Khi nào ngân hàng bị đặt tình trạng kiểm soát đặc biệt?

Theo quy định tại Điều 145 Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 01/01/2018, có 4 trường hợp dẫn đến việc Ngân hàng Nhà nước đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt.

Theo đó, tổ chức tín dụng được xem xét đặt vào kiểm soát đặc biệt khi lâm vào một trong các trường hợp sau đây:

Mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất; Hai năm liên tục bị xếp hạng yếu kém theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 của Luật này trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời hạn 06 tháng liên tục.

Luật cũng quy định khi có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán, tổ chức tín dụng phải kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước về thực trạng, nguyên nhân, các biện pháp đã áp dụng, các biện pháp dự kiến áp dụng để khắc phục và các đề xuất, kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước.

Theo Điều 145a, khi quyết định đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước thành lập Ban kiểm soát đặc biệt để kiểm soát hoạt động của tổ chức tín dụng đó.

Ngân hàng Nhà nước quy định hình thức kiểm soát đặc biệt, thời hạn kiểm soát đặc biệt, gia hạn thời hạn kiểm soát đặc biệt, chấm dứt kiểm soát đặc biệt, công bố thông tin về việc kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng;

Ngân hàng nhà nước cũng quy định thành phần, số lượng, cơ cấu, cơ chế hoạt động của Ban kiểm soát đặc biệt phù hợp với hình thức kiểm soát đặc biệt và thực trạng của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Kể từ ngày Ngân hàng Nhà nước đặt tổ chức tín dụng vào kiểm soát đặc biệt, dư nợ gốc, lãi của khoản cho vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng đó được chuyển thành dư nợ cho vay đặc biệt.

Theo quy định tại Điều 145b về chấm dứt kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định chấm dứt kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt khắc phục được tình trạng dẫn đến tổ chức tín dụng đó được đặt vào kiểm soát đặc biệt và tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn quy định tại Điều 130 của Luật này;

Trong quá trình kiểm soát đặc biệt, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt được sáp nhập, hợp nhất vào tổ chức tín dụng khác hoặc bị giải thể;

Sau khi Thẩm phán chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản để xử lý theo thủ tục phá sản cho tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Nguyễn Tuân

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/khi-nao-ngan-hang-bi-dat-tinh-trang-kiem-soat-dac-biet-post245272.info