Khi người thầy là chỉ huy đơn vị

Ở Trường Quân sự Quân khu 3, Trung tá Tống Văn Sáng- Tiểu đoàn trưởng và Trung tá Nguyễn Ngọc Quyết- Chính trị viên Tiểu đoàn 1 có những điểm tương đồng khá ấn tượng.

Không chỉ giản dị, dễ gần mà "cặp đôi" này còn là đồng hương Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), cùng được đào tạo cơ bản tại Trường sĩ quan Lục quân I (chuyên ngành trinh sát). Thậm chí, ở họ còn có một cái “cùng” hết sức rất thú vị nữa là trước khi trở thành người “đứng mũi chịu sào” ở Tiểu đoàn 1, Trung tá Tống Văn Sáng là Thạc sĩ, Tổ trưởng Tổ giáo viên chiến thuật (Khoa Binh chủng hợp thành) và Trung tá Nguyễn Ngọc Quyết là giáo viên triết học.

Nghe nói, thời điểm anh Sáng và anh Quyết được điều động về làm cán bộ “đứng mũi chịu sào” Tiểu đoàn 1 thì phân đội này đang “gợn” lên vấn đề công tác tư tưởng và tình hình vi phạm kỷ luật thông thường của bộ đội có chiều hướng gia tăng. Nhận nhiệm vụ làm cán bộ quản lý biết là khó khăn hơn nhiều so với làm chuyên môn của một nhà giáo, song Trung tá Tống Văn Sáng lạc quan kể rằng: “Anh Quyết được điều động từ Phòng Chính trị về làm cán bộ chủ trì tiểu đoàn trước tôi mấy tháng. Lúc đó đội ngũ cán bộ khung của tiểu đoàn mỏng. Tiểu đoàn quản lý lượng học viên đông, đối tượng lại đa dạng, biên chế 4 đại đội thì mỗi đại đội có đối tượng học viên khác nhau, thời gian đào tạo dài ngắn cũng khác nhau, anh em lại ở nhiều vùng miền, nhiều đơn vị trong toàn quân về đây học tập, rèn luyện…”.

Chỉ huy Tiểu đoàn 1, Trường Quân sự Quân khu 3, kiểm tra nội vụ vệ sinh lớp đào tạo đại học ngành quân sự cơ sở.

Để tìm ra được “lời giải” cho “bài toán khó” này, theo Trung tá Nguyễn Ngọc Quyết, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Tiểu đoàn 1, trước hết cấp ủy, chỉ huy đơn vị phải tập trung làm rõ nguyên nhân sâu xa của những hạn chế, yếu kém kể trên. Ngay sau đó, một loạt biện pháp cụ thể được cấp ủy đơn vị đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn, khắc phục yếu kém. Một trong những vấn đề Trung tá Quyết rất tâm đắc là cán bộ chủ trì ở các cấp trong tiểu đoàn thực hiện trước, thực hiện thường xuyên việc phát huy vai trò nêu gương trong mọi hành động; thường xuyên sâu sát, gần gũi để nắm và giải quyết tốt tư tưởng bộ đội, tránh bị động, bất ngờ về công tác tư tưởng. Riêng trong chỉ đạo, điều hành của người chỉ huy ở các cấp phải vừa kiên quyết nhưng cũng phải mềm dẻo, linh hoạt trong xử lý từng vấn đề, tình huống. Mục đích là xây dựng được một môi trường mô phạm trong tiểu đoàn, bảo đảm cho cán bộ, nhân viên, học viên luôn thực sự phát huy dân chủ, cởi mở trong giao tiếp, đoàn kết như anh em ruột thịt trong gia đình, có như vậy mới kích thích được tinh thần say mê học tập, luyện rèn của học viên.

Chủ trương đúng, trúng, những biện pháp đưa ra lại hết sức cụ thể, phân công rõ trách nhiệm đến từng cá nhân trong cấp ủy, chỉ huy, quá trình thực hiện nhiệm vụ đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp lại phát huy tốt vai trò nêu gương trong hành động nên chất lượng, kết quả thực hiện nhiệm vụ của đơn vị ngày càng được nâng lên, tình trạng vi phạm kỷ luật thông thường của học viên trong đơn vị từ đó bắt đầu giảm xuống rõ rệt. Dễ dàng nhận thấy, mặc dù kế hoạch học tập, rèn luyện của mỗi đối tượng học viên trong tiểu đoàn có sự khác nhau cả về nội dung, thời gian, địa điểm, song buổi học, buổi huấn luyện nào của mỗi lớp, trên giảng đường cũng như ngoài thao trường, các anh đều theo sát bám nắm thường xuyên. Khi thì chúng tôi thấy hai anh đi cùng, nhưng có lúc mỗi anh theo sát một, hai lớp. Trung tá Sáng bảo rằng, đi kiểm tra thường xuyên không đơn thuần là chỉ huy tiểu đoàn nắm rõ hôm nay lớp này học môn gì, lớp kia huấn luyện ở địa điểm nào, quân số có đủ hay không…, mà điều quan trọng là chỉ huy đơn vị được gần gũi và hiểu học viên nhiều hơn, nắm chắc chất lượng học tập ở từng lớp để có thể đề xuất ngay với giáo viên những nguyện vọng chính đáng của học viên.

Đề cập đến phương pháp quản lý, chỉ huy bộ đội linh hoạt, mềm dẻo, Tiểu đoàn trưởng Sáng dẫn ví dụ, với học viên đào tạo đại học chuyên ngành quân sự cơ sở, chúng tôi nhận thấy đa số các em tuổi đời còn rất trẻ, trải nghiệm thực tiễn trong môi trường kỷ luật “thép” chưa nhiều, nhận thức và hành động đôi khi không thống nhất, tính cách còn bồng bột nên dễ vi phạm kỷ luật thông thường. Để quản lý tốt, cán bộ các cấp, nhất là cán bộ quản lý trực tiếp phải thường xuyên sâu sát, gần gũi, vừa động viên, định hướng hành động, vừa kịp thời nhắc nhở điều chỉnh những biểu hiện nhận thức lệch lạc, hành vi chưa đúng, chưa chuẩn mực.

Với sự năng động, tâm huyết, trách nhiệm của “cặp đôi” Tống Văn Sáng và Nguyễn Ngọc Quyết và sự nỗ lực cố gắng của lãnh đạo, chỉ huy các cấp, năm 2018, Tiểu đoàn 1 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, được Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường ghi nhận, biểu dương.

Bài, ảnh: MẠNH DŨNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/khi-nguoi-thay-la-chi-huy-don-vi-559128