Khi người Mỹ phải 'học hỏi' trong giáo dục

Ở Mỹ, quan niệm thông thường là để có được công việc tốt thì phải có một tấm bằng ĐH. Bằng chứng rõ nhất là khoảng 85% trong số 141.189 SV năm thứ nhất tham gia cuộc khảo sát do Viện nghiên cứu GD ĐH Hoa Kỳ thực hiện tại UCLA năm 2015 cho biết , lý do họ học ĐH là vì muốn có một công việc tốt hơn.

Lĩnh vực công nghệ cao đòi hỏi trình độ cao, nhưng tương lai cũng sáng sủa hơn

Mô hình giáo dục nghề và kỹ thuật không cần bằng cấp chỉ thu hút được người lớn tuổi ở Mỹ

Ít cơ hội cho người học thấp

Quan niệm nêu trên xuất phát từ một số thực tế từ xã hội Mỹ. Trong đó, khoảng cách thu nhập giữa những người tốt nghiệp ĐH và những người chỉ học xong phổ thông là rất lớn và có xu hướng tăng rộng trong những năm gần đây. Số liệu từ Cục Thống kê Lao động của Mỹ năm 2014 chỉ ra rằng, thu nhập trung bình theo tuần của những người có bằng cử nhân hoặc cao hơn gần gấp đôi những người chỉ tốt nghiệp phổ thông. Tỉ lệ thất nghiệp cũng cao nhất đối với nhóm lao động chỉ có chứng nhận tốt nghiệp THPT hoặc thấp hơn. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, năm 2015 cử nhân ĐH thu nhập trung bình cao hơn 56% tú tài THPT.

Nhìn chung, tiềm năng thu nhập của những người chỉ tốt nghiệp THPT là rất thấp. Thu nhập được điều chỉnh sau lạm phát của nhóm dân số này đã và đang giảm trong thời gian gần đây; đồng thời hầu hết những vị trí công việc được đảm nhận bởi lao động có bằng tốt nghiệp phổ thông kể từ sau cuộc suy thoái kinh tế 2007-2009 thuộc lĩnh vực phục vụ không yêu cầu tay cao. Joseph B Fuller, giáo sư về thực hành quản lý tại Trường Kinh doanh Harvard, viết trong một bài báo trên tờ USA Today, rằng Mỹ có “tầm nhìn hạn chế” về cách đưa những người có bằng tốt nghiệp phổ thông đi lên để có được cuộc sống thành công và độc lập.

Một lựa chọn để cải thiện triển vọng kinh tế cho người mới trưởng thành, nhưng không theo học ĐH, là tăng cường hệ thống đào tạo nghề đòi hỏi kỹ năng trung bình - tức những nghề yêu cầu thời gian đào tạo thêm sau phổ thông, nhưng không phải là bằng ĐH. Hầu hết các cá nhân hiện đang tham gia vào chương trình đào tạo nghề là những lao động trưởng thành, đã đứng tuổi, muốn nâng cao kỹ năng của mình. Trong khi đó, rất ít HS đăng ký học các chương trình đào tạo nghề này ngay sau khi tốt nghiệp THPT.

Các thống kê cho thấy, số lượng những người tham gia các chương trình dạy nghề ở Mỹ giảm trong vòng một thập kỷ (2003 – 2013), trước khi bắt đầu tăng lại vào năm này. Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã nhận ra sự cấp thiết của việc tăng cường GD nghề nghiệp. Tháng 6/2017, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh yêu cầu mở rộng dạy nghề trên cả nước, nhằm tăng tính khả dụng của các chương trình như vậy.

Tấm gương nước Đức

Trái ngược với Mỹ, nước Đức lại có một hệ thống đào tạo nghề dựa trên công việc rất hiệu quả và giành được nhiều lời khen ngợi trên toàn thế giới. Trong khi các cử nhân ĐH ở Đức cũng có mức lương cao hơn nhiều so với lao động trình độ thấp hơn, giáo dục và đào tạo nghề (VET) ở Đức lại là lựa chọn rất phổ biến, giúp người học đạt được các kỹ năng cần thiết cho một sự nghiệp thành công. Bằng chứng là có 47,2% - tức gần một nửa dân số Đức - có chứng chỉ nghề chính thức vào năm 2016. Tất cả SV ở Đức (1,3 triệu SV) đã đăng ký vào các chương trình VET trong năm 2017, so với con số chỉ 190.000 SV trong cùng một năm ở Mỹ.

