Khi những phận đời lam lũ lên phim

Không phải bối cảnh cuộc sống hiện đại với xe hơi, nhà lầu cùng nhân vật là những nam thanh nữ tú sang chảnh, tiêu tiền không hết... gần đây, một số bộ phim truyền hình về những phận người nghèo khổ, lam lũ như 'Cát đỏ', 'Mẹ Rơm', 'Cuộc đời vẫn đẹp sao'... lại có sức hút đặc biệt với khán giả và mang đến những thông điệp nhân văn sâu sắc.

Bộ phim "Cuộc đời vẫn đẹp sao" (đạo diễn Danh Dũng) phát sóng vào buổi tối trên kênh VTV3 mới được mấy tập đầu tiên nhưng đã nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của công chúng. Khác với nhiều bộ phim phát sóng trước đó, phim có bối cảnh là khu xóm trọ tồi tàn của những người lao động làm công việc bốc vác hàng ở chợ đầu mối. Phần lớn những cảnh quay đều "thiếu sáng" vì chủ yếu là cảnh bốc vác hàng lúc gần sáng hay trong những căn nhà lắp ghép tạm bợ… như phần nào nói lên cuộc sống thiếu trước hụt sau của những người dân lao động ráo mồ hôi là hết tiền.

NSƯT Thanh Quý và diễn viên Thanh Hương trong phim “Cuộc đời vẫn đẹp sao”.

NSƯT Thanh Quý và diễn viên Thanh Hương trong phim “Cuộc đời vẫn đẹp sao”.

Mỗi nhân vật trong "Cuộc đời vẫn đẹp sao" đều chứa đựng một số phận đặc biệt. Luyến (Thanh Hương thủ vai) làm nghề bốc vác thuê, sống cùng mẹ chồng bán hàng rong. Trước đó, gia đình Luyến sống ở vùng biển. Vì ôm khát vọng đổi đời, chồng Luyến vay một số tiền lớn để mua tàu đi đánh bắt xa bờ nhưng không may gặp bão mất tích, để lại cho Luyến khoản nợ khổng lồ. Bán nhà trả nợ vẫn chưa hết, Luyến cùng mẹ chồng dắt díu nhau lên xóm chợ mưu sinh tằn tiện tích cóp trả nợ.

Lưu (Hoàng Hải đóng) là người đàn ông cục cằn, thô lỗ. Vợ bỏ đi ngay từ khi con còn đỏ hỏn, để Lưu lại cảnh "gà trống nuôi con". Cậu con trai của Lưu học giỏi, đỗ đại học nhưng luôn mang trong mình mặc cảm nhà nghèo. Điền (Tô Dũng đóng) là anh em cùng phòng trọ với Lưu, hiền lành, nhường nhịn nhưng cũng có hoàn cảnh gia đình ở quê rất khó khăn. Ngoài những nhân vật chính còn có những nhân vật như Bình - làm thuê ở quầy bán hoa quả, đồng bóng, chanh chua, thích Lưu nên hay ghen tỵ với Luyến, Hòa - chủ cửa hàng hoa quả hiểu chuyện, thương người.

Đạo diễn Danh Dũng cho biết, anh luôn chủ trương xây dựng tính cách nhân vật sao cho "đời" nhất với cả mặt tốt và mặt xấu. Luyến sắc sảo, tần tảo, đôi khi lợi dụng người khác để có lợi cho mình nhưng tốt tính, chân thành, hết lòng với người thân. Lưu khắc khổ, bốp chát thường xuyên say xỉn, quần áo xộc xệch nhưng luôn mang trong mình niềm tự hào có đứa con học giỏi. Điền có vẻ ngoài hiền lành, chân thật, hay nhún nhường, lo lắng tuy nhiên có gánh nặng riêng nên trong lúc bấn loạn đã lừa lấy trộm vàng của bà Tình để về quê. Bà Tình do NSƯT Thanh Quý thủ vai là hình mẫu người mẹ chồng quê mùa nhưng yêu thương con dâu hết mực…

