Khi lòng dân đồng thuận

Trong những năm qua, trên địa bàn huyện Trảng Bom thực hiện rất nhiều dự án phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi dự án khi triển khai đều có tác động trực tiếp đến đời sống nhân dân, nếu không giải quyết tốt quyền và lợi ích hợp pháp giữa các bên sẽ phát sinh những xung đột.

Một đoạn đường 30-4 (thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) vừa được mở rộng nối dài. Ảnh: Văn Truyên

Một đoạn đường 30-4 (thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) vừa được mở rộng nối dài. Ảnh: Văn Truyên

Nhờ làm tốt công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, cung cấp thông tin đầy đủ và tích cực giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân nên quá trình thực hiện các dự án trên địa bàn huyện Trảng Bom không để phát sinh phức tạp, không xảy ra “điểm nóng” về an ninh trật tự.

* Tích cực tuyên truyền, vận động

Chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Trảng Bom có kế hoạch làm đường 30-4. Đây là một trong những trục đường chính của huyện, nhưng trước đây tuyến đường này là đường đất, nhỏ hẹp, mùa nắng thì bụi, mùa mưa thì lầy lội nên việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Theo Huyện ủy Trảng Bom, trong thời gian tới huyện tiếp tục quan tâm công tác nắm bắt tư tưởng, dư luận xã hội, nhất là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp mà dư luận quan tâm. Từ đó kịp thời giải quyết các vấn đề của nhân dân ngay từ cơ sở, không để phát sinh điểm nóng, hạn chế thấp nhất đơn thư, khiếu kiện vượt cấp.

Để làm được tuyến đường 30-4, Ban Thường vụ Huyện ủy Trảng Bom đã chỉ đạo UBND huyện thành lập tổ vận động với thành viên là cán bộ các ban, ngành, đoàn thể liên quan, luôn kiên trì bám cơ sở, lắng nghe, tham mưu giải quyết tối đa quyền lợi của người dân.

“Tôi không là thành viên của tổ vận động nhưng với vai trò người đứng đầu cấp ủy địa phương, tôi đã 2 lần đối thoại với người dân nằm trong dự án xây dựng đường 30-4. Qua các buổi đối thoại, những gì chưa hợp lý thì lãnh đạo địa phương và cơ quan chức năng giải quyết tháo gỡ, tránh thiệt thòi cho người dân. Kết quả trong 85 hộ thuộc diện phải giải tỏa, thu hồi đất thì chỉ có 1 hộ phải cưỡng chế, còn lại tự nguyện bàn giao mặt bằng” - Bí thư Huyện ủy Trảng Bom Phạm Xuân Hà cho hay.

Bà Lê Thị Thạnh (ngụ KP.3, thị trấn Trảng Bom) bày tỏ: “Ban đầu tôi và nhiều hộ khác không chịu nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng do giá bồi thường theo khung giá Nhà nước ban hành thấp hơn giá thị trường. Nhưng sau khi được các cấp, các ngành của huyện vận động, hiểu được lợi ích của dự án và được giải đáp các nội dung liên quan nên tôi đã đồng ý nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng. Sau khi thấy tôi bàn giao mặt bằng, nhiều hộ khác cũng làm theo. Đến nay, đường 30-4 đã được làm xong với chiều dài 1,9km; chiều rộng 20,5m, có thể coi là đẹp nhất huyện Trảng Bom”.

* Giải quyết tâm tư nguyện vọng của nhân dân

Không chỉ dự án đường 30-4 mà đối với từng dự án cụ thể, Ban Thường vụ Huyện ủy Trảng Bom đều chỉ đạo UBND huyện thành lập tổ vận động để tiến hành công tác dân vận, tuyên truyền vận động các hộ dân thuộc diện phải thu hồi đất hiểu rõ chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giải thích về lợi ích phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và lợi ích của nhân dân được thụ hưởng ở dự án. Đồng thời, nắm bắt nguyện vọng, những thắc mắc, kiến nghị của các hộ dân thuộc diện thu hồi đất để tham mưu Huyện ủy và UBND huyện xem xét giải quyết. Theo đó, trong quá trình thực hiện các dự án trên địa bàn huyện, đa số các hộ dân có đất thuộc diện thu hồi đều đồng thuận, chấp hành nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng.

Ngoài việc tuyên truyền để nhân dân đồng thuận triển khai thực hiện các dự án đúng tiến độ đề ra, huyện Trảng Bom còn thường xuyên cung cấp thông tin về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho người dân được biết để huy động sức dân vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của huyện theo từng giai đoạn và từng năm.

Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Trảng Bom Chu Thị Mây cho biết, trước khi triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, UBND huyện đều chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cung cấp thông tin cho Ban Tuyên giáo Huyện ủy về các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nông thôn mới, chính sách an sinh xã hội… Nhất là những thông tin liên quan trực tiếp đời sống nhân dân như: điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch sử dụng đất… Qua đó định hướng dư luận nhằm làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn ý nghĩa, mục đích của các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phát huy sức mạnh của toàn dân vào sự phát triển của địa phương.

Kết quả, riêng chương trình xây dựng nông thôn mới, toàn huyện đã huy động được 1.402 tỷ đồng trong đó có 73 tỷ đồng từ ngân sách, còn lại nguồn lực do người dân và doanh nghiệp đóng góp. Đến nay 100% số xã của huyện đã hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới, trong đó 4 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao.

Phương Hằng

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/201903/khi-long-dan-dong-thuan-2939116/