Khi nào bãi vàng Thành Mỹ bị triệt xóa?

Hàng chục năm qua, bãi vàng trái phép Thành Mỹ nằm giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (H. Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) tồn tại dai dẳng. Mỗi năm, các ngành chức năng tiến hành hàng chục đợt truy quét, đẩy đuổi... thế nhưng vẫn không dẹp bỏ được vấn nạn trên.

Hàng chục năm qua, bãi vàng trái phép Thành Mỹ nằm giữa Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh (H. Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) tồn tại dai dẳng. Mỗi năm, các ngành chức năng tiến hành hàng chục đợt truy quét, đẩy đuổi... thế nhưng vẫn không dẹp bỏ được vấn nạn trên.

Một góc bãi vàng Thành Mỹ.

Một góc bãi vàng Thành Mỹ.

Ông Đinh Văn Hồng- Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Sông Thanh, kiêm Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh cho rằng, bãi vàng Thành Mỹ tồn tại ở đây đã gần 40 năm qua. Nhiều đối tượng đã lợi dụng địa hình hiểm trở, khu vực đồi núi sâu khai thác vàng trái phép dù các lực lượng chức năng đã tổ chức hàng trăm lượt truy quét... Để hiểu rõ hơn vì sao hàng chục năm qua bãi vàng trên vẫn không thể xóa bỏ được, chúng tôi đã có chuyến thâm nhập vào "điểm nóng" trên.

Sau khi làm việc với Đồn Biên phòng Đắc Pring và được sự hỗ trợ lực lượng đi cùng, vượt qua nhiều dốc đứng, suối sâu, chúng tôi mất hơn 4 giờ đi bộ mới vào địa điểm trên. Từ cuối bãi vàng có thể nhìn thấy khối lượng lớn đất đá ngổn ngang. Cạnh những khe nước hoặc đầu miệng hầm vàng rất dễ dàng bắt gặp máy móc dùng để khai thác vàng trái phép đã bị phá hủy. Qua tìm hiểu, số máy móc hư hỏng này là do lực lượng chức năng truy quét, phá hủy những lần trước. Càng tiến sâu vào khu bãi vàng, chúng tôi ghi nhận có hàng chục lán trại đã bị dỡ bỏ lớp bạt phủ mái. Có khoảng 30 miệng hầm mới, cũ tại bãi vàng này. Vật dụng để chống đỡ chủ yếu là gỗ được xẻ thành phách rất sơ sài, tạm bợ, nguy cơ sập hầm có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Theo tìm hiểu được biết, qua hàng chục năm đào bới, hệ thống đường hầm ở khu vực này nếu gộp lại có chiều dài lên đến hàng chục kilomet.

Khi hay tin chúng tôi tiếp cận bãi vàng, lực lượng chức năng của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh cũng cử một tổ truy quét. Tuy nhiên cũng như những lần trước, các đối tượng đã vào rừng hoặc chui vào những đường hầm sâu để trú ẩn. Chỉ có lán trại của Trần Quang Hải (trú H. Tiên Phước) có 2 đối tượng chưa kịp chạy trốn nên bị tạm giữ để lập biên bản. Qua truy quét, lực lượng Kiểm lâm phát hiện, phá hủy một số máy móc phục vụ cho việc đào đãi vàng do các đối tượng để lại.

Địa hình bãi vàng Thành Mỹ nằm ở giữa khe núi, vàng được phân tán nhỏ lẻ nên các đối tượng đào theo kiểu hang chuột, đào hết điểm này đến điểm khác và có nhiều ngóc ngách thông với nhau. Có những hầm ăn sâu xuống lòng đất hàng chục mét nhưng không có đồ bảo hộ hoặc hệ thống đảm bảo an toàn. Bởi vậy chiều 18-5, khi anh Trịnh Ngọc Phước (1970, trú xã Tiên Lộc, H. Tiên Phước) đang leo xuống hầm để khai thác vàng thì bất ngờ bị rơi xuống bị thương nặng và tử vong trên đường đi cấp cứu.

