Khi nghệ sĩ loay hoay với cuộc sống mưu sinh

Hiện nay, một thực tế đáng buồn là đời sống nghệ sĩ sân khấu truyền thống như chèo, tuồng, cải lương… gặp phải rất nhiều khó khăn, chật vật, thậm chí có người phải lựa chọn một là bỏ nghề, hai là tìm việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Đâu là giải pháp để những người nghệ sĩ gắn bó với văn hóa dân tộc sống được bằng nghề trong bối cảnh hiện nay?

“Đói thì đầu gối phải bò”, trong bối cảnh hiện nay một số nghệ sĩ sân khấu truyền thống buộc phải làm thêm bên ngoài như: Làm MC đám cưới, kinh doanh nhà hàng, thậm chí làm xe ôm công nghệ … Nhưng điều đáng quý, đáng trân trọng là nhiều người vẫn gắn bó với nghề và không thôi hy vọng về một tương lai xán lạn của nghệ thuật sân khấu truyền thống nước nhà.

Lấy nghề “tay trái” để được sống với sân khấu

Cuối buổi chiều, tôi tìm đến quán bia ở ngã tư Nguyễn Khánh Toàn – Nguyễn Văn Huyên để gặp nghệ sĩ Danh Thái (Nhà hát Tuồng Việt Nam). Khác với vẻ bặm trợn trên phim truyền hình, ngoài đời nam diễn viên trông hiền khô trong chiếc quần jean và chiếc áo phông không cổ. Vừa mang bia cho khách, anh vừa quay sang tôi than phiền: “Đời sống nghệ sĩ khó khăn quá nên tôi phải mở thêm quán bia để tăng thu nhập. Bạn tính đồng lương của tôi và đồng lương ít ỏi của vợ là giáo viên cấp 2 làm sao có thể nuôi hai cô con gái, một con chuẩn bị vào đại học, một con chuẩn bị vào lớp 11”.

Đời sống nghệ sĩ sân khấu truyền thống hiện nay gặp nhiều khó khăn.

Đời sống nghệ sĩ sân khấu truyền thống hiện nay gặp nhiều khó khăn.

Thấy tôi đưa mắt quan sát khuôn viên quán khá khang trang, lại đông khách, anh bảo: “Để có được cửa hàng hôm nay, tôi đã gặp không ít thất bại từ những ngày đầu tập tọe kinh doanh, từ bán chân gà nướng, cà phê, đến karaoke. Là nghệ sĩ tuồng nên cứ phải “đa hệ” mới sống được, mới “nuôi” được đam mê tuồng”.

Không đạo mạo như trên sân khấu, nghệ sĩ Nguyễn Trọng Vinh (Nhà hát Cải lương Hà Nội) ngồi trước mặt tôi với khuôn mặt lo âu, với nước da sạm đen. Sau khi nhấp ngụm trà đá, anh kể, sau hơn 10 năm thuê nhà, vợ chồng anh quyết định mua chung cư ở phường Dương Nội (quận Hà Đông, Hà Nội) với giá 1,2 tỷ đồng, trong khi phải vay đến quá nửa của ngân hàng, trả góp trong 15 năm.

Sau 6 năm tích cóp, hiện tại gia đình anh vẫn còn nợ ngân hàng hơn nửa tỷ đồng, mỗi tháng phải trả ngân hàng cả gốc lẫn lãi 10 triệu đồng. Như vậy, số tiền phải trả mỗi tháng gấp rưỡi tiền lương của anh nên không còn cách nào khác là phải “tăng tốc” tìm cách trả nợ. Một ngày đẹp trời, anh chợt nghe ai nói: “Không làm gì nhanh giàu bằng buôn đất” thế là anh lao vào học nghề “cò” đất...

Vừa trở về nhà sau một ngày dài chạy xe ôm công nghệ (Grap) dưới thời tiết nắng nóng như “đổ lửa” ở Thủ đô, nghệ sĩ Bùi Đình Lý (Nhà hát Chèo Việt Nam) bảo, thời tiết này ra đường đúng là một cực hình nhưng vì cuộc sống mưu sinh biết phải làm thế nào. Anh thừa nhận, so với nghệ sĩ nữ thì nghệ sĩ nam có ít nhiều bất lợi hơn khi diễn bên ngoài. Chính bởi vậy, ngoài thời gian tập, diễn ở Nhà hát, nghệ sĩ sinh năm 1996 đã tìm đến nghề phụ hồ, chạy Grap.

Trung bình mỗi ngày làm phụ hồ, anh nhận được 250 nghìn đồng còn chạy xe Grap cũng được vài trăm. “Có nhiều lúc muốn bỏ nghề nhưng thực sự cứ nghĩ đến công sức 4 năm ăn học tại Trường Đại học Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội và biết bao kỳ vọng của gia đình, làng quê thì tôi lại không dám đưa ra quyết định này”, anh chia sẻ.

