Khi người dân ý thức rõ quyền được tiếp cận thông tin

Sau gần 4 năm Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực (từ ngày 1.7.2018), một vụ kiện hành chính đầu tiên liên quan đến quyền tiếp cận thông tin đã được Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa thụ lý. Theo đó, công dân Nguyễn Văn Bình đã kiện UBND tỉnh Khánh Hòa vì cho rằng UBND tỉnh vi phạm quy định khi từ chối cung cấp thông tin về dự án sân golf cho người dân.

Từ năm 2000, gia đình ông Bình bị ảnh hưởng bởi việc UBND các cấp tại Khánh Hòa ra quyết định thu hồi đất, giao cho Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng Hoàn Cầu thực hiện dự án Khu du lịch - giải trí Sông Lô (nay là tổ hợp du lịch Diamond Bay resort & spa Nha Trang). Để có tài liệu, thông tin cung cấp cho cơ quan chức năng giải quyết khiếu nại, ngày 13.4.2020, ông có phiếu yêu cầu UBND tỉnh cung cấp thông tin, trong đó có Giấy chứng nhận đầu tư sân golf do tỉnh cấp cho Công ty này. Do không được giải quyết, ngày 13.5.2020, ông khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh về hành vi không cung cấp thông tin, không trả lời đơn. Hơn một tháng sau, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ký văn bản số 5898/UBND trả lời, từ chối cung cấp các thông tin cho ông Bình với lý do "việc cung cấp Giấy chứng nhận đầu tư sân golf của Công ty Hoàn Cầu xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp".

Không đồng ý, ông Bình khởi kiện, đề nghị tòa tuyên hủy văn bản trên của Chủ tịch UBND tỉnh, buộc UBND tỉnh phải cung cấp thông tin cho công dân theo quy định pháp luật. Tháng 12.2021, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định thu hồi văn bản bị kiện với lý do "chưa phù hợp về hình thức văn bản"; yêu cầu Văn phòng UBND tỉnh giải quyết việc cung cấp thông tin cho ông Bình. Tuy nhiên, đến ngày 14.1.2022, Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa ra Thông báo số 36, từ chối giải quyết cung cấp thông tin cho ông Bình với lý do thông tin ông yêu cầu cung cấp trước ngày Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 có hiệu lực.

Đúng hay sai sẽ có cơ quan tư pháp phân xử, nhưng có thể thấy rằng, ở góc độ tích cực, Luật Tiếp cận thông tin đã đi vào cuộc sống, người dân đã biết đến quyền của mình trong tiếp cận thông tin, biết mình được tiếp cận thông tin nào, đến đâu, như thế nào, cơ quan nào có trách nhiệm cung cấp thông tin, các cơ quan này được cung cấp loại thông tin gì, ở mức độ nào... Từ đó bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình. Điều này cũng có nghĩa khi hiểu biết pháp luật của người dân được nâng lên thì những lý giải chung chung, viện dẫn sai quy định pháp luật không còn được người dân chấp nhận.

Từ vụ việc cụ thể này còn cho thấy, lý do từ chối cung cấp thông tin, cũng như việc thay đổi các văn bản liên quan không thống nhất trong thời gian ngắn dẫn đến việc bị người dân kiện là cơ hội để đánh giá lại đội ngũ làm công tác tham mưu, pháp chế ở địa phương.

Bình Khang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khi-nguoi-dan-y-thuc-ro-quyen-duoc-tiep-can-thong-tin-pcvfmbczzg-81856