Khi làn da trắng không còn giúp hái ra tiền ở Hàn Quốc

Những cô nàng ngoại quốc tóc vàng, da trắng, mắt xanh từng được săn đón ở Hàn Quốc. Song, lợi thế dần mất đi và các người mẫu này thậm chí phải chuyển qua làm tiếp viên quán bar.

Aurora Schreder, một giáo viên người Bỉ, bén duyên với công việc người mẫu tại Hàn Quốc trong lúc đi công tác vào năm 2020. Nhưng sự nghiệp bị đình trệ cho đến khi Aurora thay đổi quản lý và màu tóc của mình.

"Tôi chuyển sang nhuộm tóc màu vàng, sau đó các hợp đồng trình diễn ồ ạt đến. Tóc vàng, da trắng, mắt xanh trở thành yếu tố hái ra tiền", cô nói với Vice News.

Người mẫu 30 tuổi đã đi theo con đường dễ dàng của những người nhập cư phương Tây ở các nước châu Á: tận dụng màu da để kiếm tiền.

 Các cô gái phương Tây có làn da trắng sứ từng được nhiều nhãn hàng ở Hàn săn đón. Ảnh: Vice.

Các cô gái phương Tây có làn da trắng sứ từng được nhiều nhãn hàng ở Hàn săn đón. Ảnh: Vice.

Tại Hàn Quốc, nơi làn da trắng sứ có sức hấp dẫn thương mại, người mẫu có tông da này phổ biến ở khắp mọi nơi, từ trên quảng cáo bán hàng cho đến các chương trình truyền hình.

Nhưng vào năm 2021, Aurora bắt đầu nhận được yêu cầu giảm thù lao.

"Gió đổi chiều"

Trong vài năm gần đây, một làn sóng nhập cư người phương Tây chuyển đến sống ở Hàn Quốc do ảnh hưởng ngày càng tăng của văn hóa xứ kim chi trên toàn cầu. Điều này đã làm đảo lộn thị trường người mẫu da trắng ở đây.

Dữ liệu điều tra dân số cho thấy dân số gốc Âu tại Hàn Quốc đã tăng hơn 3 lần, từ khoảng 30.000 người vào năm 2011 lên gần 100.000 người vào năm 2019.

Mỗi khi một chương trình như Squid Game nổi tiếng hoặc một bài hát của BTS trở thành hit, Aurora biết số lượng người ngoại quốc như mình chuyển đến Hàn Quốc sẽ tăng lên, đẩy mức độ cạnh tranh lên cao còn cát-xê sẽ giảm xuống.

Sự thành công trên toàn cầu của các ngôi sao Hàn Quốc và các chương trình truyền hình cũng xóa tan quan niệm lâu đời ở các công ty trong nước rằng người tiêu dùng ưa chuộng vẻ đẹp ngoại quốc hơn là văn hóa quê hương.

"Chúng tôi không còn khiến mọi người ngạc nhiên, thích thú như lúc ban đầu", cô nói.

Francesca (22 tuổi), đến từ Đức, hiện làm người mẫu tại Seoul. Ảnh: Korea by me.

Hiện tại, khi Aurora báo giá, các thương hiệu thường không thương thảo thêm và thay vào đó tìm các sinh viên quốc tế hoặc người nước ngoài đang sống ở Hàn Quốc. Cuối cùng, cô không có lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận ra mức giá thấp hơn.

Với âm nhạc hip-hop và thời trang đang trở thành yếu tố văn hóa trong giới trẻ Hàn Quốc, người mẫu da màu ngày càng được tìm kiếm để làm việc cho các thương hiệu ngách, hướng tới hình ảnh thể thao, khỏe khoắn.

Nhưng Shin Gi-wook, người nghiên cứu về dân tộc thiểu số ở Hàn Quốc tại Đại học Stanford, lập luận rằng sự đa dạng trong mô hình thương mại chủ yếu phản ánh mong muốn thu hút khách hàng quốc tế của các nhãn hàng. Về cơ bản, cái đẹp tiêu chuẩn ở Hàn Quốc vẫn không đổi.

Trong khi các thương hiệu cao cấp như Prada và Gucci ở Hàn Quốc bắt đầu thuê các người mẫu đa dạng về màu da, cá tính, phần lớn các nhãn hàng nội địa Hàn Quốc vẫn hướng tới hình ảnh làn da trắng không tì vết.

Chương trình Abnormal Summit của đài JTBC dừng sản xuất vào năm 2017. Ảnh: JTBC.

