song thân nhiều lần thúc giục, nhưng mỗi lần nghe thúc giục, nàng đều chỉ nói:

- Thưa cha mẹ. Bà Trưng có chồng chứ bà Triệu có chồng đâu.

Ông Bùi Đắc Chi ra lệnh xả thịt con hổ dữ, lấy gân hầm cho Trần Quang Diệu tẩm bổ, và lọc xương hổ nấu cao cho chàng uống. Nhờ thế, chỉ sau nửa tháng, chàng đã hồi sức, các vết thương đã lành hẳn.

Rồi chàng theo Bùi Thị Xuân đến gặp Nguyễn Huệ. Với con mắt tinh đời, vừa nhìn thấy chàng, thủ lĩnh Tây Sơn đã biết ngay đây là một dũng tướng tài năng, ông lập tức giao cho Trần Quang Diệu huấn luyện một đội quân, đồng thời giao cho Bùi Thị Xuân huấn luyện một đội nữ binh và xây dựng một đội tượng binh.

Thấy thời cơ đã đến. Năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ dựng cờ khởi nghĩa. Tuy ít người, nhưng được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, nhất là những người dân đang bị bần cùng dưới sự đô hộ hà khắc của chúa Nguyễn và quyền thần Trương Phúc Loan, nghĩa quân nhanh chóng phát triển lực lượng. Đi đến đâu, nghĩa quân cũng lấy của bọn tham quan, lại nhũng, chia cho người nghèo, nên đánh đâu thắng đó. Kể từ khi Tây Sơn dựng cờ, Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân luôn luôn sát cánh bên ba vị thủ lĩnh. Năm 1773, nhờ mưu trí tài tình, quân Tây Sơn chiếm được thành Quy Nhơn, một thành trấn quan trọng, có vị trí chiến lược của xứ đàng trong. Trong tiệc mừng công, Nguyễn Huệ bảo Bùi Thị Xuân:

- Chú xem cháu và Trần Quang Diệu thật xứng đôi vừa lứa. Cháu cũng đã đến tuổi lấy chồng rồi. Nếu cháu ưng ý, thì chú sẽ đứng ra làm ông mối xe duyên cho hai đứa.

Nàng Xuân đỏ mặt, nhè nhẹ gật đầu. Hay tin đó, chủ soái là Nguyễn Nhạc cũng rất vui, ông đích thân đứng ra làm chủ hôn cho họ. Đêm tân hôn, Bùi Thị Xuân bảo chồng:

- Vợ chồng ta có ông mối là chú hai Thơm, nhưng chàng đừng quên một ông mối khác. Đó chính là con hổ dữ. Chính nhờ nó mà vợ chồng mình biết nhau.

Sau lễ cưới, cả hai lại lên đường theo anh em Tây Sơn chinh chiến. Cả Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân đều được phong làm đô đốc.

Cơ đồ của chúa Nguyễn ở phía Nam hoàn toàn sụp đổ. Vợ chồng Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân lại theo Nguyễn Huệ ra bắc diệt nhà Trịnh, và khi nghe tin Lê Chiêu Thống rước quân Thanh về dầy mả tổ, năm Kỷ Dậu (1789) Nguyễn Huệ đã lên ngôi vua, tức là Quang Trung Hoàng đế, rồi dẫn quân ra bắc tiêu diệt quân Thanh. Trong đội hình tiến quân, đô đốc Trần Quang Diệu theo vua ở đạo trung quân, còn Bùi Thị Xuân được lệnh dẫn một đội tượng binh phục ở đầm Mực (làng Quỳnh Đô, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội). Khi đội trung quân của vua Quang Trung tấn công như vũ bão vào Thăng Long, thì một cánh quân Thanh chạy dạt vào đầm Mực, bị đô đốc Bùi Thị Xuân thúc đội tượng binh dầy chết hàng vạn tên.

Vợ chồng Trần Quang Diệu - Bùi Thị Xuân đã sát cánh bên nhau, cho đến tận ngày nhà Tây Sơn sụp đổ.

NHÀ VĂN VŨ HỮU SỰ (Kiến thức gia đình số 13)

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/khi-ho-du-thanh-ong-moi-post238979.html