Khi nhà giáo viết báo

Không chỉ tâm huyết, yêu nghề, yêu trò, nhiều giáo viên còn đam mê viết văn, viết báo. Những tác phẩm của ' nhà báo không chuyên' mang hơi thở cuộc sống, thể hiện nguyện vọng, mong muốn về sự phát triển của ngành Giáo dục và những điều tốt đẹp trong cuộc sống.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Sơn Đông, huyện Lập Thạch có Làng Tiến sĩ nổi danh Kinh Bắc một thời nên từ nhỏ, cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Trần Phú, thành phố Vĩnh Yên không chỉ đam mê nghiên cứu, truyền giảng kiến thức cho các thế hệ học trò; đặc biệt, cô thích đọc thơ, viết văn. Được biết, thông qua những trang viết, bài báo chính là các cô, các thầy luôn mong muốn bằng những kiến thức, kinh nghiệm của bản thân để chuyển tải, lan tỏa nhân rộng không chỉ đối với các thế hệ học sinh mà cả cộng đồng bồi đắp thêm nhiều kiến thức tô điểm cuộc sống tích cực, phong phú hướng tới xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp, nhân ái hơn.

Ngoài công việc giảng dạy trên lớp, cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, Trường THPT Trần Phú còn dành thời gian viết văn, viết báo. Ảnh: Minh Hường

Ngoài công việc giảng dạy trên lớp, cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, Trường THPT Trần Phú còn dành thời gian viết văn, viết báo. Ảnh: Minh Hường

Những năm theo học tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2, với niềm đam mê văn chương, cô Trang tích cực viết báo đăng trên tập san của nhà trường và một số tạp chí. Từ năm 2000 đến nay, 23 năm cống hiến cho ngành Giáo dục, mặc dù bận rộn với công tác chuyên môn, nhưng niềm đam mê viết văn, viết báo vẫn luôn cháy bỏng, thôi thúc cô Trang.

Nhiều năm qua, cô là cộng tác viên nhiệt tình của nhiều tờ báo, tạp chí như Tạp chí Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh, Báo Vĩnh Phúc, Cổng thông tin giao tiếp điện tử tỉnh (Sở Thông tin và Truyền thông), Báo Dân trí, Báo Giáo dục thời đại…

Cô Trang chia sẻ: “Ban đầu, tôi viết tản văn, viết bài phản ánh góc nhìn về giáo dục, trao đổi kinh nghiệm, phương pháp giảng dạy, cảm xúc về nghề, về trường, lớp, học trò như tác phẩm “Đổi mới tổ chức hoạt động ngoại khóa trong trường học”, “Trường THPT Trần Phú: Diện mạo tương lai và niềm tin đổi mới”, “Gặp lại Phùng Văn Tuyến”… Sau đó, tôi mở rộng phạm vi, nội dung viết bài, các tác phẩm ngày càng đa dạng như tác phẩm “Vùng đất hiếu học ngày ấy - Bây giờ” viết về mảnh đất Sơn Đông giàu truyền thống…".

Với sự nỗ lực và luôn cháy với đam mê, cô Trang đã giành nhiều giải thưởng về báo chí như giải Khuyến khích Báo chí tỉnh năm 2018 với tác phẩm “Vùng đất hiếu học ngày ấy - Bây giờ”; giải B - Giải thưởng VHNT viết về 120 năm thành lập đô thị Vĩnh Yên (năm 2019); giải C cuộc thi viết “Vĩnh Phúc đi lên cùng đất nước” năm 2020; giải thưởng VHNT 5 năm tỉnh Vĩnh Phúc (2016 -2021); giải C - Giải Báo chí xuất sắc về chủ đề Vĩnh Phúc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 năm 2022…

Tại đơn vị công tác, cô Trang tích cực phát triển hoạt động truyền thông nhà trường. Là chủ nhiệm và cố vấn CLB Truyền thông của học sinh, cô Trang tổ chức cho các thành viên trải nghiệm nghề truyền thông đa phương tiện với sự tham gia của đại diện Hội VHNT tỉnh, một số kênh Youtube, trung tâm tổ chức sự kiện… giúp học sinh có những hiểu biết và những bài viết đầy cảm xúc. Tài năng và niềm đam mê của cô Trang đã “truyền lửa” cho nhiều học sinh trở thành những cây bút cứng của trường, nhiều em theo học chuyên ngành báo chí và trở thành nhà báo…

