Khi ngân hàng cũng là nạn nhân

Mặc dù có quy trình kiểm soát các hoạt động cho vay, giải ngân rất chặt chẽ, song thời gian vừa qua, không ít ngân hàng đã phải dính 'trái đắng', thiệt hại số tiền lên đến nhiều tỷ đồng. Có những vụ mà nhóm đối tượng đã dùng những thủ đoạn tinh vi, lợi dụng lỗ hổng trong hoạt động tín dụng, chiếm đoạt tài sản.

Bởi vậy, xây dựng quy trình chặt chẽ, truyển dụng và quản lí tốt cán bộ là cách tốt nhất để các ngân hàng chủ động phòng ngừa.

Những hồ sơ “ma”

Mới đây Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội nhận được đơn đề nghị từ Ngân hàng TMCP A. để tiến hành điều tra một vụ lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 5 tỷ đồng của ngân hàng này.

Theo thông tin từ ngân hàng A. cung cấp, khoảng đầu năm 2019 một số nhân viên tín dụng thuộc chi nhánh B. của ngân hàng phát hiện một số cá nhân từng có khoản vay trả góp và làm thẻ tín dụng tại ngân hàng có dấu hiệu chây ì trả nợ. Theo hợp đồng, với những khoản vay trả góp thì hằng tháng, khách hàng có trách nhiệm để trong tài khoản một số dư nhất định (lớn hơn tổng số dư gốc và lãi vay) để ngân hàng tự động trừ khi đến ngày. Với thẻ tín dụng, khách hàng cũng có nghĩa vụ phải nộp lại đủ số tiền đã tiêu vào một ngày cố định trong tháng (có thể cộng trừ 1-2 ngày).

Tuy nhiên, nhân viên chi nhánh B. đã phát hiện có đến hơn 20 khách hàng cá nhân có những khoản vay và dư nợ trong thẻ tín dụng quá hạn nhiều ngày mà chưa thanh toán. Mỗi khách hàng nợ từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, khi liên hệ với những khách hàng này qua các thông tin trong hồ sơ đăng ký đều bất thành. Do đó, chi nhánh ngân hàng đã báo cáo lên hội sở để có biện pháp giải quyết. Qua kiểm tra, ngân hàng phát hiện có dấu hiệu tội phạm nên đã đề nghị Cơ quan công an vào cuộc.

Đối tượng Trung tại cơ quan Công an.

Đối tượng Trung tại cơ quan Công an.

Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã khẩn trương tiến hành các biện pháp nghiệp vụ nhằm xác minh đơn của Ngân hàng A. Thông tin ban đầu cho thấy, có cơ sở để xác định một nhóm đối tượng đã làm giả hồ sơ để chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của ngân hàng. Tuy nhiên, để làm rõ nhóm đối tượng và thực hiện các biện pháp tố tụng với nhóm này, lấy lại tiền cho ngân hàng lại là việc không hề đơn giản.

Theo nguyên tắc, mỗi cá nhân muốn vay thế chấp/tín chấp (hoặc làm thẻ tín dụng) của ngân hàng đều phải có một bộ hồ sơ với những yêu cầu chặt chẽ. Ngoài một công việc cố định (thể hiện trong hợp đồng lao động) khách hàng cũng phải cung cấp hộ khẩu, giấy CMND, bảng kê thu nhập; tài sản đảm bảo... Ngân hàng cũng tiến hành xác minh những thông tin này. Khi thấy đúng thì mới được ngân hàng giải ngân.

Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra tổ chức rà soát lại các số điện thoại đăng ký, hồ sơ làm việc... của những đối tượng trong nhóm tình nghi thì phát hiện hầu hết là số điện thoại “rác”. Các thông tin cá nhân trong hồ sơ đều thuộc dạng “Đầu Ngô mình Sở” nên rất khó để định danh được đối tượng. Bên cạnh đó, những thông tin về đối tượng trực tiếp nhận tiền mà ngân hàng đã giải ngân cũng rất mù mờ.

Cơ quan điều tra cũng xác định, rõ ràng nhóm đối tượng đã rất cao tay trong việc này. Bọn chúng đã tính toán từ trước, dựng lên những hồ sơ “ma”. Lắp ghép các thông tin, hình ảnh của người nọ sang người kia. Đồng thời còn thiết lập cả một tổng đài “ảo”, để khi cán bộ ngân hàng tiến hành xác minh thì chúng biết mà đối phó.

Vạch trần những nhân viên biến chất

Nếu như vụ việc ở trên, nhóm đối tượng đã dùng thủ đoạn rất tinh vi để “qua mặt” cán bộ nhân viên ngân hàng thì cũng có không ít những vụ án chính nhân viên ngân hàng đã tiếp tay cho các đối tượng phạm tội. Một trong số đó là vụ án xảy ra tại Ngân hàng M.