Được biết, trước đó ngày 8-5, nhóm phu vàng gồm Trịnh Ngọc Phước, Nguyễn Bông (1976, trú xã Quế Trung, H. Nông Sơn), Nguyễn Ngọc Ninh (1986, trú xã Quế Phong, H. Quế Sơn), Nguyễn Văn Phi (1987, trú xã Tiên Mỹ, H. Tiên Phước) và Võ Văn Thuyền (1993, trú xã Tiên Thọ, H. Tiên Phước) bàn bạc thống nhất rủ nhau vào khu vực đồi Thành Mỹ tổ chức khai thác vàng trái phép. Đến ngày 13-5, cả nhóm chọn một hầm cũ mà trước đây đã từng có người khai thác để tiến hành làm. Tuy nhiên, đến chiều 18-5 thì xảy ra vụ tai nạn đáng tiếc trên. Sau khi vụ việc chết người xảy ra, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế CA tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân vụ việc trên.

Vụ tai nạn trên xảy ra chỉ vài ngày sau khi lực lượng chức năng của Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh tổ chức truy quét. Qua ghi nhận cho thấy, để vào khu vực bãi vàng trên chỉ có 2 đường chính, đó là đường từ lòng hồ thủy điện Sông Bung 4 ngược dòng Khe Vinh để đến bãi; đường thứ hai từ trung tâm xã Đắc Pring để đi vào. Nếu lực lượng chức năng thường xuyên có mặt, chốt chặn tại các vị trí này thì "vàng tặc" khó mà thâm nhập vào được.

Theo lãnh đạo KBTTN Sông Thanh, từ đầu năm 2019 đến nay, Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Sông Thanh đã phối hợp với BQL KBTTN Sông Thanh, CAH Nam Giang, đoàn liên ngành của H. Nam Giang, Đồn Biên phòng Đắc Pring, lực lượng Cảnh sát Cơ động CA tỉnh Quảng Nam tổ chức 30 đợt kiểm tra, truy quét đối tượng khai thác vàng trái phép trong lâm phận KBTTN Sông Thanh. Qua truy quét, lực lượng chức năng phá hủy nhiều phương tiện, máy móc, dụng cụ dùng để khai thác vàng trái phép và nhiều vật dụng, lương thực thực phẩm khác; đẩy đuổi khỏi lâm phận khu bảo tồn hơn 300 đối tượng khai thác hoặc được thuê mướn khai thác khoáng sản trái phép.

Máy móc của các đối tượng "vàng tặc" bị đập phá.

Nói về "cái khó" để tồn tại dai dẳng vấn nạn "vàng tặc" tại đây, ông Đinh Văn Hồng cho rằng, thời gian qua UBND H. Nam Giang thường xuyên chỉ đạo các ban ngành có liên quan tổ chức tuần tra, truy quét bãi vàng Thành Mỹ, tuy nhiên do địa hình hiểm trở, lực lượng mỏng, đường sá đi lại rất khó khăn; hơn nữa, các đối tượng khai thác vàng tại đây hầu hết nghiện ma túy, tội phạm đến từ các tỉnh phía Bắc vào lẩn trốn... nên việc tuần tra, truy quét gặp rất nhiều khó khăn. Khi lực lượng Kiểm lâm vào truy quét, các đối tượng xuống hầm hoặc lẩn trốn vào rừng, sau đó tiếp tục bám trụ để khai thác. "Trong thời gian đến, chúng tôi tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân không tham gia gùi cõng hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép. Tham mưu UBND H. Nam Giang xây dựng kế hoạch chỉ đạo các ban ngành có liên quan tổ chức chốt chặn nhằm kịp thời phát hiện, xử lý và đẩy đuổi các đối tượng làm ăn phi pháp ra khỏi khu vực này. Tuy nhiên, do lực lượng Kiểm lâm quá mỏng, địa hình phức tạp, chia cắt bởi nhiều sông suối nên công tác quản lý, bảo vệ rừng ở khu vực này gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa", ông Hồng nói.

Thiết nghĩ, hơn lúc nào hết, cơ quan chức năng cũng như lãnh đạo KBTTN Sông Thanh cần đưa ra những giải pháp căn cơ, hiệu quả nhất. Qua đó triệt xóa vĩnh viễn được vấn nạn "vàng tặc" trong khu bảo tồn trên, nhằm lập lại ANTT, giữ được nguồn tài nguyên cũng như bảo tồn đa dạng hệ sinh thái nơi khu bảo tồn quan trọng bậc nhất miền Trung này.

TRẦN TÂN - LÊ VƯƠNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/75_206866_khi-nao-bai-vang-thanh-my-bi-triet-xoa-.aspx