Khi nào túi khí trên xe hơi sẽ bung?

Tùy trường hợp va chạm mà túi khí trên xe hơi sẽ bung hay không để bảo vệ người ngồi trên xe.

Ngày nay, túi khí được xem là trang bị an toàn không thể thiếu trên xe hơi. Vậy túi khí là gì và vì sao nó lại cần thiết đến như thế trên xe hơi?

Không phải khi va chạm, tất cả các túi khí đều phải bung. Ảnh: Reuters

Nguyên lý hoạt động của túi khí về cơ bản khá đơn giản. Bộ điều khiển điện tử sẽ nhận tín hiệu từ các cảm biến để xác định gia tốc giảm dần của xe. Khi bộ điều khiển nhận được tín hiệu gia tốc giảm dần đủ lớn (va chạm xảy ra) sẽ cung cấp dòng điện kích nổ túi khí tương ứng.

Tốc độ nổ túi khí rất nhanh (khoảng từ 10 đến 40 phần ngàn giây) nên sẽ tạo ra một túi đệm khí tránh cho phần đầu và ngực của hành khách va đập trực tiếp vào các phần cứng của xe. Sau khi đã đỡ được hành khách khỏi va chạm, túi khí sẽ tự động xả hơi nhanh chóng để không làm kẹt hành khách trong xe.

Sau khi đã đỡ được hành khách khỏi va chạm, túi khí sẽ tự động xả hơi.

Sự kích nổ túi khí phụ thuộc vào 2 yếu tố cơ bản: Lực va đập của xe (gây nên gia tốc giảm dần của xe) và vùng, hướng va đập (điểm và hướng va chạm xuất phát đầu tiên). Trên hầu hết xe Ford và một số hãng xe khác, túi khí sẽ được kích nổ khi gia tốc giảm dần tối thiểu là 2 G (G: gia tốc trọng trường) hoặc lực va đập tối thiểu tương đương với trường hợp xe đạt tốc độ khoảng 25 km/giờ va chạm trực diện vào bức tường bê tông cố định.

Giả sử, khi xe chạy ở tốc độ 120 km/giờ đạp phanh gấp cho xe dừng hẳn thì độ giảm tốc tối đa = 1,5 G như vậy độ giảm tốc 2 G để bung túi khí phải lớn hơn gia tốc giảm dần khi phanh gấp rất nhiều. Do đó, trong một số trường hợp, sau khi bị tai nạn, vẻ ngoài xe trông bị hư hỏng rất nhiều nhưng túi khí không nổ vì gia tốc giảm dần của xe chưa đạt giới hạn cho phép để kích nổ túi khí.

Với những trường hợp này, hệ thống dây đai an toàn đã đủ để giữ hành khách tránh khỏi những chấn thương nghiêm trọng. Vì vậy, trong tất cả các hướng dẫn sử dụng của tất cả các hãng sản xuất xe đều yêu cầu hành khách luôn đeo dây đai an toàn khi ngồi trên xe. Đây cũng là luật lệ bắt buộc của nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Không phải khi va chạm, tất cả các túi khí đều phải bung. Chẳng hạn như các túi khí bên và túi khí phía trên được thiết kế để hoạt động khi xe bị đâm mạnh từ bên sườn. Khi xe bị va đập chéo hoặc trực diện ở sườn xe nhưng không ở khu vực khoang hành khách, các thiết bị này có thể không nổ.

Như vậy, việc túi khí bung hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như lực va chạm, góc va chạm, việc thắt dây an toàn và tùy vào cách thiết lập ngưỡng túi khí hoạt động của từng hãng xe.

Theo Thanhnien.vn

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/oto-xe-may/201711/khi-nao-tui-khi-tren-xe-hoi-se-bung-2864161/