Khi nghị quyết đi vào cuộc sống

Nhận thức sâu sắc về vai trò và tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo, quán triệt sâu rộng các nghị quyết về văn hóa đến đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chặng đường 10 năm với nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai và đi vào thực tiễn cuộc sống, trở thành cẩm nang hành động của nhiều địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh…

Xác định việc xây dựng con người trong giai đoạn mới với tư tưởng, đạo đức và lối sống lành mạnh là lĩnh vực then chốt, tỉnh Quảng Ninh đã và đang chú trọng thực hiện nhiệm vụ này. Trong suốt 10 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước, hướng về cội nguồn như “Đền ơn đáp nghĩa”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”… được phát động rộng khắp, nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo nhân dân. Tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người dân đất Mỏ ngày càng được khẳng định và phát huy, nhiều nét mới trong giá trị văn hóa và chuẩn mực đạo đức từng bước được hình thành.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư5 (khóa VIII) tại Quảng Ninh.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư5 (khóa VIII) tại Quảng Ninh.

Cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai rộng khắp trên các xã, phường, thôn, khu; tạo khí thế thi đua yêu nước, đi vào đời sống của từng hộ gia đình, đời sống kinh tế, văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện, phát huy được sức mạnh nội lực và vai trò làm chủ của nhân dân. Đến cuối năm 2019, tỷ lệ số hộ gia đình trên địa bàn tỉnh được công nhận là "Gia đình văn hóa" đạt 93%. Phong trào xây dựng “Làng, khu phố văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” hoạt động sôi nổi, rộng khắp, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; tỷ lệ khu phố được công nhận làng, khu phố văn hóa trên toàn tỉnh đạt 88%. Những hủ tục lạc hậu đã được bài trừ, xóa bỏ. Việc tổ chức lễ hội tại các địa phương có nhiều tiến bộ, đơn giản hóa, lành mạnh, phù hợp và tiết kiệm; nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo được phục dựng và phát huy, gắn với du lịch và mang lại những hiệu quả đáng khích lệ.

Rước kiệu nghênh thần trong Lễ hội đình Trà Cổ (Móng Cái).

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa được chú trọng thực hiện. Toàn tỉnh hiện có 613 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 5 khu di tích quốc gia đặc biệt, 54 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 83 di tích xếp hạng cấp tỉnh và gần 500 di tích được kiểm kê, phân loại. Những di tích lịch sử được trùng tu, tôn tạo ngày càng đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân, tạo điều kiện để du khách gần xa tìm hiểu lịch sử, văn hóa và con người Quảng Ninh. Song song với đó, nhiều loại hình văn hóa dân gian tiêu biểu của từng địa phương, các làng nghề thủ công truyền thống, đặc biệt là văn hóa của các dân tộc thiểu số đã được phục dựng và phát huy giá trị.

Chị em phụ nữ Dao Thanh Phán thi thêu tại Ngày hội Kiêng gió (Bình Liêu).

Quán triệt sâu sắc việc xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, gắn với việc xây dựng con người phát triển toàn diện, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đoàn thể, các địa phương trong tỉnh đã khuyến khích, tạo điều kiện cho nhân dân được tổ chức và tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng, hình thành truyền thống xã hội tốt đẹp. Phong trào khuyến học, khuyến tài phát triển mạnh mẽ. Hệ thống thông tin, báo chí ngày càng phát triển. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư xây dựng và phát huy tối đa hiệu quả nhằm đáp ứng đời sống tinh thần, phát triển thể chất cho người dân. Sự tiến bộ đi lên trong việc tiếp nhận và lan tỏa văn hóa trong thời kỳ mới đồng thời đã trở thành cảm hứng cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ của Quảng Ninh với những tác phẩm văn học nghệ thuật, mĩ thuật, nhiếp ảnh nổi bật, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.

Phát huy kết quả đạt được, coi văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực, sức mạnh nội sinh cho sự phát triển, ngày 9/3/2018, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Nghị quyết đặt mục tiêu giữ gìn và phát huy bền vững bản sắc văn hóa; các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa; sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện. Đặc biệt, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển Quảng Ninh với các đặc trưng Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực được tỉnh Quảng Ninh chú trọng thực hiện.

Phát biểu tại Đại hội Đại biểu Hội VHNT Quảng Ninh lần thứ XI, ngày 23/11/2019, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, khẳng định: Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, các cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Ninh luôn xác định phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội phải kết hợp chặt chẽ và tương xứng với phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt; kiên trì thực hiện phương châm mỗi nấc thang của tăng trưởng kinh tế phải tạo ra bước phát triển mới về văn hóa; văn hóa phát triển góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Mai Linh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/202009/khi-nghi-quyet-di-vao-cuoc-song-2498733/