Khi nghệ sĩ cũng bán hàng giả hàng nhái (bài 2)

Hàng giả, hàng nhái tràn ngập mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Với những sản phẩm này không rõ nguồn gốc xuất xứ, giá cả nhưng được rao bán với giá trên trời, khiến lợi nhuận thu về là khá lớn. Chính vì thế không chỉ người dân mà ngay cả các nghệ sĩ cũng bất chấp rao bán công khai trên các trang cá nhân.

Hàng hiệu giá vài trăm

Ai cũng có quyền được kinh doanh online. Nhất là với nghệ sĩ, khi họ cho rằng, cuộc sống còn nhiều khó khăn, họ muốn kinh doanh để có tiền trang trải. Có người tự livestream bán hàng, có người được nhãn hàng thuê quảng cáo sản phẩm cho họ. Thế nhưng nhiều sản phẩm họ bán ra không hề được kiểm chứng về chất lượng, hàng hóa. Nhiều sản phẩm còn là hàng nhái của các thương hiệu nổi tiếng thế giới nhưng chỉ được rao bán vài triệu thậm chí vài trăm ngàn đồng.

Nhiều nghệ sĩ Việt chia sẻ, đăng clip quảng cáo về thực phẩm chức năngtrên các mạng xã hội.

Như trên trang cá nhân có tên "K.L" của người mẫu T.T thường xuất hiện những buổi livestream bán túi xách, kính mắt nhái các thương hiệu nổi tiếng như: Hermes, LV, Chanel... với giá chỉ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Người mẫu cũng tự làm mẫu cho một số mặt hàng giả nhãn hiệu được rao bán. Ngoài ra, T.T còn bán rất nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng nhập, dầu gội đầu... Trên trang cá nhân của mình ca sĩ Phương Trinh Jolie còn livestream rao bán những món đồ có kiểu dáng và logo giống hệt các thương hiệu Dior, Chanel nhưng giá chỉ vài trăm nghìn. Trước đó bà xã diễn viên Quý Bình được biết đến nghề tay trái là kinh doanh mỹ phẩm.

Giữa năm 2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định xử phạt vợ của nam diễn viên Lê Dương Bảo Lâm hơn 51 triệu đồng, buộc tiêu hủy 1.180 chai nước hoa giả nhãn hiệu Chanel, Gucci và đình chỉ kinh doanh 2 tháng về hành vi giả mạo nhãn hiệu, bán hàng hóa không có nhãn phụ tiếng Việt. Hai vợ chồng Lâm đã sử dụng mạng xã hội Facebook kinh doanh nhiều mặt hàng vài năm trở lại đây. Trước đó, Lâm cũng từng rao bán nước hoa các thương hiệu nổi tiếng với giá khá "mềm". Về sau, nhờ vào chút tiếng tăm của chồng, vợ Lâm cũng tham gia hoạt động kinh doanh online rất tốt, mỗi lần phát trực tiếp công khai rao bán hàng đều nhận được sự ủng hộ của khách gần xa.

Nghệ sĩ Cát Tường từng bị chỉ trích vì quảng cáo sữa tiểu đường.

Còn nhớ cuối năm 2022, cửa hàng kinh doanh của Trang Nemo tại Sài Gòn cũng đã bị thu giữ hàng trăm nghìn sản phẩm giả mạo nhiều nhãn hiệu nổi tiếng thế giới. Trang Nemo là biệt danh của Nguyễn Xuân Hương Trang, sinh năm 1992, một hot girl bán hàng đình đám mạng xã hội nhờ sở hữu ngoại hình xinh đẹp, nóng bỏng, tài ăn nói thu hút. Dù còn trẻ tuổi, nhưng nhờ nhan sắc trời phú cùng niềm đam mê thời trang, Trang Nemo sau đó đã tự mình xây dựng thương hiệu quần áo riêng và trở thành địa chỉ tin cậy của các tín đồ làm đẹp. Vì có hàng trăm nghìn người yêu mến, theo dõi trên trang cá nhân nên mỗi lần Trang Nemo livestream quảng cáo luôn nhận về lượt tương tác khủng. Công việc buôn bán thời trang, mỹ phẩm thuận lợi đã đem đến cho hot girl sinh năm 1992 một cuộc sống vô cùng sang chảnh, luôn xuất hiện bên siêu xe, hàng hiệu. Không những vậy, Trang Nemo còn nhiều lần gây choáng khi khoe với dân tình hàng loạt bất động sản đắt đỏ tại TP Hồ Chí Minh mà mình sở hữu.

