Khi nhân viên thích sếp... 'vắng nhà'

Nhiều người lao động mơ ước được làm việc cho công ty mà sếp hay người quản lí luôn vắng mặt. Nhưng trên thực tế, điều này lại có thể mang lại cho bạn không ít phiền phức.

Khi sếp "vắng nhà", nhân viên thường không biết hay không muốn làm hết trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ. Theo Bob Lazzarini, một thành viên của các giảng viên Chương trình Quản lý khóa học tại Antioch University Los Angeles, sếp và nhân viên cần có sự tương tác với nhau, một người đóng vai trò thực hiện, người kia chịu trách nhiệm quản lý.

Dù không thường xuyên có mặt ở công ty, nhưng sếp vẫn có cách quản lý riêng và nắm rõ mọi việc xảy ra - (Ảnh minh họa)

Có nhiều lý do khiến sếp thường xuyên vắng mặt ở công ty. Có thể do sếp không có kỹ năng quản lý, không thích tham gia vào các mối quan hệ với nhân viên hoặc người đó quen kiểu điều hành từ xa… Đôi khi, sếp của bạn cũng là những nhân viên được cân nhắc lên vị trí quản lý dựa trên trình độ chuyên môn và thâm niên làm việc mà không hiểu hết tầm quan trọng của vị trí quản lý. Nhiều trường hợp, những người ấy còn làm việc bên ngoài và chủ quan rằng, không có họ ở công ty, mọi việc vẫn suôn sẻ.

Một số vị sếp lại cho rằng, sự xuất hiện của họ ở công ty chỉ khiến nhân viên cảm thấy gò bó và không phát huy hiệu quả một cách tối đa. Vì vậy, họ thường vắng mặt để tạo môi trường làm việc thuận lợi nhất, bởi họ tin rằng, nhân viên sẽ tự xoay xở được với mọi tình huống và sếp không còn là ông chủ đáng sợ trong mắt nhân viên. Tuy nhiên, dù nói gì đi nữa, việc sếp vắng mặt luôn mang lại phiền toái cho nhân viên.

Lazzarini cho rằng, có nhiều cách khắc phục vấn đề này. Biện pháp hiệu quả nhất là nắm rõ mọi việc trong lòng bàn tay để truyền đạt lại cho sếp và đừng quên nói rõ nguyện vọng của mình một cách chân thành.

Mặt khác, khi bạn phải làm việc mà không có sự hiện diện của sếp, bạn cũng nên thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Hãy làm theo hai lời khuyên sau:

- Làm hết trách nhiệm

Một nhân viên khá không thể nói rằng, sự vắng mặt của sếp khiến họ không biết phải làm gì. Hãy nhớ rằng, bên cạnh bạn có rất nhiều người có thể hướng dẫn bạn và dù có mặt ở công ty, sếp cũng không thể để ý hướng dẫn bạn đến từng chi tiết, nhúng tay vào mọi việc ở công ty được.

Vì thế, bạn nên độc lập trong suy nghĩ và giải quyết công việc, tự tìm động lực, mục tiêu cho riêng mình rồi cố gắng làm tốt công việc dù có thể không thuộc hoàn toàn trách nhiệm của bạn. Nên nhớ, sự nỗ lực không bao giờ là thừa cả. Sếp dù vắng mặt nhưng họ luôn có cách để đánh giá nhân viên theo phương pháp riêng.

- Học cách quản lý ngay từ bây giờ

Đừng chờ đến khi công ty bị phá sản mới tìm hiểu về cách quản lí. Khi sếp thường xuyên vắng mặt, hãy đặt mình vào vị trí đó, nghĩ xem bạn muốn nhân viên làm gì và quay lại làm viêc theo những gì đã nghĩ. Sự độc lập ấy chứng tỏ bạn luôn chủ động trong mọi tình huống và sẵn sàng đảm nhận vị trí mới cao hơn. Đặc biệt, khi công ty có vấn đề, thay vì ngồi đó mà đợi sự sắp xếp của sếp bạn nên làm hét khả năng để đóng góp cho công ty, giúp giải quyết rắc rối được chút nào hay chút đó.

Một điều bạn cần lưu ý là nếu chẳng may có phạm phải sai lầm, đừng bao giờ đổ lỗi cho sự vắng mặt của sếp hay nghĩ rằng sếp không biết nên đùn đẩy lỗi cho người khác. Bạn phải nhớ rằng “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, dù bạn thoát khỏi trách nhiệm một lần nhưng ai dám chắc những lần khác, bạn không rơi vào tình trạng “đi đêm lắm có ngày gặp ma”.

Hải Như

Theo CareerBuilder/Bưu Điện Việt Nam

Nguồn Znews: http://www.zing.vn/news/viec-lam/khi-nhan-vien-thich-sep-vang-nha/a130463.html