Khi những ông trùm ma túy mang dáng vẻ khổ sở

Bắt tay nhau trong một đường dây ma túy từ Điện Biên 'quá cảnh' về Hà Nội rồi mang lên Cao Bằng bán sang Trung Quốc, nhóm đối tượng người dân tộc thiểu số đã dùng những thủ đoạn đặc biệt tinh vi, khó lường. Trong đó, những tên 'trùm sò' luôn khoác lên người vẻ ngoài khổ sở của một nông dân vùng cao.

Đối tượng Páo bị bắt giữ khi đang mang theo 20 bánh heroin

Đối tượng Páo bị bắt giữ khi đang mang theo 20 bánh heroin

Đường đi vòng vèo của 20 bánh heroin

Chiều 7-3-2020, trinh sát của Đội 2, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (CATP Hà Nội) phối hợp với Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (Bộ Công an), Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ (CATP Hà Nội) đã triệt phá thành công đường dây vận chuyển ma túy tinh vi xuyên biên giới, từ Lào qua Điện Biên, xuống Hà Nội rồi lại lên Cao Bằng để bán qua biên giới. Trong đó, 3 đối tượng tham gia đường dây đã bị bắt giữ là Vàng A Lồng (chủ mưu; SN 1989; trú tại bản Huổi Hương, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên); Vàng A Páo (kẻ vận chuyển; SN 1993; trú tại bản Phủ Lĩnh, xã Si Pa Thìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên); Mông Văn Hợp (đối tượng mua và bán lại cho đầu mối bên Trung Quốc; SN 1968; trú tại xóm Lũng Nọc, xã Vân Nội, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng).

Lồng đặt mua ma túy của một đối tượng người Lào ở khu vực biên giới, rồi thuê Páo vận chuyển từ Điện Biên xuống Hà Nội. Tới nơi, Lồng sẽ điều hướng để Páo giao ma túy cho Hợp. Vàng A Lồng không bao giờ trực tiếp cầm và giao ma túy, mà chỉ giữ vai trò “hoa tiêu” từ xa.

Sau khi nhận hàng, Hợp sẽ mang ma túy lên Cao Bằng để bán lại cho đầu mối bên Trung Quốc. Khi cả Lồng, Páo và Hợp bị bắt giữ, cơ quan công an đã thu giữ 20 bánh heroin với tổng khối lượng khoảng 6,78kg. Dù sau đó các đối tượng tỏ ra quanh co, luôn tìm cách cách giải thích theo hướng chối quanh, nhưng những lý do biện minh này đều đã bị vạch trần.

Đối tượng Lồng (trái) và Hợp (phải) là chủ mưu của đường dây, nhưng lại chỉ nhận là "làm thuê"

Những thủ đoạn tinh vi

Khi dựng lên đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy nói trên, các trinh sát của Công an Hà Nội đã nhận thấy các đối tượng tham gia đều là người dân tộc thiểu số. “Chúng thỏa thuận rằng, chỉ giao dịch ở Hà Nội, quanh khu vực bến xe vốn đông người qua lại nên việc nhận dạng đối tượng rất khó khăn. Quá trình giao dịch, các đối tượng dùng những ký hiệu đặc biệt, hoặc nói tiếng dân tộc và luôn tỏ ra rất đề phòng” - Trung tá Nguyễn Việt Long, Đội trưởng Đội 2, cho biết.

Khi xuống bến xe Mỹ Đình, Páo ôm balô heroin và đi thuê một nhà nghỉ chờ tin nhắn báo điểm hẹn giao hàng từ Lồng. Dù vận chuyển ma túy nhưng Páo luôn đeo chiếc máy ảnh trước ngực như một thợ ảnh nghiệp dư, song thực chất, đây là cách để hắn đánh lạc hướng người đối diện. Nhằm kiểm tra xem “người vận chuyển” có bị công an theo dấu hay không, Lồng đã vài lần thay đổi địa điểm giao dịch. Tới khi thấy yên tâm, hắn mới chốt nơi giao hàng cho đối tác Hợp. Đến lúc cả Lồng, Páo và Hợp sa lưới, chúng tiếp tục tỏ ra lì lợm, ngoan cố.

Trong quá trình đeo bám đối tượng, trinh sát đã về tận nhà của từng tên và nhận thấy cả 3 giống hệt nhau ở thủ đoạn hóa trang. Dù thu về hàng trăm triệu đồng sau mỗi phi vụ trót lọt, nhưng các đối tượng đều ở trong những ngôi nhà tuềnh toàng, lụp xụp. Không ai có thể nghĩ rằng đây là nhà của các ông trùm trong đường dây buôn bán ma túy.

