Khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực

Dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, cung vượt cầu… là những bài toán khó của ngành chăn nuôi nhiều năm qua. Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2020, khi Luật Chăn nuôi năm 2018 (số 32/2018/QH14) có hiệu lực với nhiều cơ chế đặc biệt, được kỳ vọng góp phần thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển ổn định, bền vững.

Thực tế những năm qua, ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển nhanh về số lượng đàn gia súc, gia cầm cũng như các hộ nuôi.

Tuy nhiên cũng phát sinh những vấn đề về dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; ô nhiễm môi trường; xuất hiện tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm không qua kiểm dịch; sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Những năm gần đây, đã xuất hiện tình trạng dư thừa sản phẩm, cung vượt cầu, công nghiệp giết mổ và chế biến chưa phát triển, dịch bệnh khó kiểm soát, dẫn đến giá sản phẩm giảm sâu, khó xuất khẩu...

Ngoài ra, một số quy định của Pháp lệnh giống vật nuôi năm 2004 đến nay không còn phù hợp hoặc trái với quy định của luật khác.

Đây không chỉ là vấn đề riêng của Quảng Ninh mà trở thành bài toán chung của ngành chăn nuôi cả nước.

Vì vậy, khi Luật Chăn nuôi năm 2018 có hiệu lực là cơ sở pháp lý và điều kiện để thực hiện tái cơ cấu theo hướng sản xuất.

Luật có 8 chương và 83 điều. Một trong những điểm mới của Luật là các cơ sở chăn nuôi phải di dời ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư.

Theo đó, quy định cụ thể về các tiêu chí khu vực thuộc nội thành, nội thị, khu vực đông dân cư không được phép chăn nuôi; khu vực được phép chăn nuôi; các chính sách, cơ chế hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi…

Bên cạnh đó, khoản 1, Điều 54 của Luật quy định tổ chức, cá nhân phải kê khai hoạt động chăn nuôi với UBND xã, nhằm kiểm soát được quy mô chăn nuôi và có quy hoạch cụ thể từng vùng.

Đáng chú ý, tổ chức, cá nhân đã thực hiện kê khai hoạt động chăn nuôi theo quy định sẽ được hỗ trợ thiệt hại, khôi phục sản xuất khi bị thiên tai, dịch bệnh.

Luật còn quy định việc chăn nuôi trang trại phải có biện pháp xử lý chất thải, tiếng ồn trong chăn nuôi trang trại và nông hộ; quản lý sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi…, để từng bước kiểm soát vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, giải quyết dịch bệnh, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Để Luật Chăn nuôi đi vào cuộc sống, Sở NN&PTNT đã quán triệt đến ngành Nông nghiệp các địa phương, tổ chức tuyên truyền, cung cấp thông tin về Luật cho nông dân thông qua các chương trình, hội nghị; lồng ghép trong các buổi họp tổ dân, khu phố, thôn, bản để người dân nắm bắt.

Sở dự kiến xây dựng nghị quyết trình HĐND tỉnh quy định khu vực thuộc nội thành, nội thị, khu vực dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Đây là những nội dung quan trọng, góp phần kiểm soát số lượng đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo tình hình chăn nuôi trên địa bàn, nhất là vấn đề vệ sinh môi trường.

Hộ ông Vũ Quang (phường Tràng An, TX Đông Triều) tái đàn lợn sau dịch tả châu Phi. Ảnh: Hải Hà

Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú ý (Sở NN&PTNT): Chủ trương của ngành chỉ khuyến khích các cơ sở đủ điều kiện, chủ động nguồn giống sạch, thực hiện cải tạo hạ tầng, đảm bảo an toàn sinh học để đầu tư nuôi mới.

Chi cục cũng tham mưu cho Sở đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương rà soát, báo cáo đề xuất khu vực nội thành, nội thị, khu dân cư không được phép chăn nuôi; vùng chăn nuôi tập trung và cơ chế hỗ trợ di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh trong quý I/2020.

Đồng thời, chỉ đạo các địa phương triển khai tốt Nghị quyết số 231 ngày 7/12/2019 của HĐND tỉnh "Về kết quả giám sát công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 đến nay"; yêu cầu các cấp, các ngành tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

Phấn đấu đến hết năm 2021, 100% các địa phương xây dựng được cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phù hợp với điều kiện thực tiễn và cơ bản xóa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư trên địa bàn, thực hiện có hiệu quả Luật Chăn nuôi năm 2018.

Hoàng Quỳnh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202003/khi-luat-chan-nuoi-co-hieu-luc-2473713/