Khi những giá trị quá khứ chưa hề xưa cũ

'Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy' là chủ đề và nội dung Tọa đàm mở do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật phối hợp Hội Mỹ thuật Tp. Hồ Chí Minh tổ chức.

Đã 65 năm qua kể từ ngày 10.12.1951, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư cho giới Mỹ thuật vào đúng thời điểm gay go, ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ý nghĩa sâu sa từ huấn thị này chính là văn học nghệ thuật cách mạng, tiến bộ cần đi trước mở đường và người nghệ sĩ chính là chiến sĩ. Niềm mong mỏi, kỳ vọng của Bác là: văn nghệ sĩ phải đi sâu vào thực tế phong phú, sôi động của cuộc sống hằng ngày để hiểu biết, khám phá và sáng tạo ra những hình tượng nghệ thuật điển hình, có giá trị thẩm mỹ cao, có sức cảm hóa mạnh mẽ đối với người đọc (văn học, thi ca…) cùng đông đảo người thưởng ngoạn nghệ thuật (mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh…). Đây có thể là quan điểm cô đọng nhất khi xác định rõ vai trò của Văn hóa nghệ thuật người nghệ sĩ, và Người không chỉ đề cập vấn đề này với riêng các họa sĩ, các nhà điêu khắc... trong giới mỹ thuật, mà là với toàn thể giới văn nghệ sĩ Việt Nam bao hàm toàn bộ các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật: văn học, thi ca, mỹ thuật, nhiếp ảnh, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh...

Buổi tọa đàm với chủ đề chính là “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy”

Khi “mặt trận” của “người nghệ sĩ” là chiến trường, chiến tranh khốc liệt

Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, văn hóa nghệ thuật luôn song hành mặt trận vũ trang và chính trị, và khắp từ Bắc chí Nam đông đảo các: họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà quay phim, nhiếp ảnh… đều chính là chiến sĩ cầm súng trực tiếp tham gia chiến đấu, hoặc phục vụ chiến đấu trên các chiến trường ác liệt.

Với lĩnh vực Mỹ thuật, họa sĩ - chiến sĩ Tô Ngọc Vân với những bức ký họa thực tế đã trở thành niềm tự hào của giới mỹ thuật Việt Nam và tên tuổi ông đã sống mãi cùng lịch sử. Những bức tranh ký họa chì, bút sắt, màu nước: Khi giặc đi qua, Nghỉ chân bên đồi, Nữ cứu thương, Hai chiến sĩ, Bộ đội trong hang, Xưởng quân giới, Trú quân, Chuẩn bị lên đường, Hành quân qua suối, Lên đèo, Qua đèo Lũng Lô… của ông trước lúc hy sinh, đã trở thành tài sản quý giá. Ngoài ra, còn có nhiều nghệ sĩ tạo hình tên tuổi khác như: Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Phan Kế An, Nguyễn Văn Tỵ, Sỹ Ngọc, Nguyễn Tư Nghiêm, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim… Bên cạnh họ là lớp họa sĩ được đào tạo trong kháng chiến như: Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Đào Đức, Ngô Mạnh Lân, Nguyễn Thế Vị, Lê Huy Hòa… ; Lớp họa sĩ từ miền Nam với: Diệp Minh Châu, Huỳnh Văn Gấm, Nguyễn Kao Thương, Nguyễn Phước Sanh, Trần Văn Lắm, Hoàng Trầm, Lương Đống, Tô Dự, Vũ Trung Lương, Bùi Kỉnh, Nguyễn Văn Lương, Nguyễn Đức Lưu, Nguyễn Phương Hùng, Thái Hà, Lê Văn Chương, Trang Phượng, Phạm Quyết Chiến, Nguyễn Văn Kinh, Nguyễn Thanh Bình… và nhiều nhiều nữa mà người viết bài chưa thể kể hết.