Được biết, để bộ phim có được sự chân thực nhất, chợ đầu mối Long Biên đã được chọn làm bối cảnh quay. Phim cũng được thu thanh đồng bộ trực tiếp tại hiện trường nên nhiều cảnh quay phải quay đi quay lại vì lẫn tạp âm. Là đạo diễn từng thành công với những bộ phim như "Về nhà đi con", "Hương vị tình thân" … đạo diễn Danh Dũng rất có duyên trong việc khắc họa vẻ đẹp nội tâm nhân vật lấp lánh phía sau vẻ bề ngoài đen đúa, nhếch nhác bởi cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn. "Tôi muốn khai thác đề tài này một cách nhân văn nhất, để nói rằng dù cuộc sống thế nào họ vẫn vươn lên và yêu mến cuộc đời" - đạo diễn Danh Dũng chia sẻ.

Trước bộ phim "Cuộc đời vẫn đẹp sao", cuối năm 2022, một bộ phim đã từng gây sốt trên màn ảnh nhỏ đó là "Mẹ Rơm" của đạo diễn Phương Điền. Lấy bối cảnh là làng Mô nghèo ở một vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh, nhân vật trong "Mẹ Rơm" cũng đều là những người nông dân nghèo với những hoàn cảnh vô cùng đáng thương. Mô "gù", người đàn ông tật nguyền nghèo khổ, vì tốt bụng, vì lòng trắc ẩn mà phải "gà trống nuôi con". Bà Năm "mù" sống bằng nghề đan lát nhưng luôn yêu thương, giúp đỡ Mô gù. Hồng, cháu gái bà Năm vì món nợ do bị người yêu cũ lừa mà phải lên thành phố làm gái bán hoa. Loan "khờ" được mẹ nuôi yêu thương nhưng rồi mẹ mất khi cái thai trong bụng cô ngày một to. Để giữ cái thai, Loan phải bỏ nhà ra đi. Khoản - người đàn ông đi tù về cục cằn, thô lỗ và luôn thù hận với những món nợ trong quá khứ…

Vai Mô “gù” của Thái Hòa trong phim "Mẹ Rơm" khiến khán giả xúc động.

Dù mỗi nhân vật trong "Mẹ Rơm" đều mang một nỗi vất vả, khổ sở riêng nhưng trong đó nổi bật câu chuyện cảm động về tình phụ tử và tấm lòng nhân hậu của Mô "gù" (Thái Hòa đóng). Người đàn ông có ngoại hình dị dạng, sống cô đơn từ nhỏ, yêu đơn phương cô gái khù khờ cùng làng tên Loan và cuối cùng trở thành người cha bất đắc dĩ của Hạt Dẻ, con của Loan. Dù có những thời điểm cuộc sống cùng cực, Mô "gù" vẫn luôn cố gắng dành những điều tốt đẹp nhất cho con gái.

Một trong những thành công của phim là sự hóa thân xuất sắc của các diễn viên. Vai Mô "gù" dị dạng tội nghiệp nhưng đáng quý với trái tim đầy ắp yêu thương như là vai diễn "đo ni đóng giầy" cho Thái Hòa. Anh diễn mà như không diễn. Cao Minh Đạt cũng xuất sắc với vai Khoản, một thanh niên đi tù về cục cằn, thô lỗ nhưng sâu thẳm bên trong là tình yêu bền bỉ dành cho Loan.

Đạo diễn Phương Điền từng chia sẻ về ý tưởng làm phim "Mẹ Rơm": "Ngay từ khi quay phim "Cha rơi", tôi thấy những con bù nhìn trên cánh đồng thú vị quá. Tôi chợt nghĩ sao mình không kể một câu chuyện nhân cách hóa con bù nhìn ấy thành con người. Họ như rơm rạ, thấp cổ bé họng trong xã hội nhưng vẫn có khát khao trong cuộc sống, có trái tim nhân hậu, yêu thương. Chính tình yêu ấy sẽ sưởi ấm, chữa lành, cảm hóa những người đang có suy nghĩ chưa đúng".

