Khi Mỹ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường

Vào ngày 9-5, Bộ Thương mại Mỹ đã nghe các bên tranh luận về việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Phiên thảo luận quan trọng này là để Mỹ cân nhắc sẽ nâng Việt Nam thành nền kinh tế thị trường vào ngày 26-7-2024.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong chuyến thăm đến Mỹ vào tháng 9-2023 - Ảnh: TTXVN

Theo Bộ Công thương, hiện Việt Nam đã đáp ứng được 6 tiêu chí mà Bộ Thương mại Mỹ sử dụng để đánh giá quốc gia có nền kinh tế thị trường. Trong đó bao gồm: mức độ chuyển đổi của đồng tiền; mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế; đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động; vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu tư nhân; mức độ kiểm soát của chính phủ với một số nguồn lực và giá cả; các yếu tố khác. Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành các cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi trong điều hành nền kinh tế. Từ đó, giúp cho nền kinh tế tham gia sâu vào hội nhập, phát triển bền vững và luôn đảm bảo các yếu tố minh bạch, thông thoáng để các nhà đầu tư hoạt động hiệu quả. Do đó, nền kinh tế Việt Nam so với Philippines, Indonesia, Canada được đánh giá là cởi mở hơn với đầu tư nước ngoài.

Từ tháng 9-2023, Việt Nam và Mỹ đã được nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện nên đã có “làn sóng” đầu tư của doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam. Đồng thời, nhiều tập đoàn bán lẻ của Mỹ cũng tăng tìm kiếm nguồn hàng từ Việt Nam. Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này đã vượt 100 tỷ USD vào năm 2023. Đồng thời, Việt Nam cũng trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ. Dự kiến trong những năm tới, đầu tư - thương mại giữa 2 nước sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.

Có nhiều lãnh đạo cấp cao, doanh nghiệp của Mỹ ủng hộ việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Khi Việt Nam được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ được hưởng lợi đầu tiên. Một số ngành sẽ được ưu đãi về thuế rất lớn như là xuất khẩu thủy sản. Mức thuế có thể giảm theo lộ trình đến 20% so với hiện nay, việc này sẽ giúp cho doanh nghiệp Việt tăng khả năng cạnh tranh với hàng hóa cùng loại đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới. Thuế xuất khẩu vào Mỹ giảm sẽ giúp Việt Nam tăng hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài hơn nữa.

Việt Nam hiện đã được 72 nước công nhận có nền kinh tế thị trường, trong đó có những nền kinh tế lớn như: Nhật Bản, Anh, Canada... Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được đánh giá là nước tham gia hội nhập sâu, nhanh và rộng với 16 hiệp định thương mại tự do đã được ký kết với 60 đối tác khắp các châu lục có tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu. Đây là lợi thế để Việt Nam phát triển.

Với Đồng Nai, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Vì thế, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đang chờ đợi Việt Nam sớm được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường để mở rộng xuất khẩu vào nước này.

Hương Giang

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202405/khi-my-cong-nhan-viet-nam-co-nen-kinh-te-thi-truong-84d62bb/