Nhìn lại lịch sử đã qua, TS. Mã Thanh Cao nhận xét: “nếu trong kháng chiến chống Pháp, các nghệ sĩ tình nguyện lên chiến khu”, thì “đầu thập niên 60, khi chiến trường miền Nam đang ở thời kỳ khốc liệt nhất, rất nhiều họa sĩ đã tình nguyện ra mặt trận để sống, chiến đấu và sáng tạo nghệ thuật ở bưng biền, chiến khu, những vùng chiến tranh ác liệt”. Đó là nhiều các họa sĩ từ miền Bắc vào; nhiều các họa sĩ quê Nam Bộ đã tập kết ra Bắc, rồi lại trở về quê hương hoạt động; nhiều các sinh viên mỹ thuật yêu nước tình nguyện ra bưng biền cầm súng chiến đấu… sẵn sàng đối mặt với đói, rét, bệnh tật và thiếu thốn trăm bề để vừa chiến đấu, vừa vẽ. Trong những ngày chiến tranh ác liệt, những tập ký họa của họa sĩ Huỳnh Phương Đông, Cổ Tấn Long Châu và của nhiều họa sĩ khác từ chiến trường miền Nam đã gửi ra - như những trang nhật ký bằng tranh giới thiệu sinh động những quang cảnh chiến trường cùng hình tượng sinh động của: các chiến sĩ giải phóng quân, các cô văn công giải phóng, nữ y tá, thanh niên xung phong, chiến sĩ anh hùng, o du kích… như nhận xét của nhà phê bình Thái Hanh là “tự nhiên, duyên dáng và rất mực lạc quan hào hùng”. Điều thú vị nhất là sau khi những bức ký họa này đã được Triển lãm tại Hà Nội, chính Bác Hồ “đã chỉ thị cho in để phổ biến rộng rãi tại miền Bắc cho nhiều người được biết những hình ảnh sinh động về miền Nam, mang đến sự cổ vũ to lớn về tinh thần chiến đấu quả cảm đối với toàn quân và đồng bào ta suốt thời chiến tranh chống Mỹ”.

Với lĩnh vực Văn học, nhiều nhà văn trong kháng chiến chống Pháp đã lăn lộn ở chiến trường, tham gia các chiến dịch Thu Đông, Việt Bắc, Biên giới, Điện Biên Phủ… Trong số đó có nhiều người đã hy sinh anh dũng như các nhà văn - chiến sĩ: Nam Cao, Trần Đăng, Trần Mai Ninh…; Trong kháng chiến chống Mỹ, đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước ta đã không phân biệt vùng miền Nam - Bắc, cùng tích cực vừa cầm súng, vừa cầm bút. Những tên tuổi thế hệ văn nghệ sĩ như: Anh Đức, Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà, Nguyễn Văn Bổng, Nguyễn Quang Sáng, Phan Tứ, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Khoa Điềm, Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Chính Hữu, Nguyễn Đức Mậu, Thái Bá Lợi, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Khắc Trường, Chu Lai, Khuất Quang Thụy, Lý Văn Sâm, Viễn Phương, Giang Nam, Trang Thế Hy, Lê Quang Trang, Ngô Y Linh, Hoài Vũ, Diệp Minh Tuyền… và rất nhiều nhiều nữa không thể kể hết, trong đó có biết bao những người đã anh dũng hy sinh như: Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý… mà như tọa đàm ca ngợi “họ là những chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu với tư cách công dân - nhà văn - chiến sĩ”, vừa “là những chứng nhân của lịch sử”, đã “nhận thức trách nhiệm nặng nề của một thế hệ gánh đất nước trên vai” và đã “nhận thức được trách nhiệm nặng nề của một thế hệ mà lịch sử chọn làm điểm tựa. Không chỉ cầm súng giết giặc mà họ còn thấm thía hơn cả sức mạnh của văn hóa, văn nghệ”.

Với lĩnh vực Âm nhạc, tại miền Bắc có phong trào “Tiếng hát át tiếng bom” ngay bên chiến hào, mâm pháo, ngay bên hầm trú ẩn, hố bom khi vừa hết báo động. Trong suốt những ngày nóng bỏng chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ (1964 - 1968 và 12 ngày đêm “Điện Biên Phủ trên không” 1972), nhiều những ca khúc đầy bi tráng đã ra đời và gắn liền với bao tên tuổi các nhạc sĩ tài danh - không hề phân biệt Bắc, Nam, cùng chung sức, chung lòng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc như: Lưu Hữu Phước, Phạm Tuyên, Hoàng Vân, Đỗ Nhuận, Trọng Bằng, Hoàng Việt, Phan Nhân, Phan Huỳnh Điểu… và nhiều nhiều những “nghệ sĩ - chiến sĩ” nữa mà giá trị nội dung và nghệ thuật của nhiều ca khúc đã trở sống mãi cùng năm tháng trong lòng khán thính giả; Cùng nhịp nhàng như thế, tại các đô thị miền Nam là phong trào “Hát cho Đồng bào tôi nghe” gắn liền với tên tuổi nhạc sĩ như: Tôn Thất Lập, Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, La Hữu Vang, Nguyễn Xuân Tân, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Nam, Nguyễn Phú Yên… và rất nhiều nhiều nghệ sĩ khác. Vũ Sĩ Đoàn - Nguyễn Thanh Sơn chính là “những chiến sĩ” đi đầu khẳng định rõ tính chiến đấu của phong trào văn nghệ sinh viên, học sinh, trở thành dũng khí đầy cuốn hút với “tiếng hát những đêm không ngủ”, “dậy mà đi”, và đã lan tỏa, đánh thức lương tâm, khơi dậy tinh yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nhiệt huyết của tuổi trẻ xuống đường đấu tranh vì hòa bình, qua đó cổ vũ nhân dân xuống đường biểu tình đấu tranh.