Tuy nhiên vì mâu thuẫn với hot girl livestream Trần My xuất phát từ việc cả 2 cùng kinh doanh một sản phẩm hỗ trợ giảm cân, làm đẹp cho hội chị em, tự ý lấy hình ảnh độc quyền của mình để quảng cáo, bán hàng nên cả hai có màn ẩu đả ồn ào. Trang Nemo từng bị Viện Kiểm sát nhân dân quận 1 đề nghị xử phạt 6-12 tháng tù giam nhưng sau đó Tòa án nhân dân quận 1 đã trả hồ sơ đề nghị điều tra bổ sung. Còn cửa hàng của Trang Nemo bị xử phạt vì kinh doanh hàng giả, hàng nhái.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng QLTT phát hiện tại cửa hàng của Trang Nemo bày bán nhiều hàng hóa mang nhãn mác các thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Gucci, Louis Vuitton, Fendi… và không có bất kỳ hóa đơn chứng từ nào được xuất trình. Mỗi sản phẩm "hàng hiệu" tại đây có giá từ 300.000 - 850.000 đồng. Trong đó, trang sức xi mạ có giá từ 300.000 đồng. Quần áo "hàng hiệu" các loại có giá từ 300.000 - 850.000 đồng, giày dép từ 500.000 đồng…

Nghệ sĩ nên tiết kiệm cái “danh”

Thực tế còn nhiều người nổi tiếng chọn cách kiếm tiền bằng rao bán sản phẩm nhái. Dĩ nhiên, nói cho công bằng, họ cũng có quyền bán hàng online để mưu sinh và hiện có nhiều “nghệ sĩ” kiếm sống bằng kinh doanh online. Điều đó không hề sai trái, nhưng việc rao bán hàng nhái, hàng giả của một số nghệ sĩ là không thể chấp nhận. Dù quan điểm của họ xác định rõ đối tượng khách hàng có thu nhập vừa phải, muốn xài hàng mang thương hiệu, giá "mềm" nhưng họ quên mất bản thân lại là người của công chúng.

Cửa hàng của vợ Lê Dương Bảo Lâm từng bị xử phạt vì bán hàng nhái.

Có thể nói chưa bao giờ làn sóng bán hàng online lại mang tính "lây lan" như hiện nay… Không chỉ livestreams trên các nền tảng mạng xã hội, bán mỹ phẩm, túi xách, quần áo, kính mát… mà tận dụng tên tuổi, nhiều nghệ sĩ còn quảng cáo cho các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhất là hàng thực phẩm chức năng. Có khoảng thời gian, cứ mở tivi, mạng xã hội ra là tràn ngập hình ảnh các nghệ sĩ quảng cáo các loại thực phẩm chức năng khác nhau. Chẳng thế mà cư dân mạng đã chế ra bài vè cười ra nước mắt: “Thoát vị đĩa đệm thì gặp Quyền Linh/ U xơ trong mình, đến Hồng Vân gấp/ Vai gáy tê thấp, thì gặp Cát Tường/ Nếu bị tiểu đường, Quang Tèo chữa khỏi/ Đột quỵ đừng đợi, gặp ngay Trấn Thành/ Quang Thắng chữa nhanh, dạ dày trào ngược/ Nếu không chữa được, lại gặp Quyền Linh”.