Theo một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội, tháng 12-2018 Cơ quan công an nhận được đơn trình báo từ Ngân hàng M. chi nhánh Yên Viên (Gia Lâm, Hà Nội) về việc bị một nhóm đối tượng sử dụng 2 thẻ tiết kiệm giả chiếm đoạt số tiền lên đến hơn 13 tỷ đồng.

Sau quá trình khẩn trương điều tra, truy bắt, Cơ quan công an đã làm rõ nhóm đối tượng gồm Chu Thị Thu Hường (SN 1980, trú tại Trần Quý Kiên, quận Cầu Giấy, Hà Nội - trưởng phòng giao dịch), Đỗ Đăng Trung (SN 1985) và Nguyễn Bá Anh (SN 1984), cùng trú tại xã Gia Đức, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Tài liệu điều tra của cơ quan Công an cho thấy cuối năm 2018, Đỗ Đăng Trung lâm vào tình cảnh khốn khó, do công việc làm ăn không thuận lợi, lại chi tiêu ăn chơi vô tội vạ. Trước đó Trung có quen biết Chu Thị Thu Hường khi Hường còn là nhân viên tại Ngân hàng M. Biết Hường là trưởng phòng giao dịch của một chi nhánh, Trung đã bàn với Hường cùng làm sổ tiết kiệm giả để chiếm đoạt tiền của Ngân hàng M. - nơi Hường đang công tác. Để công việc thuận lợi, Trung rủ thêm Bá Anh cùng tham gia.

Với vị trí là trưởng phòng giao dịch, Hường đã lấy được thông tin về 2 cuốn sổ tiết kiệm từ khách hàng VIP là anh Đ.P.N. (trú tại Hà Nội) rồi chuyển cho Trung. Để có được “phôi” của sổ tiết kiệm, Trung đã bảo Bá Anh ra Ngân hàng M. lập một cuốn sổ trị giá thấp mang về cho hắn. Từ đó Trung dùng máy scan màu chỉnh sửa, lắp thông tin của khách hàng Đ.P.N. vào. Đồng thời đối tượng cũng sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh, máy in màu, máy ép... làm giả giấy CMND của anh Đ.P.N. nhằm hoàn thiện hồ sơ để rút tiền.

Sau khi các loại giấy tờ được làm giả đã đầy đủ, chiều 19-12-2018, Trung gọi điện đến Ngân hàng M. chi nhánh Yên Viên để yêu cầu rút tiền vào ngày 20-12. Sáng hôm sau, Trung bắt taxi đến ngân hàng, làm thủ tục rút 2 sổ tiết kiệm mang tên Đ.P.N. Các nhân viên ngân hàng đã làm thủ tục cho Trung rút đủ số tiền. Trung chuyển tiền lên taxi, yêu cầu tài xế đưa đến điểm hẹn với đối tượng Bá Anh đang chờ sẵn tại địa bàn tỉnh Bắc Ninh, chuyển hết bao tải tiền lên chiếc xe Mercedes GLK của Trung rồi biến mất.

Nhóm đối tượng làm giả thẻ tiết kiệm, chiếm đoạt tài sản ngân hàng M.

Từ ngày 20-12 đến trước khi bị bắt, Trung đã chuyển số tiền 4,5 tỷ đồng cho Hường, cho Bá Anh hơn 500 triệu đồng và điện thoại di động iPhone mới. Trung cũng hứa sẽ cho Bá Anh chiếc xe Mercedes GLK mà Trung đang đi. Sau đó Trung mang tiền về gửi tại nhà bố mẹ tại Hải Phòng, đưa hơn 1 tỷ đồng cho vợ tại Bát Xát, Lào Cai; chi hàng trăm triệu cho bồ và mua đất...

Hiện vụ việc này đang được cơ quan Công an gấp rút hoàn thiện hồ sơ để đưa các đối tượng ra truy tố trước pháp luật.

Một vụ án khác, cũng do sự thông đồng cấu kết từ chính nhân viên ngân hàng, gây thiệt hại lớn cho một ngân hàng có chi nhánh Thăng Long. Tài liệu từ cơ quan điều tra cho thấy, từ năm 2008 đến 2012, Thạch Tuấn Anh (SN 1972, trú ở phường Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) - cựu Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất & thương mại Vĩnh Xuân đã ký hợp đồng cấp tín dụng hạn mức ngắn hạn với ngân hàng TMCP có chi nhánh Thăng Long.

Do công việc kinh doanh bết bát, Công ty Vĩnh Xuân lâm vào cảnh mất khả năng trả nợ ngân hàng cũng như duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhằm có tiền trả nợ và duy trì hoạt động, Tuấn Anh gặp lãnh đạo phụ trách chi nhánh nói trên đề nghị tiếp tục cấp hạn mức cho Công ty Vĩnh Xuân và được vị giám đốc này đồng ý. Trên cơ sở ủy quyền của Tổng Giám đốc, trong vòng một năm, lãnh đạo chi nhánh Thăng Long đã ký 2 hợp đồng cấp vốn ngắn hạn cho Công ty Vĩnh Xuân.

