Khi nhà giáo quá áp lực vì thành tích

Giáo viên (GV) phải là người hạnh phúc, truyền được cảm hứng cho học trò. Nhà giáo cũng phải vượt qua áp lực một cách chủ động và biến thành động lực… Đây là thông điệp được đưa ra tại buổi tọa đàm 'Áp lực của GV, nguyên nhân và giải pháp' do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 14/12.

Dồn áp lực lên vai học sinh
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý và GV cho rằng, xã hội hiện đại, người GV chịu rất nhiều áp lực từ phía xã hội, gia đình và nhà trường. Đa số GV đều có phẩm chất đạo đức tốt nhưng vẫn còn một số không kiềm chế được cảm xúc đã dẫn đến hành động phạt học sinh rất phản giáo dục. TS Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch HĐQT hệ thống trường THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy) chỉ ra 6 nguyên nhân dẫn đến GV vi phạm đạo đức. Đầu tiên có thể kể đến 70% số GV được đào tạo theo cách cũ, với lối dạy chỉ cung cấp kiến thức, lấy điểm số, chạy đua theo thành tích dẫn đến nhà trường tạo nên áp lực đối với GV, GV lại làm khó HS…

 Cô và trò trường THPT Việt Đức trong giờ học. Ảnh: Công Hùng

Cô và trò trường THPT Việt Đức trong giờ học. Ảnh: Công Hùng

Vì chạy theo điểm số, phụ huynh cũng bị áp lực về thành tích của con. Phụ huynh kỳ vọng và ước mơ của mình lên con trẻ quá nhiều. Điểm mạnh của con đã bị đẩy sang một bên, dần dần đứa trẻ mất đi tiếng nói của mình, học vì cha mẹ. Từ những phân tích này, cô Phan Thị Hồ Điệp - Khoa Giáo dục đặc biệt, trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, phụ huynh đã gây áp lực cho GV. Cô Điệp mong muốn, mỗi nhà trường nên có tổ tư vấn tiếp nhận ý kiến của phụ huynh mà không thông qua trực tiếp Hiệu trưởng hay GV, nhằm tránh cho HS chứng kiến những hình ảnh không đẹp. Những buổi họp, bớt nói về em này học giỏi, em kia điểm số thấp, thông báo các khoản phí phải đóng. Thay vào đó, trao đổi với phụ huynh về những khúc mắc và bàn cách giải quyết. TS Nguyễn Văn Hòa đề nghị Bộ GD&ĐT nên đào tạo Hiệu trưởng để làm cơ sở chuyển biến GV. Nhà giáo phải là người truyền cảm hứng cho học trò.
Biến áp lực thành động lực
Nghề nào cũng có áp lực. Làm sao để biến áp lực thành động lực là quan điểm được PGS.TS Nguyễn Đức Sơn - Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, trường ĐH Sư phạm Hà Nội đưa ra tại buổi tọa đàm. Thầy Sơn thông tin kết quả khảo sát 1.500 GV về lý do chọn nghề, có 58,9% lựa chọn vì yêu thích và hài lòng với công việc, số còn lại chọn vì hoàn cảnh và không hiểu rõ nghề sẽ làm. Để GV có đạo đức nghề, trước hết phải xuất phát từ khi HS chọn nghề GV phải có tư chất. Làm được điều đó, tuyển sinh vào trường sư phạm cần phải có thêm công cụ để kiểm tra tư chất và định hướng nghề của thí sinh. Trong trường sư phạm, việc giáo dục về phẩm chất, đạo đức cho giáo sinh phải có môi trường trải nghiệm. Nhà trường rất cần có phòng tâm lý cho HS, GV để giúp họ xử lý và ngăn ngừa bức xúc.
Từ thực tế tại trường THPT Nguyễn Tất Thành, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thu Anh chia sẻ: Trường đang cố gắng xây dựng môi trường để sinh viên sư phạm thực hành tốt nhất. Để biến áp lực thành động lực, nhà trường đưa ra nhiều giải pháp đối với GV như hỗ trợ tập huấn xây dựng môi trường dạy học trải nghiệm. Khi có vấn đề xảy ra, Ban Giám hiệu lắng nghe ý kiến phụ huynh, GV, HS và cùng nhau ngồi bàn để giải quyết.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, để giải bài toán áp lực cho nhà giáo, cần có những chính sách rất cụ thể, khả thi và phù hợp với hoàn cảnh. Để có được những nhà giáo đạo đức và tâm huyết với nghề, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo, mùa tuyển sinh tới, các trường sư phạm cần có phương án để xác định được năng lực, năng khiếu, hiểu biết của người học, bên cạnh tính điểm môn học theo tổ hợp. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường sư phạm đổi mới chương trình theo hướng tăng cường giáo dục làm người. Trong đó, giáo dục mầm non, tiểu học được chú trọng về lòng nhân ái, yêu thương để định hướng trẻ thơ.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/khi-nha-giao-qua-ap-luc-vi-thanh-tich-332069.html