Khi học sinh phản ánh cái sai của giáo viên phải ra đi

Chấp nhận thiệt thòi và tổn thương, Phạm Song Toàn buộc phải chuyển trường để mong được học hành bình thường. Kết cục này khiến nhiều người lớn băn khoăn, day dứt.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM: 'Các em đang bị bạo hành' Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu cho rằng cô giáo lên lớp không nói gì là bạo hành về tinh thần.

Tại buổi đối thoại với lãnh đạo ngành giáo dục, nữ sinh Phạm Song Toàn (lớp 11, THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, TP.HCM) bật khóc thốt lên rằng: "Chúng con chỉ muốn được dạy dỗ bình thường như các bạn. Bình thường thôi cũng được, như vậy đã là quá đủ đối với con rồi".

Sau nhiều áp lực và tổn thương vì phản ánh cô giáo dạy Toán Trần Thị Minh Châu không giảng bài suốt hơn 3 tháng, Toàn buộc phải chuyển trường để được học tập bình thường như bạn bè cùng trang lứa.

Khi người trung thực phải ra đi

Gần 2 tuần sau khi nói lên sự thật, dù rất cố gắng, Song Toàn đã không chịu được áp lực tâm lý từ bạn bè, thầy cô, dư luận.

Toàn dũng cảm nói lên sự thật để bảo vệ quyền được học tập chính đáng của mình và các bạn trong lớp, nhưng chính một số học sinh của lớp em lại quay lưng, thậm chí lên án nữ sinh. Cay đắng hơn, có ý kiến cho rằng người phải đi là học sinh phản ánh tiêu cực chứ không phải giáo viên hành xử tiêu cực.

Toàn bật khóc khi nói về cô giáo dạy Toán của mình. Ảnh: Minh Nhật.

Toàn bật khóc khi nói về cô giáo dạy Toán của mình. Ảnh: Minh Nhật.

Trên trang Facebook cá nhân của mình, ông Nguyễn Quốc Vương - nghiên cứu sinh tiến sĩ về giáo dục lịch sử tại ĐH Kanazawa (Nhật Bản) - cho biết "chiến tranh lạnh", tẩy chay, nói xấu sau lưng, cô lập... là chiêu bài thường được sử dụng để những "kẻ lạc loài" biết tay.

"Cơ bản là các bản báo cáo luôn đẹp. Cuối năm, danh hiệu vẫn đều đều. Con số rất 'ngon'. Khi em nói ra, ban giám hiệu không thích, giáo viên khác không thích, phụ huynh cũng không thích và rồi bạn bè cùng lớp cũng không thích", ông Vương nêu quan điểm về trường hợp của em Song Toàn.

Gia đình đã nộp đơn xin chuyển trường cho Phạm Song Toàn và được tiếp nhận. Nữ sinh sẽ chuyển trường từ thứ hai tuần tới.

Ông Trần Minh Bình, hiệu trưởng THPT Long Thới, cho biết đơn xin chuyển trường đã chuyển về Sở GD&ĐT TP.HCM.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT, nhà trường, thầy cô, bạn bè đã tạo ra áp lực vô hình với nữ sinh.

"Việc học sinh phản ánh về tiêu cực của giáo viên trước lãnh đạo sở giáo dục thành phố, nhất là đối với học sinh cùng trường, là chuyện 'tày đình'. Bởi vì, học sinh đó đã phá vỡ cái 'lệ' bất thành văn trong giáo dục: Thầy cô là uy quyền tuyệt đối trong lớp học. Đằng này, học trò lại phản ứng trước một diễn đàn khá lớn", TS Vinh nói.

Theo ông Vinh, nhà trường và ngành giáo dục TP.HCM nợ Song Toàn và lớp của em một lời xin lỗi, vì một giáo viên vừa yếu về nghiệp vụ vừa kém phẩm chất. Họ phản ứng dứt khoát hơn đã không để lại ảnh hưởng tâm lý quá lớn đến Toàn.