Khi ra ngoài, các đối tượng “trùm sò” như Lồng, Hợp ăn mặc như những người lao động lam lũ, chân lấm tay bùn. Dù là đầu mối mua ma túy để mang về Cao Bằng rồi bán sang Trung Quốc, song đối tượng Hợp thường xuyên... đi dép lê. Trung tá Nguyễn Việt Long nhớ lại: “Đường vào nhà của các đối tượng rất khó đi. Chưa kể, họ ở trong cộng đồng dân tộc thiểu số nên khi có người lạ đi vào thì sẽ rất dễ bị phát hiện. Do vậy, việc đeo bám thực sự khó khăn”.

Sau một thời gian theo dõi, trinh sát đã nhận thấy sự chuẩn bị bất thường của các đối tượng, qua đó dự đoán đường dây này sẽ cất một mẻ hàng lớn vào ngày 7-3. Sở dĩ nhóm này chọn ngày chốt giao dịch như vậy vì đây là ngày cuối tuần (thứ bảy), lại sát ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 nên chúng hy vọng lực lượng chức năng sẽ lơ là việc giám sát. Dù cùng đường dây nhưng kẻ chủ mưu là Lồng và “người vận chuyển” Páo không đi cùng xe. Lồng chỉ điều hướng để Páo mang 20 bánh heroin đi theo lời chỉ dẫn. Các đối tượng đều lựa chọn xe khách bình dân để di chuyển và đóng vai là người ở vùng cao xuống Hà Nội tìm việc.

Đối tượng Hợp thu về hàng trăm triệu đồng sau mỗi phi vụ trót lọt, nhưng vẫn luôn ăn mặc như người lao động vất vả

Vỏ quýt dày, móng tay nhọn

Khi xuống bến xe Mỹ Đình, Páo ôm balô heroin và đi thuê một nhà nghỉ chờ tin nhắn báo điểm hẹn giao hàng từ Lồng. Dù vận chuyển ma túy nhưng Páo luôn đeo chiếc máy ảnh trước ngực như một thợ ảnh nghiệp dư, song thực chất, đây là cách để hắn đánh lạc hướng người đối diện. Nhằm kiểm tra xem “người vận chuyển” có bị công an theo dấu hay không, Lồng đã vài lần thay đổi địa điểm giao dịch.

Tới khi thấy yên tâm, hắn mới chốt nơi giao hàng cho đối tác Hợp. Đến lúc cả Lồng, Páo và Hợp sa lưới, chúng tiếp tục tỏ ra lì lợm, ngoan cố. Trong đó, các đối tượng chỉ nhận chúng làm thuê cho ông chủ, để nhận trả công về sau (thực chất, Lồng và Hợp là 2 ông trùm trong đường dây này). Bên cạnh đó, các đối tượng một mực khẳng định đây là lần đầu tiên chúng buôn bán, vận chuyển ma túy.

“Đường dây này đã hoạt động và thực hiện trót lọt nhiều vụ. Chúng tôi lường trước được rằng, khi bị bắt chúng sẽ chỉ khai nhận vụ hiện thời. Sau quá trình trinh sát, bắt giữ, thì quá trình đấu tranh cũng rất căng thẳng vì những kẻ trong đường dây thừa biết cái giá phải trả cho tội của chúng sẽ như thế nào. Chúng tôi đã đưa ra toàn bộ lý lẽ, chứng cứ cụ thể, qua đó chỉ rõ tội danh của từng đối tượng một cách khách quan, toàn diện. Bởi vậy, các đối tượng sau cùng đều phải nhận tội” - Trung tá Nguyễn Việt Long cho biết.

Chuyên án ma túy khép lại một cách thành công là khi toàn bộ đối tượng trong đường dây bị bắt giữ, tang vật được phát hiện đầy đủ và lực lượng trinh sát đảm bảo an toàn xuyên suốt quá trình làm nhiệm vụ. Bên lề chuyên án, các trinh sát vẫn kể vui với nhau về kỷ niệm nhận tin nhắn mà những người vợ ở nhà gửi đi: “8-3 mà giờ này, bố vẫn chưa về”. “Qua rất nhiều chuyên án, chúng tôi đã quen với việc phải đi biền biệt, vắng mặt trong những thời điểm sum vầy quan trọng của gia đình. Hơn ai hết, mỗi người vợ của trinh sát đều hiểu, chia sẻ và cảm thông cho chồng. Chúng tôi hiểu rằng, tin nhắn hờn trách dịp 8-3 vừa rồi thực chất là lời dặn dò mà người vợ ở nhà muốn nhắn nhủ, để mỗi anh em giữ gìn an toàn khi làm nhiệm vụ” - Trung tá Nguyễn Việt Long giãi bày.

Trung Hiếu

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/khi-nhung-ong-trum-ma-tuy-mang-dang-ve-kho-so/847591.antd