Chưa bao giờ cái danh nghệ sĩ lại bị rẻ rúng trên truyền hình và mạng xã hội như bây giờ. Vì lợi ích cá nhân, các nghệ sĩ bất chấp cái danh, sự nổi tiếng để tận dụng triệt để trang cá nhân quảng cáo thực phẩm chức năng. Nhiều người tự nhận mình có bệnh và uống xong thuốc thì khỏi bệnh. Việc họ xuất hiện dày đặc trong các video clip quảng cáo với đủ các loại bệnh khiến người xem ngán ngẩm. Sau khi vấp phải sự chỉ trích của khán giả, nhiều nghệ sĩ lên mạng thanh minh cho rằng mình bị cắt ghép hình ảnh. Có người phải xóa bài đăng gấp và đăng đàn xin lỗi vì vấp phải làn sóng phản đối của khán giả. Sau khi quảng cáo tiền ảo trên một fanpage Nam Thư vội vã xóa bài và lên tiếng xin lỗi công chúng. NSND Hồng Vân từng xin lỗi khán giả khi quảng cáo viên sủi Shioka. Quyền Linh cũng xin lỗi vì quảng cáo thực phẩm chức năng mà anh cho rằng có tác dụng hỗ trợ điều trị tận gốc tế bào ung thư.

Một cơ sở kinh doanh vi phạm bị các lực lượng chức năng xử phạt.

Nghệ sĩ hay người nổi tiếng vốn có sức ảnh hưởng lớn, đặc biệt là với người hâm mộ. Đó là lý do nhiều nhà sản xuất, các nhãn hàng đã lợi dụng triệt để khi mời các nghệ sĩ quảng cáo cho sản phẩm của mình. Đáng tiếc là có nhiều nghệ sĩ vì lợi ích trước mắt hoặc không tìm hiểu kĩ sản phẩm mà quảng cáo sai sự thật, "ngó lơ" công dụng thực sự của sản phẩm đối với sức khỏe người dùng miễn bán được nhiều hàng. Ảnh hưởng của một người nghệ sĩ càng lớn thì sản phẩm càng được nhiều người tin dùng và hàng sẽ bán được nhiều.

Chính vì thế, việc công khai bán hàng giả, hàng nhái của một số người nổi tiếng như hiện nay cần phải xem lại. Chưa xét đến mặt luật pháp thì việc những "nghệ sĩ” bán hàng nhái, hàng giả cũng đã có cách hành xử không đúng trong việc giữ gìn hình ảnh trong mắt người hâm mộ. Những người nổi tiếng không nên vì lợi nhuận mà chấp nhận đánh đổi hình tượng của chính mình. Ai cũng biết sức ảnh hưởng của những người hoạt động trong showbiz rất lớn, nên việc này càng làm cho công tác phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng vốn dĩ khó khăn lại phức tạp hơn bội phần.

Vì vậy các cơ quan phụ trách văn hóa, thông tin và truyền thông cần chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội; các cơ quan quản lý nghệ sĩ, người nổi tiếng cần có biện pháp xử lý thích đáng những cá nhân có hành vi quảng cáo sai sự thật, trái quy định pháp luật.

Những người nổi tiếng phải hiểu rõ về sản phẩm mà mình quảng cáo để tránh tiếp tay cho hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng. Người nổi tiếng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và công chúng. Bên đề nghị quảng cáo và bên nhận quảng cáo phải ký hợp đồng rõ ràng và khi ký hợp đồng quảng cáo, bên nhận quảng cáo phải tìm hiểu kỹ về tính pháp lý, chất lượng của sản phẩm.

Để ngăn chặn và phòng ngừa việc quảng cáo, sản xuất, buôn bán, các loại sản phẩm không phải là thuốc nhưng được quảng cáo như thuốc chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý và chấn chỉnh quảng cáo kinh doanh thuốc qua mạng xã hội.

Bộ Y tế đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đăng quảng cáo các sản phẩm có tác dụng như thuốc nhưng không phải thuốc; quảng cáo thuốc chưa được phép lưu hành; quảng cáo thuốc khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác nhận. Đặc biệt là Bộ này đã đề nghị Bộ Công an chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các chủ tên miền quảng cáo trên các trang mạng xã hội vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân quảng cáo có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.

Trâm Anh

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/khi-nghe-si-cung-ban-hang-gia-hang-nhai-bai-2--i688443/