Với vẻ ngoài điển trai, lại trẻ trung, ăn nói có duyên, nghệ sĩ Hoàng Tuấn Thịnh (Nhà hát Cải lương Việt Nam) đã lựa chọn công việc làm thêm có vẻ nhàn hạ hơn, đó là làm MC đám cưới. Quê ở Thanh Hóa ra Hà Nội một thân, một mình, anh phải thuê nhà với giá 3 triệu đồng/tháng, trong khi lương của anh chưa đến 4 triệu đồng. Anh bảo, trung bình mỗi show mang lại cho anh 800.000đ/. Thế nhưng, nghề MC đám cưới lại theo “mùa”, vào “mùa cưới” thì anh rất tất bật, có ngày cao điểm làm 2, 3 show nhưng vào tháng “cô hồn” (tháng 7 âm lịch) thì coi như “móm”. “Như tháng 5 này, tôi mới nhận được mỗi một show, thôi thì “thắt lưng buộc bụng” vậy”, anh nói thêm.

Trong các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống dường như chèo vẫn sống khỏe hơn cả. Bởi chèo vẫn được các hội nghị, sự kiện và các làng quê đặt hàng biểu diễn. Như chia sẻ của TS. NSƯT Lê Tuấn Cường, Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Chèo Việt Nam: “Chèo thân thuộc, gần gũi với đời sống nhân dân, bởi thế chúng tôi vẫn có những show diễn bên ngoài và ngay cả những buổi diễn chèo tại rạp Kim Mã gần đây như vở “Quan âm Thị Kính”, “Bắc Lệ đền thiêng”… vẫn có khán giả mua vé đến xem dù không nhiều. Khi Nhà nước đầu tư có hạn thì bản thân mỗi nhà hát, mỗi nghệ sĩ chèo cần có sự vận động, cần có phương thức làm mới để thu hút khán giả”.

Nhà hát đi thuê, khó tuyển diễn viên

Cùng chung sự khó khăn với nhà hát sân khấu truyền thống khác, tuy nhiên Nhà hát Cải lương Việt Nam có những thiệt thòi hơn do chưa có rạp. Mỗi lần Nhà hát có buổi diễn lại phải thuê bên ngoài với giá khoảng 20 triệu đồng cho một buổi diễn.

TS.NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát khẳng định, buổi diễn đã ít khách lại thêm thiệt đơn, thiệt kép như thế thì sao mà “lại” được. Tuy nhiên, kêu khổ thì kêu lâu rồi nhưng không thể cứ ngồi kêu mãi được. Nhà hát đang nỗ lực và chỉ có quyết tâm duy nhất là kiếm tiền trong khi không có rạp, không có phương tiện trong khi loại hình nghệ thuật lại rất “kén” người xem.

Gần 40 năm tại Nhà hát Tuồng Việt Nam, NSƯT Ngọc Khánh nhận thấy nhiều năm trở lại đây chuyên ngành tuồng tại Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội không tuyển sinh được. Ông phân tích, “tre” thì mỗi ngày “già” đi mà “măng” lại chưa “mọc”, lực lượng kế cận chưa có là thực tế rất đáng lo. Với cùng thời gian 4 năm đó, nếu các em chọn ngành khác thì sau khi ra trường cơ hội việc làm rộng mở hơn, mức lương hấp dẫn hơn. Nếu đặt lên bàn cân như thế thì có thể hiểu việc tại sao các em không chọn tuồng, mặc dù có thể rất yêu thích.

Cũng bàn luận đến vấn đề đầu vào, nhà biên kịch Hoàng Thanh Du cho rằng, dường như hiện nay ai muốn theo nghệ thuật sân khấu truyền thống phải sinh ra trong gia đình có điều kiện đủ đầy, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” được đặt bên ngoài cánh cửa gia đình họ.

“Nói gì thì nói “có thực mới vực được đạo”, khi đồng lương và mức sống thấp thì nghệ sĩ khó lòng chuyên tâm làm nghề được. Trước đây các nghệ sĩ có tiền bồi dưỡng thanh sắc nhưng nay đã bị cắt, đồng lương đã thấp lại càng eo hẹp hơn. Đó là chưa kể ngân sách dựng vở thấp và thiết bị kỹ thuật sân khấu luôn rơi vào cảnh “vá chằng, vá đụp”, thiếu thốn đủ bề khiến nghệ sĩ khó lòng sáng tạo được”, nhà biên kịch Hoàng Thanh Du nói thêm.

Ngô Khiêm

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/khi-nghe-si-loay-hoay-voi-cuoc-song-muu-sinh-bai-1--i694603/