Khi người Hungary mượn rượu để trào phúng về mọi thứ trên đời

'Say xỉn học toàn thư' là cuốn sách được viết ra để châm biếm những gì nghiêm túc, chọc quê những kẻ đạo mạo, được viết bằng ngôn ngữ biến hóa khôn lường.

Bách khoa thư về khoa học, văn học, nghệ thuật hay lịch sử cũng đã có nhiều, nhưng về… say xỉn học thì dường như là của hiếm, đó là cuốn Say xỉn học toàn thư của hai tác giả giả Hungary Cserna-Szabó András và Darida Benedek. Buổi giới thiệu cuốn sách diễn ra vào tối 14/5 có sự tham gia của nhiều độc giả, những thành viên trong Hội hữu nghị Việt-Hung, hai diễn giả: nhà văn Di Li và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

Say xỉn học toàn thư được dịch giả Phan Anh Sơn chuyển ngữ thành công là một tác phẩm thú vị về văn hóa và lịch sử, với điểm nhìn gắn liền với những ly vang và những bữa rượu thịt ê hề. Thông qua văn phẩm đặc biệt này, tác giả “mượn rượu, mượn say để kể chuyện đời”, theo như lời nhận xét của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên.

Sách Say xỉn học toàn thư.

Rất nhiều “nạn nhân” bị đem ra giễu nhại, bóc trần bằng những giai thoại và các câu chuyện lịch sử: từ các triết gia Hy Lạp, các nhà thơ Ả Rập hư hỏng và những chính khách đầy ắp tham vọng như Nero, Stalin, George Bush đến các huyền thoại văn chương được trọng vọng như: Baudelaire, Rimbaud, Oscar Wilde, Hemingway, Bukowski, Jack London…

Nhà văn Di Li thích thú với câu chuyện say xỉn hài hước của nhà biên kịch người Na Uy Henrik Ibsen và tổng thống Mỹ George Bush. Chị chia sẻ: “Dưới con mắt của hai gã tinh quái kia, những chân dung huyền thoại bỗng hiện lên trần trụi đằng sau “cánh gà” của sân khấu lịch sử: khật khưỡng, nôn mửa, ngớ ngẩn và bệ rạc".

Để cho khán giả thấy một hình dung chung về tinh thần trào phúng của cuốn sách, các diễn giả lần lượt điểm qua những “gương mặt say xỉn” trứ danh như Charles Bukowski - nhà thơ, tiểu thuyết gia và nhà văn truyện ngắn người Mỹ gốc Đức chuyên viết về cuộc sống thường ngày của những người Mỹ nghèo khổ, chứa đầy men rượu, gái gú và những thói hư tật xấu của cuộc đời đến nỗi người ta gọi ông là “Nhà thơ vinh danh khu ổ chuột”.

Jack Londom - nhà văn nổi tiếng người Mỹ - đã biết say sưa từ khi tuổi còn nhỏ và ngất ngưởng trong suốt những năm còn lại của cuộc đời. Hemingway - tiểu thuyết gia người Mỹ - với thành tích uống rượu khắp năm châu bốn bể.

Các diễn giả tại tòa đàm về cuốn sách.

Hai tác giả cũng kế thừa truyền thống ấy, dám “cả gan” chuyển hoán tất cả những gì cao cả, thiêng liêng, lý tưởng và trừu tượng sang bình diện vật chất và xác thịt như những gì thể hiện trong Say xỉn học toàn thư.

Sự hài hước của cuốn sách này hình thành từ tri thức và chính sự hài hước lại trao cho tri thức sự tự do. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đã bình luận dí dỏm: “Giữa những gì nghiêm chỉnh, nghiêm trang, nghiêm nghị… cái cười là thứ rất quan trọng. Văn học nước ta thiếu nhất là những tiếng cười này”.

Một cuốn sách được viết ra để châm biếm những gì nghiêm túc, chọc quê những người đạo mạo, được viết bằng ngôn ngữ biến hóa khôn lường có thể là những gì mà chúng ta cần ngày nay. Vì cười là giây phút của tự do, phút chúng ta gạt bỏ mọi thứ, dù trong lĩnh vực văn chương, văn hóa hay lịch sử, để truy lần về “mẫu số chung” con người với bao bất an, ưu tư và suy nghiệm.

Ngài đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hungary tại Việt Nam, ông Öry Csaba, cũng chia sẻ thêm một tác gia rất hay viết về rượu, về say, về tình yêu và về Thượng Đế ở Hungray: Hamvas Bela. Ông bày tỏ mong muốn tác phẩm Triết học về rượu vang của nhà tư tưởng này sớm được dịch và xuất bản ở Việt Nam, tăng cường thêm những trao đổi văn hóa giữa hai nước, trong bối cảnh Trung tâm Văn hóa Hungary sắp có mặt tại Hà Nội.

Nancy Nguyễn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/khi-nguoi-hungary-muon-ruou-de-trao-phung-ve-moi-thu-tren-doi-post946461.html