Một trong những đạo diễn cá tính, tài năng trong việc khắc họa những số phận con người trong cuộc sống, đặc biệt là người phụ nữ phải kể tới đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Sau bộ phim "Thương nhớ ở ai" được coi như phiên bản truyền hình của bộ phim nhựa "Bến không chồng" cũng chính anh đạo diễn thì sau đó Lưu Trọng Ninh cũng mang đến cho khán giả một bộ phim truyền hình dài 30 tập "Cát đỏ".

Bộ phim xoay quanh cuộc đời, số phận của 3 người phụ nữ ở vùng đất Nam Trung bộ đầy nắng, gió và cát. Họ là Nhớ (Thúy Diễm đóng), Nhan (Thúy Nga đóng), Đủ (Tuyết Hương đóng). Nhớ chạy trốn khỏi xưởng nước mắm với cái thai trong bụng. Nhan trốn khỏi nhà khi mới 13 tuổi vì bị cha dượng xâm hại, Đủ có con với ông Tư và dù họ yêu nhau thật lòng nhưng ông Tư có lời thề không đi bước nữa với người vợ quá cố nên họ không thể cưới nhau. Rồi gặp nhau tình cờ và sống nương tựa nhau trong ngôi nhà trống huơ trống hoác giữa đồng cùng 2 đứa trẻ. Cuộc sống đầy biến cố, tủi hờn đến cùng với những người đàn ông song hành với cuộc đời họ. Bộ phim cho thấy giữa khung cảnh thiên nhiên hoang dã, con người sống bộc trực, có phần thô lỗ nhưng sâu thẳm bên trong là tình người cùng những cố gắng không mệt mỏi để vượt lên số phận, để có được tình yêu cho riêng mình.

Có thể nói, ở mảng phim truyền hình, bên cạnh một số dòng phim chính luận, hình sự, hôn nhân - gia đình, tuổi trẻ - thanh xuân … thì những bộ phim đề cập tới những số phận con người lam lũ luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của khán giả. Những bộ phim này khi ra mắt đã giúp chấm dứt tình trạng khán giả từng "kêu trời" vì mở tivi ra là gặp thiếu gia, công chúa con nhà giàu với cuộc sống sang chảnh… Trong khi, phần lớn người dân trong xã hội vẫn là người lao động đang mải miết mưu sinh. Một trong những điểm cộng ở những bộ phim này là bối cảnh, hình ảnh trong phim luôn được đầu tư ấn tượng tới ám ảnh. Không phải là cuộc sống hiện đại xe cộ hối hả mà là trảng cát nóng mênh mông trong "Cát đỏ", những cánh đồng xanh mướt dưới chân đồi núi quanh co trong "Mẹ Rơm", thậm chí là xóm trọ nhếch nhác, tồi tàn cùng không gian ầm ĩ, huyên náo của khu chợ trong "Cuộc đời vẫn đẹp sao" ...

Những nhà làm phim cho biết, thực hiện được những bộ phim này thì từ khâu kịch bản đến bối cảnh, chọn diễn viên luôn mất nhiều thời gian, công sức hơn đề tài khác. Không chỉ bối cảnh mà việc khai thác tính cách, số phận nhân vật cũng cần sự dụng công đặc biệt. Tuy nhiên, một điều đáng quý mà những bộ phim khai thác cuộc sống của những phận đời lam lũ là mang đến cho khán giả cái nhìn trân trọng, yêu thương, chia sẻ với những người còn thiệt thòi, yếu thế trong xã hội. Chính sự lạc quan, không ngừng vươn lên giữa nghịch cảnh của các nhân vật đã tiếp thêm cho khán giả niềm tin yêu vào những điều đẹp đẽ trong cuộc sống.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/khi-nhung-phan-doi-lam-lu-len-phim-i689757/