Khi nỗi sợ hãi trở thành 'miếng mồi' ngon

Tại Việt Nam, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, các cấp, ngành, địa phương đều đang không ngừng nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 trong cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những cố gắng này, vẫn còn không ít những cá nhân, tổ chức coi nỗi sợ hãi của người tiêu dùng là 'miếng mồi ngon' để trục lợi, kiếm chác, hòng mang về lợi ích kinh tế cho bản thân.

Chuyện thị trường

Chính tâm lý lo sợ dịch bệnh cùng với nhiều luồng thông tin không chính thống trên các mạng xã hội những ngày đầu bùng phát dịch Covid-19 đã từng gây ra "cơn sốt" tìm mua khẩu trang, thiết bị y tế chưa từng có. Lợi dụng nhu cầu rất lớn của người dân với các mặt hàng này, nhiều cơ sở đã có hành vi "găm" hàng, đẩy giá khẩu trang lên cao khiến những chiếc khẩu trang bình thường bỗng đắt gấp hàng chục lần và ngày càng khan hiếm. Tương tự, vào khoảng cuối năm 2019, số bệnh nhân phải nhập viện điều trị do nhiễm cúm A tăng cao, cộng với tâm lý hễ có dấu hiệu nghi cúm là tự ý mua thuốc Tamiflu về uống, khiến loại thuốc này ngoài thị trường trở nên khan hiếm, bị đẩy giá tăng cao lên gấp 4-5 lần. Ðồng thời, tình trạng "găm" hàng, "thổi" giá thuốc Tamiflu vào thời điểm đó để trục lợi cũng diễn ra. Khi đó, các hiệu thuốc đều không còn loại thuốc này và nếu có thì giá bán cũng dao động từ 1,5 đến 2 triệu đồng/vỉ 10 viên, trong khi trước đó giá chỉ 45 nghìn đồng/viên. Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng trong việc kiểm tra xử lý, đến nay phần lớn các cơ sở kinh doanh đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá và bán các mặt hàng này đúng theo giá quy định.

Có thể thấy, tình trạng nêu trên chính là mặt trái của kinh tế thị trường với nguyên tắc kinh doanh thấy lợi là làm khi nhu cầu tăng cao. Tuy nhiên, việc kiếm tiền, trục lợi từ dịch bệnh là một hành vi bất lương, cần phải lên án mạnh mẽ. Sau câu chuyện thuốc Tamiflu, khẩu trang không kiểm soát được giá đã cho thấy công tác quản lý trong ngành y còn nhiều bất cập. Bởi y tế là lĩnh vực liên quan trực tiếp tới sức khỏe, mạng sống của con người. Hơn nữa, đây là những sản phẩm y tế nhằm phòng, chống dịch, mà nói như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "Chống dịch như chống giặc", cho nên đây cũng là trách nhiệm toàn dân, không phải trách nhiệm của riêng cá nhân ai. Vì vậy, hành vi đầu cơ, "găm" các mặt hàng y tế phục vụ phòng, chống dịch để tăng giá là điều không thể chấp nhận. Bên cạnh việc các cơ quan chức năng giám sát, xử phạt những trường hợp vi phạm về giá, để tránh tình trạng "thổi giá" các mặt hàng, bản thân người tiêu dùng cần có nhận thức đúng đắn, tiếp nhận những thông tin chính thống để hiểu biết về tình hình dịch bệnh và cách phòng ngừa. Việc hiểu biết đúng về dịch bệnh sẽ giúp phòng ngừa hiệu quả mà không tạo cơ hội cho những người lợi dụng tâm lý sợ hãi để kinh doanh, trục lợi, thổi giá hàng quá cao, gây bất ổn cho xã hội.

Thảo Chi

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/item/43501002-khi-noi-so-hai-tro-thanh-mieng-moi-ngon.html