Để được giải ngân theo các hợp đồng cấp vốn đã ký kết, Tuấn Anh nhờ một số đối tượng thân quen ký các hợp đồng mua bán hàng hóa và xuất hóa đơn GTGT khống đối với Công ty Vĩnh Xuân; ký hợp đồng thuê bảo vệ kho hàng giả tạo và nhờ đối tượng Hải ký xác nhận vào biên bản kiểm kê hàng hóa để hợp thức hồ sơ vay tiền.

Thực tế, Công ty Vĩnh Xuân không mua bán hàng hóa nhưng Tuấn Anh vẫn chỉ đạo Bành Đức Thắng (kế toán Công ty Vĩnh Xuân) liên hệ với người đại diện theo pháp luật của nhiều doanh nghiệp để nhận các hợp đồng mua bán hàng hóa cùng hóa đơn GTGT khống. Kế đến là “chế” ra phương án kinh doanh, tờ trình giải ngân, khế ước nhận nợ, hợp đồng thuê mướn bảo vệ kho hàng và biên bản kiểm kê hàng hóa...

Hoàn thiện hồ sơ giải ngân khống, Tuấn Anh chuyển cho nhân viên quan hệ khách hàng của chi nhánh Thăng Long, để nhân viên này trình lãnh đạo ký lệnh chuyển tiền theo các hợp đồng mua bán hàng hóa giả tạo. Sau đó, những dòng tiền của ngân hàng nhanh chóng được chuyển cho Tuấn Anh để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Bằng thủ đoạn “phù phép” hồ sơ vay vốn, Thạch Tuấn Anh cùng đồng phạm dễ dàng “qua mặt” được ngân hàng và nhận gần 53 tỷ đồng. Đến hạn thanh toán nhưng Công ty Vĩnh Xuân mới trả được hơn 13,6 tỷ đồng, ngân hàng bán tài sản bảo đảm thu được một phần và Tuấn Anh còn chiếm đoạt hơn 22,3 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xác định Bành Đức Thắng tham gia lập khống với 23 biên bản kiểm kê hàng gửi kho và đến các công ty để nhận hợp đồng, hóa đơn GTGT “khống”, tương ứng với số tiền lừa đảo chiếm đoạt gần 22,4 tỷ đồng. Lê Anh Quang ký 2 hợp đồng mua bán thép khống và xuất 2 hóa đơn GTGT tương ứng, giúp sức cho Tuấn Anh chiếm đoạt 7,5 tỷ đồng của chi nhánh Thăng Long. Còn Nguyễn Mạnh Hải đã ký xác nhận khống vào 23 biên bản kiểm kê hàng hóa đối với Công ty Vĩnh Xuân.

Cũng theo tài liệu truy tố, một số cán bộ là những người đề xuất và ký giải ngân cho Công ty Vĩnh Xuân vay vốn, dẫn đến hơn 22,3 tỷ đồng không có khả năng thu hồi, đã vi phạm quy định và phải chịu trách nhiệm về hành vi đã gây ra.

Cần thực hiện đúng, chặt chẽ các quy trình

Theo một chuyên gia thuộc Ngân hàng Nhà nước, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những rủi ro tài chính xảy ra đối với các ngân hàng. Thứ nhất là do cơ chế dễ dãi, kiểm soát thiếu chặt chẽ. Ngân hàng đã xây dựng hệ thống quy trình, quy định cụ thể cũng như đưa ra các chỉ tiêu, tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp trước khi thực hiện bất cứ nghiệp vụ nào. Tuy nhiên, việc thi hành và giám sát thì còn rất lỏng lẻo... tạo cơ hội cho tội phạm nảy sinh, phát triển.

Thứ hai, do môi trường kinh doanh khắc nghiệt, áp lực khoán doanh số cao khiến người ta nghĩ đến bài toán lách luật. Ví dụ, việc lãnh đạo ngân hàng đề ra chiến lược và mục tiêu quá lớn mà không tính hết đến các rủi ro, khó khăn của nền kinh tế, chắc chắn sẽ tạo ra áp lực đối với các cấp thực hiện. Trong nhiều trường hợp, để hoàn thành được chỉ tiêu buộc họ phải “nhắm mắt làm liều”, vi phạm trong tác nghiệp. Thứ ba là do cán bộ non kém về nghiệp vụ, hoặc lơ là trong thực hiện các công việc hằng ngày. Và cuối cùng là do lòng tham, xuất phát từ lợi ích cá nhân.

Để hạn chế những rủi ro trong hoạt động ngân hàng, cần phải có các biện pháp đồng bộ, hiệu quả như: Hệ thống ngân hàng cần hoàn thiện cho mình một quy trình, quy chế đảm bảo một cách cụ thể, minh bạch để tất cả các nhân viên khi làm việc, tác nghiệp đều phải tuân theo những quy trình đó. Đồng thời xây dựng văn hóa quản trị rủi ro tác nghiệp cho nhân viên, nâng cao ý thức, đạo đức trong công việc...

M.Tiến - M.Trí

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/khi-ngan-hang-cung-la-nan-nhan-575086/