Học sinh dũng cảm đấu tranh vì lợi ích của bản thân và các bạn lẽ ra phải được lãnh đạo trường, sở và thầy cô ủng hộ, khen ngợi tinh thần trung thực, thì cuối cùng lại nhận kết quả buồn.

Ông Nguyễn Quốc Vương cũng cảnh báo thực trạng một số người im lặng hoặc ngấm ngầm cô lập cá nhân dám nói lên sự thật sẽ tạo điều kiện cho cái xấu sinh sôi, nảy nở.

Nhiều người chọn sống cùng cái sai?

Trong cuộc họp bất thường về vụ việc này hôm 6/4, bà Nguyễn Thị Thu - phó chủ tịch UBND TP.HCM - đặt câu hỏi khiến nhiều người phải suy nghĩ: “Việc em Toàn phản ánh đúng nhưng tại sao hơn một nửa lớp lại muốn để cô Châu tiếp tục đứng lớp? Như vậy, việc đúng cũng không biết bảo vệ, việc sai cũng im lặng. Chúng ta đào tạo ra một thế hệ thế nào? Những công dân tương lai sẽ như thế nào?”.

Bà Thu lo sợ sẽ xảy ra hai tình huống xấu với em Toàn. Thứ nhất, bạn bè kỳ thị, nhiều khả năng em sẽ bị cô lập trong trường. Thứ hai, sau này, nhà trường bị đánh giá thi đua không như mong muốn, sẽ xem đó là lỗi của Toàn.

Việc em Toàn phản ánh đúng nhưng tại sao hơn một nửa lớp lại muốn để cô Châu tiếp tục đứng lớp? Như vậy, việc đúng cũng không biết bảo vệ, việc sai cũng im lặng. Chúng ta đào tạo ra một thế hệ thế nào? Những công dân tương lai sẽ như thế nào?

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu

Những người theo dõi vụ việc từ ngày đầu có thể nhìn ra việc em chuyển trường gần như là kết cục trong dự liệu.

Những lo lắng của bà Thu và gia đình nữ sinh hoàn toàn có cơ sở. Sau phản ánh của Toàn, cả ngôi trường, cũng như từng cá nhân bị ảnh hưởng ít nhiều. Sau tất cả, nếu tiếp tục ở lại, Toàn sẽ là "dị biệt". Điều đáng buồn là áp lực lớn nhất đối với em lại đến từ các bạn trong lớp.

Hơn một nửa lớp vẫn muốn cô Châu tiếp tục giảng dạy. Toàn nghĩ gì về điều này? Tại sao bạn bè em lại chọn đứng về phía cái sai để kỳ thị người đòi quyền lợi chính đáng?

Không hẳn học sinh sợ hãi, không hẳn vì bị tác động nhưng vì sự việc không ảnh hưởng các em nên một số bạn không muốn lên tiếng. Ngược lại, sự dũng cảm của Toàn khiến hơn một nửa lớp "nghỉ chơi".

Đến nay, thành tích, điểm kiểm tra môn Toán của lớp này vẫn rất tốt và không có gì bất thường, theo như lời thầy hiệu trưởng Trần Minh Bình. Nghĩa là, một bộ phận học sinh lớp 11A1 không bị ảnh hưởng bởi lỗi của cô Châu? Vì không ảnh hưởng bởi cái sai nên các em không nhận thức được và chấp nhận sống cùng với nó? Vô tình, việc em Toàn lên tiếng mang lại rắc rối cho lớp và kết cục ra sao thì đã rõ.

Có thể, không phải chính nghĩa thất bại nhưng rõ ràng sự trung thực, lòng dũng cảm không thể sống giữa nơi mà người ta chấp nhận cái sai để đổi lấy bình yên.

Nữ sinh bật khóc khi kể về cô giáo Cô giáo dạy Toán đến lớp không giảng bài, không trao đổi với học sinh khiến học sinh bức xúc.

Minh Nhật

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khi-hoc-sinh-phan-anh-cai-sai-cua-giao-vien-phai-ra-di-post832521.html