Với lĩnh vực Điện ảnh, những “nghệ sĩ - chiến sĩ” miền Nam như: Khương Mễ, Mai Lộc, Nguyễn Thế Đoàn, Hồ Tây, An Sơn, Vũ Sơn, Nguyễn Đảnh... đã gắn liền tên tuổi mình với những ngày đầu làm điện ảnh tài liệu cách mạng tại bưng biền Đồng Tháp Mười ngay từ cuối năm 1947 và theo suốt cuộc kháng chiến chống Pháp tới chống Mỹ, tạo nên những thước phim tài liệu chân thực như những: Trận Mộc Hóa, Chiến dịch Bến Tre, Chiến dịch Trà Vinh, Chiến dịch La Ban, Cầu Kè... Cùng song hành và tiếp bước họ, Điện ảnh giải phóng với đông đảo các “nghệ sĩ - chiến sĩ’ như: Hồng Sến, Trần Nhu, Nguyễn Hiền, Phạm Khắc, Lê Văn Duy, Nguyễn Ngọc Quang, Đoàn Quốc, Lê Dũng... đã vừa cầm súng, cầm máy quay phim như những nhân chứng - những người chiến sĩ trên chiến trường chiến tranh khốc liệt để chép sử bằng hình ảnh. Thêm nhiều những “nghệ sĩ - chiến sĩ” điện ảnh tài liệu từ miền Bắc được cử vào chiến trường. Nhiều người hy sinh trong tư thế của người nghệ sĩ - chiến sĩ đang cầm súng hoặc đang cầm máy quay phim. Hàng triệu mét phim tài liệu quý giá về chiến tranh đã phải trả bằng xương máu của những người nghệ sĩ - chiến sĩ khi mới ngoài đôi mươi và nhiều những thước phim đang quay dở vẫn còn khét lẹt mùi thuốc súng và thấm đẫm mồ hôi, xương máu của chính mình và đồng đội. Nhà báo Phùng Văn Khai xúc động nhắc nhớ về đồng đội: “trên trận địa pháo cao xạ thành phố Vinh năm 1971, chiến sĩ - hạ sĩ - nghệ sĩ - quay phim Nông Văn Tư đã hy sinh, hay “ngay trong chảo lửa Quảng Trị, các anh Lê Văn Bằng, Lê Viết Thế, Nguyễn Như Dũng đã hy sinh trong tư thế tiến công của người nghệ sĩ - chiến sĩ. Hình ảnh đạo diễn kiêm quay phim Ngô Đặng Tuất ôm máy băng lên giữa một trời máy bay quần đảo ghi cảnh đoàn xe ta bị cháy, hình ảnh quay phim Hoa Đạt kiên quyết đứng sau bụi tre chờ những chiếc xe bọc thép của Mỹ vào tầm bấm máy để có những thước phim chân thực nhất là những hình ảnh của người anh hùng…” Suốt hơn nửa thế kỷ qua, điện ảnh quân đội - điện ảnh tài liệu với đông đảo những “nghệ sĩ - chiến sĩ” đã xác lập những cột mốc bằng phim ấn tượng, đã đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Hàng loạt những bộ phim: Việt Nam trên đường thắng lợi; Điện Biên Phủ; Miền Nam trong trái tim tôi; Một ngày trực chiến; Như đón cả miền Nam anh hùng; Du kích Củ Chi; Chiến thắng đường 9 - Nam Lào; Cuộc đụng đầu lịch sử; Đường mòn trên biển Đông Chiến thắng lịch sử xuân 1975; Dưới cờ Quyết thắng; Lũy thép Vĩnh Linh; Trên hải phận Tổ quốc; Ngọn lửa Nghệ Tĩnh; Chiến đấu giữ đảo quê hương; Người Hàm Rồng; Một ngày Hà Nội; Dòng thác bạc; Chúng con nhớ Bác; Trận địa mặt đường; Ghi chép trên đồng bằng Quảng Ngãi; Hà Nội bản hùng ca; Hà Nội - Thủ đô của phẩm giá con người; Đi tìm đồng đội... và nhiều phim khác - là những minh chứng hào hùng của những nghệ sĩ - chiến sĩ điện ảnh Việt Nam. Chưa hết, luôn sát cánh với những “nghệ sĩ - chiến sĩ”làm phim, còn có đội ngũ phổ biến phim Y4 dũng cảm “vào sinh ra tử” để chiếu phim phục vụ bộ đội, đồng bào từ Long An, Đức Huệ, Ba Thu, đến Đìa Gai, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh tới sát biên giới Cămpuchia. Những chiến sĩ làm công tác điện ảnh ấy như: Năm Nhỏ, Nguyễn Văn Trường, Ba Đông, Nguyễn Văn Thành, Đoàn Phi Hùng, Hà Văn Huỳnh, Nguyễn Ngọc Hiến (Tư Diệu), Lê Hồng Thanh (Sáu Thanh), Lâm Điền Sơn (Năm Sơn), Hoàng Thanh... Bên cạnh đó, tại hậu phương miền Bắc, những nghệ sĩ điện ảnh phim truyện như: Hải Ninh, Huy Thành, Trần Vũ, Trần Phương, Nguyễn Đăng Bảy, Vũ Năng An, Nguyễn Thụ, Bùi Đình Hạc, Vũ Phạm Từ, Trịnh Thịnh, Tuấn Tú, Trà Giang, Thụy Vân, Bích Vân, Đức Hoàn, Tuệ Minh, Minh Đức, Lân Bích, Tự Huy, Đoàn Lê... cùng biết bao những “nghệ sĩ - chiến sĩ” từ miền Nam - tập kết ra Bắc đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Khi “người nghệ sĩ” đấu tranh với chính mình trên “mặt trận” thời bình “không tiếng súng”

