Khi nam giới đam mê với đường kim, mũi chỉ

Nghề may thường phù hợp với phụ nữ vì đòi hỏi sự mềm mại và khéo léo, nhưng thực tế có không ít nam giới chọn và gắn bó với nghề này.

Anh Vũ Mạnh Cường ở xã Tân Việt (Bình Giang) chọn nghề may vì gần nhà và doanh nghiệp cũng có nhiều chế độ tốt với người lao động

Khéo léo

“Ban đầu tôi ngại ngần khi nộp hồ sơ vào doanh nghiệp may mặc vì sợ nam giới khó làm được việc. Nhưng khi thấy Công ty CP May Hải Anh ở xã Bình Minh tuyển cả nam giới, lại gần nhà nên tôi thử vào làm xem sao. Đến nay, sau gần 8 năm gắn bó với nghề tôi thấy đàn ông làm việc cũng chẳng kém chị em, bởi nghề may bây giờ đã khác xưa rất nhiều do có máy móc hỗ trợ”. Đây là chia sẻ của anh Vũ Mạnh Cường ở xã Tân Việt (Bình Giang).

Chị Nguyễn Thị Ngát, công nhân cùng phân xưởng với anh Cường cho biết: “Ban đầu tôi nghĩ nghề này chỉ dành cho chị em nhưng không ngờ vào đây làm việc lại thấy có rất nhiều nam giới. Họ cũng rất cần mẫn, khéo léo, thậm chí nhiều công đoạn họ còn làm nhanh và đẹp hơn chị em".

Công ty CP May Hải Anh có hơn 2.000 công nhân, trong đó có gần 20% là nam giới. Chị Đinh Thị Hiền, Trưởng phòng Hành chính - Nhân sự công ty cho biết ngành may mặc hiện nay đa phần tự động hóa, máy móc hỗ trợ nhiều công đoạn nên nam giới hoàn toàn có thể làm việc. Họ đảm đương các dây chuyền, kể cả khâu nhặt chỉ hay may, là. “Doanh nghiệp không phân biệt nam nữ khi tuyển dụng. Chúng tôi luôn chào đón nam giới đến nộp hồ sơ nếu họ đáp ứng yêu cầu công việc”, chị Hiền cho biết.

Không chỉ ở những công ty lớn, những xưởng gia công hàng may mặc, nam giới cũng có mặt. Anh Phạm Văn Luận (ở thôn Thượng Hải, xã Bình Lãng, Tứ Kỳ) đang làm việc tại một xưởng may trong thôn chia sẻ: “So với nữ thì nam giới lựa chọn làm nghề may không nhiều bằng các nghề khác như điện, điện tử, cơ khí, mộc… nhưng không phải không có lao động nam làm nghề may, miễn là có thu nhập tốt".

Tại Hải Dương, từ xưởng may gia công hay những doanh nghiệp lớn với quy mô hàng nghìn người, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hay doanh nghiệp trong nước luôn có sự đóng góp của công nhân nam. Họ có thể làm việc ở nhiều công đoạn nhưng chủ yếu ở những bộ phận như là, cắt, hoàn thiện, đóng gói sản phẩm và may. Không ít công nhân nam gắn bó với nghề hàng chục năm và trở thành những trụ cột không thể thiếu trong các doanh nghiệp ngành này.

Công ty CP May II Hải Dương có đến hơn 20% số công nhân nam và họ có thể làm việc ở nhiều bộ phận khác nhau

Gắn bó
Tròn 20 năm làm việc tại Công ty CP May II Hải Dương, anh Nguyễn Anh Phan ở phường Ngọc Châu (cùng TP Hải Dương) đã trải qua tất cả các bộ phận của ngành may, hiện anh là Tổ trưởng Tổ đóng gói và có mức thu nhập khá.

Anh Phan cho biết ban đầu khi chọn ngành may anh cũng khá băn khoăn và không ít thành viên trong gia đình muốn anh tìm nghề khác phù hợp hơn, nhưng thời điểm đó anh thấy Công ty CP May II có mức lương và chế độ phúc lợi tốt, lại gần nhà nên anh quyết định nộp hồ sơ.

Bà Lê Thị Ngọc Trâm, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính Công ty CP May II Hải Dương cho biết số công nhân nam đang làm việc tại công ty chiếm hơn 20% tổng số lao động. Số lượng tuy ít nhưng “tinh” vì đa phần họ là những người nhanh thạo nghề; giỏi nắm bắt khoa học, kỹ thuật và có nhiều sáng kiến trong sản xuất. Đặc biệt công nhân nam ở công ty rất ít "nhảy việc", nhiều người gắn bó với doanh nghiệp đến 20 năm. Công nhân nam cũng có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, tiêu biểu như năm 2021 anh Vũ Thành Long có sáng kiến làm cữ gá để giảm thời gian, tăng năng suất làm ra sản phẩm góp phần giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu giao hàng của đối tác và đã được công đoàn cấp trên công nhận.

Hải Dương hiện có rất nhiều doanh nghiệp may mặc, trong đó có không ít doanh nghiệp cần tới hàng chục nghìn lao động. Những lúc đơn hàng nhiều, thiếu lao động, không ít doanh nghiệp chấp nhận tuyển cả công nhân nam chưa qua đào tạo. Anh Nguyễn Trung Kiên, đại diện Công ty TNHH May Formostar Việt Nam (TP Hải Dương) cho biết thực tế khi tuyển dụng, lao động nam thường không tự tin với nghề nhưng qua đào tạo cùng với sự kiên trì họ đã vươn lên giữ nhiều vị trí quan trọng trong doanh nghiệp như: tổ trưởng, quản lý chuyền may. Một số lao động nam có thể làm nhiều công đoạn như: cắt vải, vắt sổ, may chi tiết, lắp ghép các loại vải riêng biệt thành một sản phẩm theo mẫu hoàn thiện. Khó khăn lớn nhất khi nam giới làm nghề may là phải học tính kiên trì. Ngồi làm việc một chỗ nhiều giờ đồng hồ nên ban đầu cũng bí bức, nhức mỏi lưng. Những công việc đòi hỏi tỉ mỉ, cặn kẽ như nhặt chỉ, may chi tiết phải mất rất nhiều thời gian để làm quen. Ngoài ra công nhân nam cũng không được hưởng một số chế độ riêng đối với chị em như nghỉ thai sản, nghỉ 30 phút/ngày khi đến tháng. Trong doanh nghiệp may công nhân nam thường phải đảm nhận thêm những công việc nặng nhọc như bốc vác, chuyển hàng và hỗ trợ chị em những việc khó.

Hiện chưa có một thống kê cụ thể về số lao động nam làm trong các doanh nghiệp ngành may mặc của tỉnh nhưng với sự đam mê, yêu nghề cùng với những chế độ tốt của doanh nghiệp chắc chắn nghề may cũng sẽ là lựa chọn của nhiều nam giới.

HẢI MINH

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/lao-dong---viec-lam/khi-nam-gioi-dam-me-voi-duong-kim-mui-chi-226668