Khi Liên hợp quốc trở thành 'sân khấu lớn' cho các nước nhỏ

Sự vắng mặt của lãnh đạo các nước lớn tạo điều kiện để các nước nhỏ cất tiếng nói tại Phiên họp cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ).

Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay quan tâm hơn đến quan điểm của các quốc gia thành viên không phải là cường quốc. (Nguồn: G20)

Phiên họp cấp cao Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ khóa 78 hồi tháng Chín tại New York (Mỹ) chứng kiến nhiều bài phát biểu quan trọng từ đại diện các nước vừa và nhỏ.

Có thể kể tới bài phát biểu của Ngoại trưởng Togo Robert Dussey về “một châu Phi ngày càng thức tỉnh”, quyết tâm “chiến đấu trong trận chiến của chính chúng ta”, phản kháng việc bị đẩy ra ngoài khi các cường quốc tung hoành trên bàn cờ chính trị. Đồng thời, nhà ngoại giao này nêu rõ: “Không ai là trung tâm của thế giới. Chúng tôi không muốn bị đẩy xuống khi thế giới phát triển”.

Thủ tướng quốc đảo Saint Kitts và Nevis Terrance ở vùng Caribe, ông Michael Drew, nhấn mạnh: “Tiếng nói của Nam Bán cầu ngày càng lớn hơn”. Trong khi đó, “Tiếng nói và kinh nghiệm về vấn đề Thái Bình Dương” là chủ đề trong bài phát biểu của Ngoại trưởng Australia Penny Wong. Thủ tướng Andorra Xavier Espot cho biết: “Sự khao khát của chúng tôi đối với sự thay đổi mang tính chuyển đổi chưa bao giờ lớn hơn thế”.

Theo bà Anjali Dayal, Phó Giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Fordham (Mỹ), chuyên gia về LHQ và các tổ chức quốc tế khác, cho biết: “ĐHĐ LHQ luôn là diễn đàn lớn nhất dành cho các quốc gia ít được chú ý. Trong năm nay, chúng ta nhận thấy có nhiều nhà lãnh đạo quan tâm hơn đến quan điểm của các quốc gia thành viên LHQ không phải là cường quốc nhưng đang phải chịu hậu quả lớn nhất và hiếm khi được tham gia bỏ phiếu quyết định”.

Cơ hội cất tiếng nói

Có một diễn biến đặc biệt trong năm 2023 đã giúp tạo nên không gian để các nước nhỏ lên tiếng. Tại Phiên họp cấp cao lần này, Mỹ là đại diện duy nhất trong nhóm năm ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) có nguyên thủ, Tổng thống Joe Biden, tham dự và phát biểu. Bốn nước còn lại là Nga, Trung Quốc, Pháp và Anh chỉ cử cấp phó hoặc Ngoại trưởng dự. Tương tự là Ấn Độ và Canada.

Theo Phó Tổng thư ký LHQ Amina Mohammed, sự thiếu vắng này là “đáng thất vọng”. Điều đó đồng nghĩa với việc các quốc gia và liên minh nhỏ có nhiều không gian hơn để vận động cho việc mở rộng HĐBA, cơ quan duy nhất của LHQ có quyền thực hiện hành động quân sự và áp đặt các biện pháp trừng phạt. Đồng thời, chỉ các thành viên thường trực trong HĐBA LHQ mới có quyền phủ quyết. Điều thất vọng này đã xảy ra từ lâu và ngày càng sâu sắc.

Ngoại trưởng Bhutan Tandi Dorji nêu rõ: “Cấu trúc quản trị toàn cầu đã không mang lại sự công bằng và hòa nhập cần thiết”. Hiện HĐBA LHQ vốn không có thành viên thường trực của châu Phi hoặc Mỹ Latinh. Ông nhận định: “Sự chia rẽ, phân cực và bất bình đẳng ngày càng gia tăng mà chúng ta chứng kiến trên thế giới ngày nay chỉ là lời kêu gọi khẩn cấp nhằm củng cố chủ nghĩa đa phương”.

Phát biểu tại phiên họp, các diễn giả nhận định cấu trúc của LHQ không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Về bản chất, một tổ chức được thành lập vào thời hậu chiến giữa thế kỷ XX nhằm ngăn chặn các quốc gia có thể hủy diệt thế giới, không thể giải quyết tình trạng phân mảnh trong thế kỷ XXI với một cơ cấu quyền lực toàn cầu đang phát triển nhanh chóng.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề đến các quốc gia nghèo nhất thế giới, đặc biệt là sự tồn tại của các quốc đảo, hiện đang bị đe dọa do mực nước biển dâng cao. Tiếng nói của các “nạn nhân” được lắng nghe hơn khi chính Tổng thống đảo quốc Kirabati Taneti Maamau chia sẻ, đất nước của ông đang “trải qua nạn hạn hán nghiêm trọng và ngập lụt ven biển ngày càng tăng”.

Giống như biến đổi khí hậu, sự bất bình đẳng về vaccine trong đại dịch Covid-19 trở thành chủ đề cấp bách. Các quốc gia nhỏ hơn, vốn chịu ảnh hưởng nhiều nhất, cũng có vai trò tự nhiên thúc đẩy điều đó. Việc xây dựng lại sau đại dịch, nói như Tổng thống Seychelles Wavel Ramkalawan, các nước nhỏ hơn cũng phải thực hiện “với cam kết vững chắc về tính toàn diện”.

Nỗ lực được đền đáp

Sau quãng thời gian dài, sự cố gắng của các nước nhỏ trên “sân khấu lớn” LHQ, cũng như trên diễn đàn quốc tế khác, đạt kết quả nhất định. Vừa qua, Liên minh châu Phi (AU) giành ghế thường trực trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sau Hội nghị thượng đỉnh tại New Delhi, Ấn Độ. Điều này phần nào khẳng định sự công nhận của các nước thành viên về vị thế, tiềm năng của lục địa này, khu vực sẽ chiếm một phần tư dân số thế giới vào năm 2050.

Ông Chu Chí Quần, Giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Bucknell (Mỹ) cho biết: “Dường như khu vực Bắc bán cầu do Mỹ lãnh đạo đang tập trung chống lại tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc và làm suy yếu nước Nga. Không có gì ngạc nhiên khi chính quyền Bắc Kinh đang tìm kiếm sự hỗ trợ ở các nước đang phát triển”.

Ngay cả Tổng thống Joe Biden trong bài phát biểu của mình cũng nhấn mạnh, Mỹ đang nỗ lực để “làm cho các thể chế toàn cầu hiệu quả và toàn diện hơn”. Tuyên bố này thừa nhận một điều quan trọng: Cộng đồng quốc tế và chính LHQ cần thúc đẩy một thế giới mới, nơi các tiếng nói của nước nhỏ cần được lắng nghe nhiều hơn, vì lợi ích của chính những nước này cũng như của thế giới.

(theo AP)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/khi-lien-hop-quoc-tro-thanh-san-khau-lon-cho-cac-nuoc-nho-244885.html