Khi nhà khoa học đồng hành với nông dân

Để giúp nông dân làm chủ sản xuất, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các nhà khoa học tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông. Tại đây, các nhà khoa học đã trực tiếp giải đáp những khó khăn cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp, nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Nhờ được trang bị kiến thức khoa học, kỹ thuật, các trang trại chăn nuôi gia cầm tại xã Yên Bài (huyện Ba Vì) cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Hương Giang

Trang bị kiến thức cho nông dân

Bà Nguyễn Thị Thái ở xã Cam Thượng (huyện Ba Vì) chia sẻ, gia đình bà có 7 sào bưởi, thời gian gần đây, vườn bưởi bị vàng lá non, thiếu sức sống so với trước. Tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông do Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức cuối tháng 4 vừa qua, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển cây có múi (Viện Nghiên cứu rau quả trung ương) Cao Văn Chí đã giải đáp về hiện tượng này. Đó là sau đợt mưa hoặc nắng nóng kéo dài, bộ rễ tơ của cây bị thối, hỏng, không hút được nước và dinh dưỡng, dẫn đến cây bị vàng lá. Người dân cần phun thuốc trừ nấm bệnh và rệp sáp hại rễ, tưới phân kích dễ và bón bổ sung phân hữu cơ vi sinh...

Còn ông Nguyễn Văn Lâm ở xã Quang Lãng (huyện Phú Xuyên) cho hay, dù gia đình ông làm nghề chăn nuôi thủy sản đã nhiều năm, nhưng vẫn không khắc phục được hiện tượng cá chết. Được sự hướng dẫn của các nhà khoa học, gia đình ông đã biết cách phòng bệnh cho cá, như: Bảo đảm môi trường ao nuôi ổn định và nguồn nước sạch, thường xuyên thay nước kết hợp quạt ô xy để loại bỏ độc tố và dùng chế phẩm vi sinh để khôi phục lợi khuẩn trong ao, bổ sung vitamin C vào thức ăn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh thông tin, thời gian qua, huyện đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông. Tại diễn đàn, người dân được tiếp cận với các nhà khoa học, được trao đổi, học hỏi nhiều kinh nghiệm quý áp dụng vào thực tế sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi cũng như giá trị nông sản. Các nhà khoa học cũng giới thiệu cho người dân nhiều loại vật nuôi đặc sản, giá trị kinh tế cao, phù hợp với đặc điểm của địa phương; khuyến cáo nông dân đầu tư sản xuất theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho biết, Diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông được tổ chức với mục đích trang bị kiến thức, giúp nông dân làm chủ khoa học, kỹ thuật. Diễn đàn được tổ chức luân phiên tại các huyện, thị xã với sự tham gia của Ban cố vấn là các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành về lĩnh vực chăn nuôi, thú y, thủy sản, trồng trọt, bảo vệ thực vật... Sự tư vấn, giải đáp trực tiếp của các nhà khoa học đã giúp nông dân áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế được dịch bệnh phát sinh, ô nhiễm môi trường, cho hiệu quả kinh tế cao hơn từ 10% đến 15% so với sản xuất theo phương pháp truyền thống…

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Tuy nhiên, do điều kiện thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, sâu bệnh phát sinh nhiều; sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ và thiếu cơ sở vật chất; trình độ của người dân không đều, nên việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp chưa thực sự hiệu quả. Đặc biệt, mối liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông) chưa chặt chẽ, nhất là giữa các doanh nghiệp với nông dân trong tiêu thụ sản phẩm…

Ông Phùng Thế Phương ở xã Ba Trại (huyện Ba Vì) đề xuất, thời gian tới, các sở, ngành cần thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao kiến thức về khoa học, kỹ thuật cho nông dân và các nhà khoa học “cầm tay chỉ việc” cho nông dân tại đồng ruộng để sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua đó, nông dân nắm bắt và tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thành phố…

Còn Giáo sư Nguyễn Lân Dũng khuyến cáo, để hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, ngoài việc trực tiếp giải đáp thắc mắc tại diễn đàn của các nhà khoa học, các địa phương cần tổ chức các lớp tập huấn với nội dung phù hợp trình độ của nông dân, bám sát thực tế phát triển nông nghiệp trong từng giai đoạn. Mặt khác, các địa phương tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho cán bộ nông nghiệp ở cơ sở để họ trực tiếp hỗ trợ nông dân khi vào vụ sản xuất.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Đoàn Đức Dân cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, nhà khoa học chuyển giao ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất thông qua việc xây dựng các mô hình có trọng tâm, trọng điểm, gắn với lợi thế và định hướng phát triển nông nghiệp của từng vùng, từng địa phương. Từ đó, nhân rộng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, mang lại hiệu quả cao và xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cũng như tổ chức lại sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, hướng tới nền nông nghiệp bền vững.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khi-nha-khoa-hoc-dong-hanh-voi-nong-dan-665680.html