Khi người giỏi giang không chắc đã đàng hoàng

Người tài giỏi chưa chắc đã hoàn hảo ở mọi mặt, nhưng hiệu ứng hào quang đôi khi khiến chúng ta quên mất điều này.

Người tài giỏi chưa chắc đã hoàn hảo ở mọi mặt, nhưng hiệu ứng hào quang đôi khi khiến chúng ta quên mất điều này.

 Đồ họa: Mỷ Thi

Đồ họa: Mỷ Thi

Điểm chính:

Halo effect khiến bạn nhìn nhận con người, sự việc thiếu khách quan, chính xác.
Bằng cách chăm chút vẻ ngoài, bạn có thể tạo thiện cảm hơn với người đối diện.
Xem xét sự việc ở nhiều khía cạnh là cách hạn chế bị hiệu ứng hào quang tác động.

Là một dạng thiên kiến nhận thức, hiệu ứng hào quang (halo effect) xảy ra khi ta chỉ đánh giá ai đó dựa trên ấn tượng chung của mình về họ. Nếu đã biết đến họ như người thông minh, thành đạt, ta dễ mặc định họ cũng là người tử tế và chẳng mấy khi phạm sai lầm.

Một ví dụ điển hình là cách công chúng nhìn nhận người nổi tiếng. Khi người hâm mộ bị thu hút bởi hình ảnh hào nhoáng của thần tượng, họ có xu hướng đánh đồng thần tượng là người tốt bụng, hài hước, dễ mến dù thực tế chưa hề tiếp xúc qua.

Gần đây, sự việc Ngô Hoàng Anh (22 tuổi), sinh viên Đại học École Polytechnique (Pháp), bị nhiều cựu học sinh trường Phổ thông Năng khiếu TP.HCM tố từng có hành vi quấy rồi tình dục cũng thể hiện sự tồn tại của halo effect.

Trong khi số đông phản đối việc Hoàng Anh được Forbes Việt Nam đưa vào danh sách Under 30 và lên án hành động của anh trong quá khứ, một vài người vẫn cho đó là điều có thể chấp nhận và bỏ qua - bởi Hoàng Anh là cá nhân có thành tích học tập tốt và sở hữu nhiều thành tựu trong lĩnh vực khoa học giáo dục.

Nhưng hiệu ứng hào quang là gì mà có sức mạnh "chia rẽ" như thế?

Vì sao hình ảnh hào quang được sử dụng?

Hiệu ứng hào quang thường được đề cập chung với sự thu hút vẻ ngoài và khái niệm "cái gì đẹp cũng tốt". Nói cách khác, ngoại hình đẹp đẽ là yếu tố chính trong hiệu ứng hào quang, ngoài ra còn có các đặc tính gần giống như hòa đồng, thân thiện, sáng dạ, hài hước,...

Người có ít nhất một đặc điểm trên thường được xem là có nhiều hơn hoặc tất cả đặc điểm tích cực.

Trong nghệ thuật tôn giáo, vầng hào quang được khắc họa trên đầu các vị Thánh nhằm thể hiện sự cao trọng, tốt lành. Ánh sáng từ hào quang lan rộng và che phủ hầu hết chi tiết xung quanh, tương tự với cách chúng ta nhận định sai lệch về chân dung của người khác.

Nguồn gốc của hiệu ứng hào quang

Halo effect là thuật ngữ tâm lý xuất hiện vào năm 1920 trong bài viết "A Constant Error in Psychological Ratings" của Edward Thorndike, nhà tâm lý học.

Trong lúc nghiên cứu, Thorndike đã yêu cầu các sĩ quan quân đội đánh giá phẩm chất của những người lính cấp dưới. Cụ thể là cho điểm khả năng lãnh đạo, ngoại hình, trí thông minh, lòng trung thành và mức độ đáng tin cậy của họ.

Kết quả ông phát hiện rằng, nếu vị chỉ huy đánh giá một nhân sự lãnh đạo tốt, anh ta cũng được chấm điểm cao ở các hạng mục còn lại. Nếu cấp dưới bị chê về thể chất, những phẩm chất khác sẽ có cùng số phận.

Hiệu ứng này ảnh hưởng ra sao?

Halo effect ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống, như:

Giáo dục: Giáo viên có thể tương tác với học sinh tùy theo diện mạo. Một nghiên cứu còn phát hiện không ít giáo viên đặt kỳ vọng cao đối với học sinh mình ấn tượng. Ngược lại, học sinh thường nhận xét những giáo viên thân thiện, ấm áp là dễ tiếp cận, giảng hay,...
Công sở: Việc người có ngoại hình bắt mắt dễ lọt vào mắt xanh nhà tuyển dụng cũng có thể là kết quả của hiệu ứng hào quang. Nhờ vẻ ngoài chỉn chu, họ được cho là người có năng lực, kinh nghiệm.
Marketing: Tận dụng halo effect, các nhà quảng cáo hợp tác với người nổi tiếng để quảng bá sản phẩm. Nếu đó là người bạn ngưỡng mộ, nhiều khả năng bạn sẽ chi tiền vì tin sản phẩm hay dịch vụ đó chất lượng.

Trở lại với câu chuyện của Ngô Hoàng Anh. Thực ra, việc học giỏi và có hồ sơ nổi bật hoàn toàn không liên quan đến nhân cách của một người. Nó không quyết định được rằng, người đó sẽ không bao giờ sai và không gây tổn thương bất cứ ai.

Vì vậy trong những lần đánh giá, bình chọn hay bảo vệ quan điểm về ai đó sau này, có lẽ chúng ta nên cân nhắc liệu mình có đang bị ấn tượng tổng quát ảnh hưởng, từ đó bỏ qua các chi tiết quan trọng hay không.

Không dễ để tránh hiệu ứng hào quang vì nó đến với chúng ta một cách tự nhiên, vô thức. Song, bạn có thể chậm lại vài giây trước khi đưa ra phán đoán và hành động.

Thiên Hân

Đồ họa: Mỷ Thi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/khi-nguoi-gioi-giang-khong-chac-da-dang-hoang-post1297562.html