Khi kinh tế số trở thành một nền kinh tế

Tại hội thảo lên quan đến chủ đề dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Hiệp hội Điện toán đám mây châu Á tổ chức mới đây tại Hà Nội, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đều có chung nhận định, nền kinh tế số giờ đây đã không còn là nhân vật phụ của 'sân khấu' kinh tế thế giới mà đã thực sự trở thành một nhận vật chính, một nền kinh tế theo đúng nghĩa của từ này.

Kinh tế số đã trở thành xu thế mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0

Trong bối cảnh như thế thì luồng dữ liệu xuyên biên giới tạo ra cơ hội to lớn cho các nhà khởi nghiệp và những nhà đổi mới sáng tạo công nghệ tại các nước đang phát triển để gây dựng nên những doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng và nguồn thu vượt xa ra khỏi biên giới quốc gia. Tuy nhiên, các nhà khởi nghiệp và sáng tạo công nghệ chỉ có thể cạnh tranh ở cấp độ quốc tế nếu họ có thể tiếp cận các tài nguyên số có giá trị nhất và có thể chia sẻ sản phẩm của mình với đối tượng khán giả ở cấp độ rộng rãi nhất. Điều này đúng cả với các nhà khởi nghiệp tại các nước đang phát triển lẫn các nước phát triển.

Việt Nam hiện được xem là quốc gia có khung pháp lý còn tương đối khép kín với luồng dữ liệu xuyên biên giới. Là người được coi là mở đường cho Internet tại Việt Nam, TS Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) thẳng thắn cho rằng xu hướng như hiện tại “quản rồi mới mở” là đáng ngại. “Nếu lo lắng về bảo vệ dữ liệu cá nhân, an toàn thông tin mạng… mà tính đến quản lý dữ liệu xuyên biên giới sẽ gây ra nhiều rào cản hạn chế sự phát triển”, ông Trực nói. Theo ông quản lý viễn thông, quản lý Internet thực chất là quản lý dữ liệu mà kinh tế số là nền kinh tế dựa trên dữ liệu.

Mối lo của ông Mai Liêm Trực cũng như nhiều chuyên gia kinh tế khác có thể được cụ thể hóa bằng các con số. Theo bà Lim May Ann, Giám đốc điều hành Hiệp hội Điện toán đám mây châu Á, việc hạn chế dòng dữ liệu xuyên biên giới có thể làm Việt Nam thiệt hại ước tính 1,7% GDP, 3,1% trong đầu tư trong nước và tổn thất 1,5 tỷ USD giá trị phúc lợi tiêu dùng, vì vậy, Việt Nam không nên thắt chặt quản lý dữ liệu xuyên biên giới

Chia sẻ quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cho rằng, để kinh tế số phát triển, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng, nhà nước cần đóng vai trò là một cơ quan thúc đẩy sự phát triển thay vì cơ quan quản lý rủi ro. "Quản lý phải đi sau, phục vụ cho kinh tế số phát triển, chứ không phải đưa ra những chính sách "cản trở" sự phát triển", ông Tuyển nói.

Bởi trên thực tế, dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới giúp tăng cường năng suất và cơ hội kinh doanh cho tất cả các ngành nghề của nền kinh tế. Chẳng hạn với ngành logistics, doanh nghiệp có thể dùng công nghệ Google Maps kết hợp với công nghệ đám mây để tối ưu hóa tuyến đường và liên lạc cho khách hàng tại Việt Nam. Trong ngành du lịch, các công ty có thể kết nối khách du lịch với các hướng dẫn viên du lịch là người dân bản địa tại nhiều thành phố trên thế giới nhờ việc sử dụng dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/khi-kinh-te-so-tro-thanh-mot-nen-kinh-te.html