Guillaume Desbos (30 tuổi) nhiều lần chứng kiến thực tế này khi làm việc với các công ty Hàn Quốc với tư cách công ty quản lý người mẫu.

“Quốc tế có nghĩa là nhãn hàng cần một cô gái da trắng, tóc vàng ưa nhìn, một chàng trai da trắng xinh xắn cùng một chàng trai da màu và chỉ cần vậy thôi để giúp bán hàng chạy hơn", Desbos, một người Pháp đã định cư 7 năm tại Hàn Quốc, cho biết.

Chuyển sang làm tiếp viên quán bar

Sức hấp dẫn thương mại ngày càng giảm của người da trắng ngoại quốc ở Hàn Quốc là một sự khác biệt rõ ràng so với chỉ vài năm trước, khi các chương trình truyền hình về “văn hóa Hàn Quốc qua con mắt của người nước ngoài” luôn thu hút rất nhiều khán giả.

Sự nổi tiếng của Abnormal Summit đã khởi đầu cho một loạt show khác như Welcome của MBC, First Time in KoreaLove of 7,7 Billion.

“6-7 năm trước, kỹ năng duy nhất mà một người nước ngoài cần có trên TV là da trắng và biết nói một chút tiếng Hàn", Desbos cho biết.

Người này cho biết lương của các người mẫu nước ngoài gần như đã giảm một nửa kể từ năm 2017 và mức giảm ngày càng trầm trọng hơn do dịch bệnh. Nhận thức được bất lợi, nhóm này buộc phải hạ thấp thù lao, song vấn đề là con số vẫn tiếp tục giảm không ngừng.

Một số người mẫu, bị đẩy ra khỏi thị trường, hiện chuyển qua làm tiếp viên quán bar, nơi họ phục vụ rượu cho những người đàn ông lớn tuổi Hàn Quốc.

Han Hyun Min là người mẫu da màu đầu tiên ở Hàn Quốc. Anh có bố là người Nigeria, mẹ là người Hàn. Ảnh: Vice.

Aurora thường xuyên nhận được tin nhắn tìm lời khuyên từ những cô gái cho rằng Hàn Quốc là mảnh đất vàng, nơi họ có thể dễ dàng trở thành người mẫu và gặp gỡ diễn viên K-drama yêu thích.

Giờ đây, cô sẵn sàng xóa tan những lầm tưởng này và chia sẻ mọi thứ mình biết về ngành công nghiệp người mẫu, bao gồm cả mặt tối của nó.

Môi trường cạnh tranh giữa các người mẫu nước ngoài ở Hàn Quốc đã khuyến khích các đại diện thương hiệu săn đón những người mẫu tuyệt vọng và ép họ vào các mối quan hệ tình dục với những lời hứa “tài trợ”.

“Người mẫu nước ngoài nhiều khi nhận được các yêu cầu về tình dục, hoặc bạn phải đi đến quán bar với khách hàng này", Schreder nói.

Hầu như không có bất kỳ vụ cưỡng bức nào được báo cáo hoặc công khai, vì các nạn nhân ngoại quốc cảm thấy họ không được cơ quan pháp luật tại Hàn bảo vệ đúng mức.

Nỗi sợ còn đến từ viễn cảnh bị các nhãn hàng liệt vào danh sách đen không làm việc cùng, khi họ lỡ làm phật lòng các khách hàng trong một ngành công nghiệp gắn bó chặt chẽ.

Thay vì báo cảnh sát, những câu chuyện về bị ép buộc, bóc lột chỉ được thảo luận trên mạng.

Lừa đảo thị thực cũng phổ biến, khi những người nước ngoài muốn thực hiện giấc mơ Hàn Quốc bị tính phí hàng nghìn USD cho một thị thực người mẫu “được tài trợ” bởi các cơ quan có uy tín, song cuối cùng không nhận được giấy tờ cần thiết.

Người mẫu kiêm Youtuber Peris Kagiri cho biết một số đại lý giữ lại hộ chiếu của người mẫu và lấy 30-50% thu nhập của họ.

“Nếu bạn còn trẻ, đẹp trai và bạn muốn làm người mẫu, tại sao không làm điều đó. Nhưng đừng nghĩ đến việc lập nghiệp ở Hàn Quốc, điều đó thật ngu ngốc", Desbos khẳng định.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-lan-da-trang-khong-con-giup-hai-ra-tien-o-han-quoc-post1342903.html