Khi 'lâm tặc' trở thành nhân viên giữ rừng

Để giữ rừng tận gốc tốt hơn, Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại đã tuyển một số con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn vào làm nhân viên bảo vệ rừng (BVR). Nhờ được tăng cường bởi lực lượng này nên từ đầu năm đến nay, rừng của công ty đã được bảo vệ nghiêm ngặt hơn, chưa xảy ra các vụ cháy rừng hay phá rừng trái phép.

Chủ trương hợp lòng dân

Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại được nhà nước giao, cho thuê gần 78.000ha rừng và đất lâm nghiệp nằm trên địa giới hành chính của 4 huyện, thành phố. Hàng năm, công ty đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để quản lý, bảo vệ nên tình trạng cháy rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng đã giảm đáng kể.

Để làm tốt hơn công tác quản lý, BVR, đầu năm 2021, công ty đã gửi thông báo đến UBND các xã trên địa bàn và tuyển được 8 con em đồng bào dân tộc thiểu số vào làm nhân viên BVR.

Ông Lương Sỹ Trình, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại cho biết: “Lợi thế của con em đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác quản lý, BVR là hiểu ngôn ngữ, văn hóa bản địa, lại thông thạo địa hình rừng núi. Lực lượng này có sức khỏe tốt, quen sống trong rừng vì có thời gian họ đã từng làm "lâm tặc" hoặc vào rừng tận thu các sản vật để lo cho cuộc sống gia đình. Việc tuyển con em đồng bào dân tộc thiểu số vào làm lực lượng BVR sẽ tạo được công ăn việc làm ổn định, để bà con cùng tuyên truyền cho đồng bào mình thay đổi nhận thức về bảo vệ, quản lý rừng…”.

Hiện 8 nhân viên BVR có trình độ từ lớp 7 đến trung cấp chuyên nghiệp được phân công về làm việc tại Lâm trường Trường Sơn (3 người) và Lâm trường Khe Giữa (5 người). Các lâm trường đã hướng dẫn cho nhân viên những kỹ năng cơ bản, như: soạn thảo và xử lý các văn bản liên quan, sử dụng máy định vị, kỹ năng giao tiếp để tuyên truyền và một số nghiệp vụ liên quan đến công tác BVR. Ngoài ra, các chế độ chính sách cũng được phía công ty chăm lo chu đáo…

Lực lượng BVR người dân tộc thiểu số chi nhánh Lâm trường Khe Giữa tuyên truyền, động viên bà con tham gia công tác BVR.

Lực lượng BVR người dân tộc thiểu số chi nhánh Lâm trường Khe Giữa tuyên truyền, động viên bà con tham gia công tác BVR.

Chuộc lỗi với rừng

Học xong lớp 7, anh Trần Văn Vỹ, người dân tộc Bru-Vân Kiều ở bản Khe Cát, xã Trường Sơn (Quảng Ninh) theo dân bản vào rừng mưu sinh bằng nhiều công việc khác nhau. Có thời gian, anh từng theo "lâm tặc" vào rừng đốn gỗ, săn bắt thú rừng bán kiếm tiền tiêu hàng ngày. Cuộc sống bám rừng nhiều năm trời nhưng cái nghèo, cái khó vẫn bám riết anh cùng gia đình.

Đầu năm 2021, anh nhận được thông báo tuyển dụng nhân viên của Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại. Sau một vài ngày đắn đo, anh đã quyết định đến chi nhánh Lâm trường Trường Sơn gõ cửa.

Anh Vỹ tâm sự: “Lúc tìm đến lâm trường xin việc, tôi vô cùng lo lắng và hồi hộp. Bởi trước đây, mình là người phá rừng, giờ lại đi xin làm nhân viên BVR. Nhưng thật không ngờ, tôi đã được cán bộ lâm trường tiếp đón chu đáo, hướng dẫn các thủ tục trước khi ký hợp đồng, giúp tôi có cơ hội chuộc lỗi với rừng”.

Hàng ngày, anh Vỹ cùng 34 nhân viên BVR chuyên trách của lâm trường bảo vệ nghiêm ngặt 31.000ha rừng do Lâm trường Trường Sơn quản lý. Ông Nguyễn Hữu Tám, Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn cho biết: “Ngoài việc tuần tra, kiểm soát rừng trong địa phận, các nhân viên BVR người đồng bào dân tộc thiểu số còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân nên nhận thức BVR của bà con được nâng lên rõ rệt. Nhờ được tăng cường thêm lực lượng nên từ đầu năm đến nay trên địa phận của lâm trường quản lý không xảy ra vụ cháy rừng, phá rừng nào!”.

Gần 12 giờ trưa, phía Tây huyện Lệ Thủy nóng như đổ lửa cũng là lúc anh Hồ Văn Điều, người Bru-Vân Kiều, vừa được tuyển vào làm nhân viên Trạm BVR Km25 thuộc Chi nhánh Lâm trường Khe Giữa đi từng nhà dân trong bản để tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia BVR.

Anh Điều chia sẻ: “Mùa nắng nóng này, bà con hay đi vào rừng đốt ong nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Vì vậy, tôi đã dặn bà con khi đốt ong cần phải cẩn thận, dập tắt lửa hẳn trước khi ra khỏi rừng, không nên vứt tàn thuốc lá bừa bãi để dẫn đến nguy cơ cháy rừng. Ngoài ra, những hộ dân nào trước đây có thói quen vào rừng đốn gỗ, bẫy thú rừng cũng nên từ bỏ nghề”.

Trước đây, anh Điều cũng như nhiều người dân miền núi chọn nghề phá rừng và lấy sản vật từ rừng làm kế sinh nhai. Công việc khó khăn, vất vả, nguy hiểm lại vi phạm pháp luật nhưng cuộc sống gia đình anh cũng chẳng khá lên.

Năm 2012, anh Điều xin vào làm công nhân cho Lâm trường Khe Giữa, chuyên trồng, chăm sóc và khai thác gỗ rừng trồng. Thấy anh tận tâm với công việc, lại thông thạo địa bàn rừng núi, văn hóa bản địa nên lâm trường quyết định chuyển anh qua làm nhân viên BVR. Từ đó, bước chân anh cùng 32 nhân viên BVR của đơn vị như những cánh chim không mỏi len lỏi vào 30.000ha rừng, đến các bản làng xa xôi để làm công tác tuyên truyền, vận động bà con chung tay BVR.

Ông Trần Văn Lon, Phó Giám đốc Chi nhánh Lâm trường Khe Giữa chia sẻ: “Về cơ bản, cả 5 nhân viên BVR tại lâm trường đáp ứng được yêu cầu công việc, nhất là công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia quản lý, BVR tận gốc. Trong công tác tuần tra, kiểm soát rừng, họ đã không quản ngại khó khăn, gian khổ để bám rừng, bám chốt, ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại rừng từ phía người dân, "lâm tặc"”.

Ông Lương Sỹ Trình cho biết thêm, với quyết tâm BVR tận gốc, thời gian tới, công ty sẽ xem xét tuyển dụng thêm con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn vào làm việc tại các lâm trường, nhằm tạo thêm công ăn, việc làm, ổn định cuộc sống lâu dài cho bà con.

Xuân Vương

Nguồn Quảng Bình: http://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202106/khi-lam-tac-tro-thanh-nhan-vien-giu-rung-2190156/