Khi những nông dân chuyển đổi nghề thành công

Thu nhập ổn định, môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại là những điều mà hàng trăm nông dân 'nâng cấp' thành công nhân cảm nhận sự khác biệt sau khi dự án khu đô thị Ecopark (Văn Giang, Hưng Yên) triển khai.

Giờ làm việc của công nhân cây xanh.

Khu đô thị Ecopark hiện thu hút 1.300 lao động, trong đó phần nhiều là những người dân đã nhường đất cho dự án ở 3 xã Phụng Công, Cửu Cao, Xuân Quan được Công ty cổ phần đầu tư phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) ưu tiên tuyển dụng. Sau khi tỉnh Hưng Yên thu hồi đất cho khu đô thị Ecopark, nhiều lao động xuất thân từ nông dân các xã này được đào tạo nghề, giải quyết việc làm ổn định.

Các lao động được đào tạo kỹ năng làm việc chuyên nghiệp theo từng lĩnh vực. Với công nhân cây xanh được tập huấn kỹ thuật chuyên trồng hoa các loại và sản xuất rau sạch theo quy trình Vietgap. Đội ngũ nhân viên an ninh được đào tạo chuyên nghiệp từ nghiệp vụ an ninh, công tác phòng cháy chữa cháy, võ thuật tự vệ, đến quy tắc, tác phong ứng xử với người dân...

Anh Phạm Đức Thanh, tổ trưởng tổ cây xanh chia sẻ: Trước đây nhiều gia đình ở các xã Cửu Cao, Xuân Quan chủ yếu cấy lúa, trồng màu thu nhập ở mức thấp và bấp bênh. Sau khi nhường đất cho dự án, bà con được vào Ecopark làm việc với chế độ làm việc 8 giờ/ngày, có ngày nghỉ chủ nhật. Thu nhập ổn định nên cuộc sống tốt hơn trước.

Còn anh Nguyễn Đức Đạt, quê xã Phụng Công, hiện là tổ trưởng tổ an ninh vui vẻ cho biết, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, làm nhiều nơi chưa ổn định, anh rất may mắn khi chọn được công việc phù hợp tại Ecopark. Với anh đây là nơi làm việc tốt, được đào tạo bài bản các kỹ năng chuyên môn, thu nhập cũng cao hơn so với công việc trước kia và có nhiều thời gian dành cho gia đình.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Lan, 42 tuổi, ở xã Xuân Quan, làm việc tại Ban Cây xanh khu đô thị Ecopark được 6 năm. Nhờ chăm chỉ và thạo việc, chỉ sau 2 năm chị đã được tín nhiệm làm tổ trưởng với mức lương 7 triệu/tháng. Theo chị Lan: "Công việc ở đây khá quen thuộc với những người vốn là nông dân lao động phổ thông như chúng tôi, bởi không đòi hỏi kỹ thuật khó. So với làm ruộng trước đây mùa vụ bấp bênh, nay thu nhập của chúng tôi ổn định hơn".

Để người lao động gắn bó lâu dài tại khu đô thị Ecopark, công ty Vihajico đã liên tục có những chính sách thiết thực để hỗ trợ đời sống người lao động. Với mức lương ổn định mỗi người từ 4,5 triệu đồng đến 10 triệu đồng/tháng, các lao động có ký kết hợp đồng được hưởng nhiều chế độ chính sách như: bảo hiểm, ốm đau, tăng lương theo thâm niên, khen thưởng...

Bế giảng khóa huấn luyện an ninh đô thị.

Đối với các lao động thời vụ, mức lương được trả theo thỏa thuận để lao động yên tâm và thường xuyên đến đăng ký làm việc ngắn hạn theo nhu cầu. Chị Nguyễn Thị Chúc, trú tại thôn 5 xã Xuân Quan cho biết: Chị được tuyển dụng vào làm việc theo thời vụ tại Ecopark đến nay đã 6 năm. Ở độ tuổi ngoài 50, chị Chúc cũng như nhiều bà con các xã Phụng Công, Cửu Cao không đủ điều kiện để vào làm công nhân ở các nhà máy xí nghiệp. Vì vậy, được làm việc tại Ecopark đã khiến chị rất yên tâm, với mức thu nhập ổn định 4 - 5 triệu đồng mỗi tháng. Công việc chăm sóc cây xanh rất phù hợp với nhà nông và nghề trồng hoa cây cảnh vốn có ở vùng quê Văn Giang.

Ông Nguyễn Công Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty Vihajico khẳng định, Ecopark luôn tích cực cùng với địa phương có những biện pháp hỗ trợ căn cơ nhất, tốt nhất cho người dân vùng dự án chuyển đổi nghề và ổn định đời sống. Bên cạnh việc hỗ trợ xây dựng các dự án đất dịch vụ của 3 xã vùng dự án, Công ty luôn có chính sách đãi ngộ tốt và tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, nhân văn để người lao động yên tâm làm vệc và gắn bó lâu dài. Trong những năm qua Ecopark đã liên tục, thường xuyên có những chính sách, hoạt động hỗ trợ đời sống người dân địa phương với tổng chi phí lên đến 500 tỷ đồng, bao gồm: tổ chức các khóa đào tạo chuyển đổi nghề cho khoảng 600 nông dân Văn Giang (đào tạo kỹ thuật trồng hoa, rau, chăn nuôi gia súc gia cầm, thú y...); hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ kinh phí di chuyển cây; hỗ trợ ổn định đời sống; hỗ trợ dọn mặt bằng; chi phí quy hoạch thiết kế hạ tầng, san nền cho các dự án đất dịch vụ...

Đánh giá về hiệu ứng từ dự án mang lại, ông Lê Quý Đôn, Chủ tịch UBND xã Xuân Quan cho biết: “Sự phát triển của khu đô thị Ecopark đã đem lại cuộc sống mới cho người dân trong trong vùng dự án. Từ những thanh niên tốt nghiệp đại học đến bà con nông dân hết tuổi lao động nếu có nhu cầu đều được tuyển dụng vào làm việc theo khả năng, với mức thu nhập ổn định. Hơn nữa, sự hình thành của đô thị Ecopark đã tác động lớn đến sự phát triển làng nghề trồng hoa Xuân Quan, vùng trồng hoa cây cảnh lớn nhất miền Bắc hiện nay. Nhiều du khách đến Ecopark vui chơi, thư giãn đều không quên ghé thăm Xuân Quan, vùng đất cận kề Thủ đô đang mở ra nhiều triển vọng hình thành làng du lịch ven sông Hồng”.

Mai Ngoan

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/doanh-nghiep-san-pham-dich-vu/khi-nhung-nong-dan-chuyen-doi-nghe-thanh-cong-20180731091003261.htm