Thực tế, trong dòng chảy của thời cuộc ngày trước, khi cả nước có chiến tranh, đông đảo đội ngũ nghệ sĩ: có người vừa cầm bút vừa cầm súng, có người không trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận, song, hầu hết đều trở thành những chiến sĩ của thời đại từ tiền tuyến đến hậu phương… và nội dung sáng tác đa phần là sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác; giữa cái tốt và cái xấu; giữa cái chính nghĩa và phi nghĩa; giữa cái tiêu cực và cái tích cực, lành mạnh… thậm chí, còn có khi được tuyên truyền tô hồng một chiều.

Trong quá trình hội nhập và phát triển, bên cạnh những thuận lợi được khai thác, phát huy, thì những tác động ngược từ những “phản biện trái chiều” ngày một nhiều. Nhà nghiên cứu Hồng Thanh thẳng thắn nêu: “trào lưu, xu hướng đòi giải thiêng các giá trị lịch sử của dân tộc, phủ nhận thành tựu của cách mạng, phủ nhận văn học cách mạng và kháng chiến, chia rẽ nội bộ văn nghệ sĩ; bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ; phủ nhận, đánh đồng cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc ta chống kẻ thù xâm lược với các cuộc nội chiến, phi nghĩa… trong một số bộ phim, cuốn sách in, xuất bản ở nước ngoài; phát tán trên các trang mạng, Internet, blog cá nhân… những bài báo, tác phẩm thơ, văn, bình luận… từ đó, nở rộ một số sáng tác nghệ thuật thể hiện nội dung đả phá, chỉ trích “nổi loạn” hay thiên về góc khuất bản năng. Nhiều tác phẩm rơi vào cái “tôi”, đề cao, miêu tả cá nhân bi đát, sám hối, “tự sự”, muốn phủ nhận quá khứ, đạp đổ thần tượng…”. Cũng có suy nghĩ cực đoan cho rằng “Văn nghệ sĩ là chiến sĩ” chỉ đúng trong thời kỳ kháng chiến, không còn đúng với bây giờ nữa.

Khi những tham nhũng, tiêu cực trong xã hội, sự xuống cấp của đạo đức và chuẩn mực văn hóa… diễn ra ngày một nhiều đã làm tổn thương, đánh mất niềm tin, trở thành những bức xúc uẩn ức cần giải tỏa, thì mâu thuẫn vẫn luôn đối diện ngay trong chính tâm trạng mỗi người, đặc biệt với giới trẻ và nhất là giới văn nghệ sĩ giàu xúc cảm. Trên “mặt trận không tiếng súng” này tuy không có kẻ thù trực tiếp, nhưng tính chất phức tạp và vẫn quyết liệt phức tạp hơn bao giờ hết. Đó chính là sự thử thách thái độ, bản lĩnh của mỗi công dân - nghệ sĩ trước những thăng trầm thời cuộc.

Tiếp tục khẳng định “văn nghệ sĩ là chiến sĩ” chính là duy trì và phát huy những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh trên “mặt trận” sáng tác nghệ thuật mà người nghệ sĩ là chủ thể.

Bài và ảnh: Tú Anh

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/cua-so-van-hoa/khi-nhung-gia-tri-qua-khu-chua-he-xua-cu-221729.html