Vốn đam mê đọc sách nên từ thời còn là học sinh, thầy Dương Khánh Toàn, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Thị Giang, huyện Vĩnh Tường từng được bạn bè gọi với cái tên yêu mến “Nhà văn nhí”. Những năm sinh viên, ngòi bút của thầy Toàn càng trở lên sắc sảo và là cây bút đắc lực cộng tác cho nhiều báo và tạp chí như Văn học trẻ, Báo Giáo dục thời đại…

Ba thập kỷ là "người lái đò trên dòng sông tri thức", thầy Toàn vừa cầm phấn đứng trên bục giảng truyền dạy những bài văn hay cho học sinh, vừa miệt mài cầm bút viết văn, viết báo. Hiện, thầy đang là cộng tác viết của báo tỉnh và một số báo Trung ương; là 1 trong 6 biên tập viên của Cổng thông tin giao tiếp điện tử Sở GDĐT và phụ trách mảng thơ trên cổng thông tin của sở.

Các bài viết của thầy Toàn có nội dung về phương pháp giảng dạy môn Ngữ văn, kỷ niệm tuổi thơ, văn hóa đọc, vòng tay nhân ái… bởi thầy mong muốn góp phần chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy với đồng nghiệp, thúc đẩy phong trào học tập, nghiên cứu trong giáo viên và học sinh, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhà giáo…

Ngoài giờ dạy học, thầy giáo Dương Khánh Toàn, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Thị Giang tích cực đọc sách và đam mê viết văn, viết báo. Ảnh: Minh Hường

Ngoài giờ dạy học, thầy giáo Dương Khánh Toàn, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Nguyễn Thị Giang tích cực đọc sách và đam mê viết văn, viết báo. Ảnh: Minh Hường

Thầy Toàn chia sẻ: “Với tôi, dạy học là lẽ sống và là nối nghiệp truyền thống sư phạm của gia đình, còn viết báo là đam mê”. Để viết được nhiều tác phẩm hay, được bạn đọc yêu thích, thầy Toàn đã vận dụng vốn kiến thức chuyên ngành cùng với cảm xúc chân thành, sự trải nghiệm thực tiễn; bên cạnh đó, thầy tích cực trao đổi, học hỏi từ nhiều bạn bè là những nhà báo nổi tiếng; đồng thời, tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ truyền thông của ngành…

Ngoài sáng tác thơ, viết báo, thầy Toàn còn tham gia biên soạn nhiều cuốn sách hay. Điển hình các cuốn sách “Bứt phá điểm thi THPT quốc gia môn Ngữ văn” và “Tuyệt kỹ luyện giải đề thi Ngữ văn" theo định hướng mới nhất của Bộ GDĐT, “Sketch test luyện đề THPT quốc gia 2020 môn Ngữ văn”…

Cùng với cô Trang, thầy Toàn, còn nhiều thầy, cô giáo khác đang ngày đêm vừa dạy học, vừa viết văn, viết báo. Đó là thầy Tống Thanh Kiều, giáo viên môn Tin học Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc yêu thích nghề viết và nhiếp ảnh nên đầu tư, dành thời gian viết về các sự kiện của trường, tin, bài về thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; phương pháp dạy môn Tin học, bảo quản tài khoản, khắc phục hạn chế khi dạy và học online… phù hợp với thời kỳ phát triển công nghệ số.

Đó là thầy Nguyễn Văn Lự, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Vĩnh Yên viết nhiều bài báo về lòng tự hào, tự trọng của nhà giáo, chuyện thi cử, đổi mới phương pháp dạy học, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục học sinh cá biệt...

Nhà giáo viết báo - mỗi người một phong cách, nhưng họ là những người thầy, người cô đầy trách nhiệm, luôn đau đáu vì sự nghiệp phát triển giáo dục. Những bài báo của các thầy cô đều chứa đựng tâm huyết, mong muốn ngành Giáo dục ngày càng phát triển, mỗi giáo viên, học sinh luôn được hạnh phúc, cuộc đời luôn tràn ngập những điều tốt đẹp.

Minh Hường

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/id/95104/khi-nha-giao-viet-bao