Khi kẻ trộm là người thân...

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh thường xảy ra các vụ trộm cắp tài sản mà thủ phạm chính là người thân trong gia đình. Điều này không chỉ đẩy người phạm tội vào vòng lao lý mà còn gây ảnh hưởng đến mối quan hệ gia đình.

Bị cáo Đỗ Quang Liêm bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên phạt 11 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Ảnh: T.Tâm

Hầu hết tại các phiên tòa xét xử về hành vi trộm cắp tài sản liên quan đến người thân, các bị cáo đều cho rằng, khi lấy trộm tài sản của người thân, các bị cáo cứ nghĩ nếu bị phát hiện thì chỉ xin lỗi rồi giải quyết nội bộ trong gia đình là xong. Không ít bị cáo không nghĩ lấy tài sản của người thân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đến khi biết thì đã quá muộn.

* Trộm tài sản của người thân...

Tòa án nhân dân tỉnh vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm hình sự và tuyên phạt bị cáo Đỗ Quang Liêm (39 tuổi, ngụ phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) 11 năm tù về tội trộm cắp tài sản.

Theo cáo trạng, ông Đỗ Lê Thành là chú ruột của Liêm và cùng sống tại căn nhà ở phường Bửu Long (TP.Biên Hòa). Biết ông Thành có tiền trợ cấp từ Mỹ gửi về và thường nhờ Liêm chở đi ngân hàng lĩnh tiền mang về cất giữ ở tủ quần áo trong phòng ngủ nên Liêm nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền.

Trung tá Lê Hồng Hải, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa khuyến cáo, thông thường những đối tượng trộm cắp tài sản là do nghiện ma túy, mê cờ bạc, ăn chơi, lười lao động… Do đó, nếu phát hiện trong gia đình có thành viên có nguy cơ phạm tội cao thì cần phải cất giữ tài sản cẩn thận và khi xảy ra vụ việc thì trình báo công an để bắt giữ nhằm răn đe, xử lý và ngăn chặn các đối tượng tẩu tán tài sản, khó thu hồi được.

Vào ngày 5-12-2018, lợi dụng lúc ông Thành vắng nhà, Liêm đã cạy cửa đột nhập vào phòng ngủ của ông Thành lấy trộm 550 triệu đồng và 3,4 ngàn USD. Số tiền lấy được Liêm tiêu xài và trả nợ hết. Sau khi phát hiện sự việc, ông Thành đã trình báo công an. Đến ngày 9-4, Liêm ra đầu thú.

Tại phiên tòa xét xử, bị cáo Liêm cho rằng, bản thân vì lòng tham nhất thời và nghĩ đến việc lấy trộm tiền của người thân trong gia đình sẽ không phải lãnh án tù nên mới thực hiện. “Bị cáo nghĩ cứ lấy trộm trước mắt rồi sau này làm có tiền sẽ trả lại cho chú, nhưng không ngờ bị cáo phải lãnh mức án quá nặng” - bị cáo Liêm bày tỏ sự hối hận.

Trao đổi về tình trạng trộm cắp tài sản của người thân trong gia đình, Trung tá Lê Hồng Hải, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP.Biên Hòa cho rằng, việc đề phòng người thân thực hiện hành vi trộm cắp tài sản là điều khó khăn bởi lẽ mọi hoạt động trong gia đình đều nằm trong tầm kiểm soát của đối tượng và thường tin tưởng lẫn nhau nên thiếu phòng ngừa.

Đơn cử như trường hợp bà Đỗ Thị Phụng (ngụ phường Phước Tân, TP.Biên Hòa) bị mất hơn 60 triệu đồng nhưng không phát hiện các dấu vết của kẻ gian đột nhập, cạy cửa. Đến khi công an vào cuộc điều tra thì bà Phụng không khỏi bất ngờ khi thủ phạm chính là cháu ruột của bà là Nguyễn Hiếu Lễ (23 tuổi), sống cạnh nhà bà.

Làm việc với công an, Lễ khai nhận, hằng ngày, Lễ biết bà Phụng đi vắng thường để chìa khóa nhà trên hàng rào nên nảy sinh ý định trộm cắp tài sản. Vào ngày 26-6, khi bà Phụng đi vắng, Lễ lấy chìa khóa, đột nhập vào nhà của bà Phụng lấy trộm số tiền hơn 60 triệu đồng. Lấy được tài sản, Lễ khóa cửa lại như cũ và mang tiền đi mua vàng, tiêu xài cá nhân hết. Đến tháng 7-2019, Lễ bị bắt khẩn cấp và bị khởi tố về tội trộm cắp tài sản.

* ... Vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Một thẩm phán của Tòa án nhân dân tỉnh cho rằng, qua xét xử các vụ án trộm cắp tài sản của người thân cho thấy, phần lớn các bị cáo đều nghĩ rằng, vì mối quan hệ trong gia đình nên nếu hành vi phạm tội bị phát hiện thì có thể xin người thân bỏ qua không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, pháp luật không căn cứ vào quan hệ ruột thịt giữa người phạm tội và bị hại mà chỉ căn cứ vào hành vi, hậu quả để xem xét có phạm tội hay không. Qua đó nhằm ngăn ngừa, đấu tranh, phòng chống tội phạm và xử lý nghiêm để giáo dục mọi người có ý thức tuân thủ pháp luật.

Luật sư Vũ Văn Tăng, Đoàn Luật sư Đồng Nai phân tích, tùy theo tính chất, mức độ mà pháp luật quy định mức xử phạt đối với hành vi trộm cắp tài sản khác nhau và không loại trừ trộm cắp tài sản của người thân. Cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội trộm cắp tài sản là giá trị tài sản trộm cắp phải từ 2 triệu đồng trở lên và mức phạt có thể lên tới 20 năm tù; đồng thời người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng.

“Trong trường hợp lấy trộm tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, bị kết án về tội trộm cắp tài sản, cướp tài sản, công nhiên chiếm đoạt tài sản… mà chưa được xóa án tích thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự” - luật sư Tăng nhấn mạnh.

Tố Tâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201911/khi-ke-trom-la-nguoi-than-2975634/