Hệ thống VET của Đức mang lại lợi ích kinh tế to lớn. Một mặt, nó giúp hạn chế tối đa tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ: Tỉ lệ thất nghiệp ở Đức năm 2017 khoảng 6,4%, so với 9.5% của Mỹ, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Đức cũng là một trong những quốc gia có tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ thấp nhất châu Âu. Mặt khác, chính nhờ hệ thống VET, vốn chuyên cung cấp cho các doanh nghiệp những nhân viên được đào tạo tốt, đã góp phần quan trọng vào việc đưa Đức trở thành một trong những quốc gia có lực lượng lao động hiệu quả nhất thế giới.

Hệ thống đào tạo kép của Đức - kết hợp đào tạo thực tế tại nơi làm việc với hướng dẫn lý thuyết trên lớp - giúp học viên làm quen công việc tốt hơn. VET cũng mở ra một loạt các lựa chọn nghề nghiệp đầy hứa hẹn cho những người trẻ tuổi, qua đó tăng cường vốn kiến thức xã hội và văn hóa cho họ.

Không ngạc nhiên khi sự thành công của mô hình dạy nghề ở Đức đã truyền cảm hứng cho các nước như Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ý, Slovakia và Latvia, khi áp dụng hệ thống tương tự VET của Đức. Các quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và Việt Nam đang hợp tác với chính phủ Đức để hiện đại hóa hệ thống dạy nghề của mình. Với sự thành công của Đức và sự công nhận của cộng đồng quốc tế, hệ thống VET có thể áp dụng vào Hoa Kỳ hay không?

Lĩnh vực y tế là một trong những nghề có nhiều người trẻ theo học

Những rào cản lớn

Trong khi chính phủ Mỹ những năm gần đây đã tìm cách mở rộng mô hình GD nghề nghiệp và kỹ thuật (CTE), vẫn có rất ít sáng kiến được thực hiện ngoài khuôn khổ Khung nghề nghiệp quốc gia để chuẩn hóa GD nghề trên toàn quốc. Như đã nói ở trên, chính quyền Trump đang thúc đẩy mạnh mẽ việc mở rộng đào tạo nghề. Chính quyền Obama trước đó cũng hỗ trợ CTE và trong năm 2014 đã phân bổ 100 triệu USD cho các chương trình học nghề trong các ngành công nghiệp tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, do bản chất của hệ thống chính phủ Mỹ, các sáng kiến như vậy thường diễn ra trong khuôn khổ chính sách chiến lược nhằm “tăng cường tính linh hoạt của nhà nước và địa phương trong việc cung cấp các dịch vụ và hoạt động được thiết kế để phát triển, thực hiện và cải thiện” CTE. Đây là một cách tiếp cận cơ bản khác so với hệ thống được điều tiết và tiêu chuẩn hóa cao của Đức.

Cũng cần lưu ý rằng, VET của Đức là một hệ thống mang tính tích hợp và hợp tác. Chính phủ Đức trợ cấp thành phần lý thuyết hoặc trường học của VET, bằng cách cung cấp GD miễn phí tại các trường dạy nghề công lập, trong khi tài trợ CTE ở Hoa Kỳ hạn chế hơn nhiều.

Một vấn đề khác là tỷ lệ bỏ việc cao ở Mỹ, đặc biệt là ở các công nhân trẻ. Động lực chính để người sử dụng lao động chấp nhận người học việc là để tuyển dụng và đào tạo lao động trong tương lai, đáp ứng nhu cầu cụ thể của công ty. Một khảo sát năm 2017 chỉ ra rằng, 82% nhân viên Đức cảm thấy trung thành với chủ nhân của họ, 37% công nhân ở lại với công ty của họ trong hơn bảy năm; trong khi đó, công nhân Mỹ chỉ làm cho một nhà tuyển dụng trung bình 4,2 năm.

Cuối cùng là các trở ngại liên quan đến việc thiếu các quy định mạnh mẽ của chính quyền liên bang và các cơ chế thực thi ở Hoa Kỳ, sự cản trở từ các công đoàn lao động hay sự kì thị đối với lao động trình độ thấp (áo cổ xanh) trong bối cảnh xã hội Hoa Kỳ vẫn ưu tiên GD ĐH, với khẩu hiệu “ĐH cho tất cả”. Tất nhiên, cơ hội cho việc phát triển CTE ở Mỹ vẫn là rất lớn, nhưng không dành cho những ai có tham vọng về một cuộc sống thành đạt. Những nhân vật như Bill Gates, Steve Jobs hay Mark Zuckerberg chỉ là những trường hợp hiếm hoi của cả nhân loại, không có bất cứ ai có thể học theo được

Linh Hà

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/khi-nguoi-my-phai-hoc-hoi-trong-giao-duc-3944326-b.html